Giá nhà đất quá cao đang phá hủy ước mơ và kế hoạch tương lai của nhiều người trẻ Trung Quốc. Không ít thanh niên thừa nhận vừa tốt nghiệp đại học nhưng họ đã mang tâm lý của một người tuổi trung niên.
"Giống như một người đã có gia đình, tôi lên kế hoạch chi tiết cho củi, dầu, mắm, muối. Quá nhiều áp lực về vật chất khiến tôi không thể tận hưởng cuộc sống lãng mạn hay chăm chút cho tâm hồn", một người chia sẻ trên QQ.
Giá nhà tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của thế hệ trẻ ngày nay. Họ không dám kết hôn, tiêu dùng hoặc sinh con. Đây là những vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Nhiều thanh niên Trung Quốc phải gánh trên lưng nhiều áp lực kinh tế, không thể mua nhà. |
Gánh nặng chồng chất
Năm 1998, bất động sản, giáo dục và dịch vụ y tế của Trung Quốc được thị trường hóa hoàn toàn. Nhờ đó, diện tích nhà ở của nhiều gia đình đã được cải thiện rất nhiều.
Sự thịnh vượng của ngành bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng đã kéo theo sự phát triển vượt bậc cho kinh tế đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là bất động sản, giáo dục và dịch vụ y tế không còn hỗ trợ cho nhóm thu nhập thấp. Hệ lụy của giá nhà đất cao đang dần lộ rõ, nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ người trẻ.
Cái giá phải trả đầu tiên là ngày càng nhiều người trẻ không kết hôn. Từ năm 2011, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc có xu hướng giảm và số người ly hôn ngày càng nhiều.
Nguyên nhân lớn của xu hướng này là sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc do giá nhà đất tăng.
Dù là đàn ông ở vùng quê muốn lấy vợ cũng phải có một căn hộ hay dãy nhà trọ ở thị trấn, nếu không bà mối sẽ chẳng đoái hoài đến họ, phụ nữ cũng loại họ khỏi danh sách.
Không chỉ phải có nhà, xe mà khi lấy vợ còn phải có khoản tiền sính lễ lớn, nhiều nam thanh niên nghèo đang dần mất khả năng kết hôn.
Tại các thành phố lớn, giá nhà đất cao ngất ngưởng, những thanh niên thành thị phải có sự hỗ trợ từ cha mẹ mới có thể mua nhà, cưới vợ.
Không ít người trẻ từ bỏ ước mơ mua nhà vì giá cả tăng cao. |
Do gánh nặng về kinh tế, thế hệ trẻ Trung Quốc ngần ngại đẻ con. Từ năm 2016, Chính phủ nước này đã gỡ bỏ chính sách một con và cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con.
Thế nhưng, tỷ lệ sinh đang giảm sâu, từ 17,56 triệu trẻ năm 2017 xuống còn 11 triệu trẻ vào năm nay. Nhiều chuyên gia khuyến khích các gia đình sinh 3 con để cải thiện con số này, song chi phí nuôi một đứa trẻ quá cao, các gia đình kinh tế bình thường không thể lo liệu được.
Các học giả nhận định xu hướng giảm tỷ lệ sinh không thể thay đổi. Trong thời kỳ "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" (2021-2025), dân số Trung Quốc có thể tăng trưởng âm.
Giá nhà đất quá cao cũng khiến các cặp vợ chồng ngần ngại có thêm con. Nếu sinh con thứ 2, diện tích nhà ở hiện tại không đảm bảo không gian sống cho những đứa trẻ, trong khi muốn đổi sang căn hộ rộng hơn nằm ngoài khả năng của họ.
Hầu hết người sinh vào những năm 1970-1980 đang phải gánh nợ mua nhà nên không có nhiều tiền dư dả. Trong khi đó, những thanh niên sinh những năm 1990 đang bị kẹt với các khoản vay tiêu dùng - họ thậm chí từ bỏ ý nghĩ mua được nhà.
Theo QQ, nhà ở, giáo dục và dịch vụ y tế - những thứ liên quan đến sinh kế của người dân - không nên bị thị trường hóa hoàn toàn. Cần có sự kiểm soát và hỗ trợ nhóm thu nhập thấp để họ tiếp cận được nhu cầu về nhà ở.
Để hạn chế vấn đề này, cần hạ giá nhà ở, kiểm soát và dần đẩy giới đầu cơ ra khỏi thị trường. Phải giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau thì ngành bất động sản mới đi đúng hướng và phát triển bền vững.