Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đài có phải bồi thường cho khách hàng khi cắt kênh?

"Nếu nhà cung cấp tự ý cắt bớt những chương trình trước đây đã cam kết mà không thông báo với khách hàng thì xem như vi phạm hợp đồng", luật sư nói.

T

ừ ngày 1/4, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ VTVCab, Viettel bất ngờ không tìm thấy hàng loạt kênh mình yêu thích như HBO, Cinemax, Disney Channel, Animal Planet, Discovery, National Geographic, BBC Earth...

Trên website chính thức, VTVCab thông báo khách hàng sẽ được theo dõi hàng loạt kênh truyền hình mới trên hệ thống của họ và Next TV (của Viettel). Trong khi đó, khách hàng cho biết việc thay đổi kênh diễn ra rất âm thầm mà không có thông báo trước nên họ cảm thấy khó chịu.

Vi phạm hợp đồng

Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quan hệ pháp lý giữa VTVCab, Viettel và khách hàng trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng dịch vụ giữa bên cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Do đó, việc VTVCab, Viettel, cắt giảm một số kênh truyền hình mà không thông báo trước hoặc thông báo không đầy đủ, rõ ràng với khách hàng thì trước hết phải căn cứ vào các điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng để xem xét xử lý, giải quyết.

Theo luật sư, nếu trường hợp trong hợp đồng không xác định rõ thì cần xác định VTVCab, Viettel có cam kết, niêm yết, công bố hoặc quảng cáo các kênh truyền hình trong bảng kênh mà họ cung cấp hay không.

vtvcab doi kenh anh 1
Khách hàng VTVCab từ nay không còn cơ hội theo dõi tiếp Game of Thrones trên HBO, cũng như nhiều kênh truyền hình quen thuộc khác. Ảnh: HBO.

Trong trường hợp này, dù có thể chưa có sự thể hiện rõ ràng, qua các thông tin phản ánh có thể thấy rằng trước đó khách hàng đều đã được cung cấp những kênh truyền hình đã bị “cắt” và các kênh bị cắt đó vốn dĩ vẫn thuộc phạm vi dịch vụ được cung cấp mà khách hàng đã sử dụng trên thực tế và đã trả tiền.

"Nếu nhà cung cấp tự ý cắt bỏ bớt những chương trình trước đây đã cam kết mà không thông báo với khách hàng thì xem như đã vi phạm hợp đồng", luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.

Theo nội dung hợp đồng giữa VTVCab và khách hàng, việc thay đổi kênh, số lượng kênh phải được thông báo đến khách hàng và việc thay đổi chỉ được quyền thực hiện trong một số trường hợp nhất định được nêu trong hợp đồng.

"Do đó, nếu VTVCab đơn phương cắt kênh, thay đổi kênh không thuộc trường hợp thỏa thuận hoặc/và không thông báo cho khách hàng thì đã vi phạm điều khoản trên của hợp đồng (phụ thuộc vào từng hợp đồng cụ thể giữa hai bên)", luật sư Kiều Anh Vũ nhận định.

Phải bồi thường cho khách hàng

Từ những phân tích trên, thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo (giảng viên khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM) cho rằng nếu còn trong thời gian hợp đồng mà một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, khách hàng  còn có thể tự bảo vệ quyền thông qua cơ chế bảo vệ người tiêu dùng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

vtvcab doi kenh anh 2
VTVCab quảng bá kênh mới. Ảnh: HTV.

Xét ở góc độ quyền của người tiêu dùng theo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng dịch vụ thì VTVCab, Vietel phải thông tin đầy đủ cho khách hàng về những thay đổi trong phạm vi dịch vụ và khách hàng sẽ được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những vi phạm này.

Các luật sư cho rằng với những dấu hiệu vi phạm của bên cung ứng dịch vụ thì khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với VTVCab, Viettel hoặc yêu cầu 2 đơn vị này phải thực hiện đúng hợp đồng về nội dung dịch vụ, khôi phục kênh cho khách hàng. Ngoài ra, khách hàng vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch chia sẻ theo pháp luật quy định, bên nào vi phạm hợp đồng thì có nghĩa vụ bồi thường cho bên kia. Tuy nhiên, mức bồi thường như thế nào thì cần phải xác định thiệt được hại cụ thể.

"Trong trường hợp này, khách hàng phải chứng minh thiệt hại mà họ phải chịu từ hành vi vi phạm hợp đồng của VTVCab, Viettel. Ví dụ, khách hàng bị mất những khoản chi phí liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với VTVCab, Viettel; chi phí lắp đặt thiết bị mới, sử dụng dịch vụ mới của bên cung ứng dịch vụ khác có các kênh bị cắt… Ngoài ra, khách hàng cũng có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc", luật sư Vũ chia sẻ.

Khán giả hoang mang vì VTVCab thay thế HBO, Cinemax…

Hàng loạt kênh truyền hình được nhiều khán giả yêu thích biến mất trên hệ thống VTVCab và Next TV kể từ ngày 1/4, và bị thay thế bởi những chương trình lạ hơn.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm