Cho rằng 7 học sinh trong lớp nói tục nhiều lần, cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh (chủ nhiệm lớp 6C Trường THCS Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã “ép” những em này phải súc miệng bằng nước xà phòng trong giờ sinh hoạt trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Hình phạt phản cảm của cô giáo này đã khiến dư luận bức xúc, lên án.
Trường THCS Nhân Đạo, Vĩnh Phúc, nơi xảy ra sự việc giáo viên ép học sinh súc miệng bằng xà phòng. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Cho rằng giáo viên đã liều lĩnh, không nghĩ tới tính mạng học trò khi đưa ra hình thức kỷ luật nặng nề như thế, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, giáo viên răn đe học trò không được thì có thể đưa ra hình thức kỷ luật theo quy định. Nhưng nếu bắt học sinh súc miệng bằng xà phòng thì hậu quả rất nghiêm trọng.
Ai cũng biết nước xà phòng rất độc, khi uống vào có thể gây sặc, nguy hiểm đến tính mạng. Nên xử phạt để học sinh rút ra bài học chứ không phải để các em thêm ác cảm.
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm: “Ngành giáo dục Vĩnh Phúc cần vào cuộc một cách nghiêm túc, đánh giá đúng tính chất của sự việc cũng như hệ quả của việc làm nói trên gây ra. Theo tôi, việc đưa ra hình phạt kiểm điểm cần dựa vào bản chất diễn ra hàng ngày của cô giáo này, tùy thuộc vào số lần sai sót để đánh giá. Nếu cô đã từng sai sót nhiều lần, hoặc việc bắt học sinh súc miệng bằng xà phòng nhiều lần thì cần xử phạt nặng”.
Cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí là sốc trước hình phạt của giáo viên Vĩnh Phúc đối với học sinh, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng, giáo viên mà có hành vi đánh, mắng học sinh đã là không được.
Dù không đánh đập vào thân thể nhưng phương pháp kỷ luật của cô giáo là không chấp nhận được. Đây là hình thức xâm hại đối với thân thể, sức khỏe của học sinh.
“Trường nào cũng có hội đồng kỷ luật và nếu có hiện tượng gì thì cô giáo phải báo cáo để nhà trường xem xét, xử lý, giải quyết. Giáo viên chỉ có quyền cho học sinh nghỉ 1 ngày để xem xét, viết bản kiểm điểm. Hiệu trưởng mới có quyền yêu cầu họp hội đồng xem xét kỷ luật, đình chỉ học của học sinh 3 ngày. Chứ không phải tùy tiện mà phạt học sinh như thế. Nếu cô giáo này ở trường của tôi, với mức vi phạm như thế chắc chắn tôi sẽ sa thải” - PGS Cương nhận định.
Hiện, trường THCS Nhân Đạo cùng ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng đang tiến hành làm rõ và có hình thức kỷ luật đối với giáo viên này. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT giáo viên tuyệt đối không được xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học trò. Các trường hợp vi phạm tùy mức độ có thể tiến hành xử phạt hành chính, kỷ luật giáo viên.