Ngày càng nhiều những gia đình Trung Quốc giàu có bớt đi nỗi lo đại dịch Covid-19 mà tiếp tục lên kế hoạch gửi con ra nước ngoài học tập. Tương tự nhiều người bạn của mình, Annie Fang (Quảng Châu, Trung Quốc) quyết tâm cho con trai - đang theo học năm nhất ở một trường trung học quốc tế tại Quảng Châu - du học.
"Lớp học của con trai tôi có khoảng 20 học sinh và hơn 1/4 lớp sẽ đến Mỹ hoặc Canada để học trung học trong năm nay. Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ mở đường cho con đi học để có nhiều cơ hội tốt hơn trong tương lai", Annie Fang nói với tờ South China Morning Post.
Đại dịch khiến nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc phải hoãn kế hoạch du học của con. Nhưng khi các nước phương Tây dần mở cửa trở lại, giấc mơ du học từ những gia đình nhà giàu Trung Quốc lại sống lại.
Ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc cho con đi du học. Ảnh: South China Morning Post. |
Bắc Kinh vẫn đóng cửa
Chính sách Zero Covid-19 vẫn được áp dụng ở Trung Quốc, và nước này vẫn chưa từ bỏ quy định kiểm soát biên giới chặt chẽ bậc nhất thế giới. Hàng triệu người Trung Quốc tránh đi du lịch vì các mối lo ngại về sức khỏe, những đợt phong tỏa đột ngột tại các thành phố lớn dẫn đến việc mắc kẹt lâu dài...
Tuy nhiên, ở chiều hướng ra, điều này đang thay đổi. Khoảng 36,75% các gia đình giàu có tại Trung Quốc có con cái học các chương trình giáo dục quốc tế cho biết họ sẽ đưa con ra nước ngoài ở độ tuổi học trung học hoặc thấp hơn. Khảo sát được Babazhenbang công bố vào tháng 8 với dữ liệu của hơn 400 trường đang chuẩn bị cho học sinh Trung Quốc đi du học. Con số thống kê năm ngoái trong cùng khảo sát là 15,7% phụ huynh được hỏi.
Khoảng 96% phụ huynh quyết định sẽ cho con học ở nước ngoài vào một giai đoạn nào đó, có thể là giáo dục tiểu học hoặc đại học. Các phụ huynh nói học ở nước ngoài đem lại cho con tầm nhìn quốc tế, những nguồn lực tốt hơn và nhiều lựa chọn nghề nghiệp chắc chắn hơn.
Năm 2020, khoảng 81% những cha mẹ tham gia khảo sát đã hoãn kế hoạch du học của con vì các lý do hàng đầu như đại dịch và nguy cơ bị phân biệt đối xử do căng thẳng chính trị.
Cuộc khảo sát phỏng vấn 600 gia đình, 67% trong số đó là những người sinh sống ở các thành phố lớn nhất và 63,71% các gia đình có thu nhập hơn 500.000 nhân dân tệ/năm (78.872 USD/năm). Các gia đình có thu nhập ít nhất 1 triệu nhân dân tệ/năm chiếm khoảng 32,35%.
Mỹ và Anh luôn là những nơi du học hàng đầu của học sinh Trung Quốc. Tuy nhiên, theo khảo sát, năm nay mức quan tâm đối với cả hai nước này đều sụt giảm so với năm ngoái. Ở khía cạnh khác, các quốc gia có mối quan hệ thân thiết và ổn định với Trung Quốc như Singapore và Đức đang được nhắm đến. Hong Kong, đặc khu hành chính của Trung Quốc, cũng là một lựa chọn giáo dục được nhiều phụ huynh đại lục quan tâm.
Trong số các phụ huynh bỏ kế hoạch cho con đi du học, 61,5% cha mẹ cho hay họ đang gặp khó khăn trong việc xin visa, chi trả vé máy bay. Việc giảm thu nhập của gia đình là lý do chính của 28% phụ huynh bỏ ý định cho con học ở nước ngoài. Bên cạnh đó, 36% cha mẹ đưa ra lý do rằng họ không còn yêu thích các nước phương Tây.
American Dream, bộ phim Trung Quốc mang màu sắc tinh thần dân tộc nói về giấc mơ đi du học của một nhóm sinh viên Trung Quốc. Ảnh: American Dream. |
Lo sợ phong tỏa kiểu Thượng Hải
Ivan Zhang, nhà tư vấn giáo dục tại Thâm Quyến, Trung Quốc nói cuộc khảo sát đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của nhiều phụ huynh Trung Quốc. Ông nói thêm kể từ mùa thu năm ngoái, số lượng học sinh ở độ tuổi nhỏ hơn đi du học gia tăng rõ rệt.
Việc Thượng Hải đóng cửa chống dịch khiến nhiều người hơn muốn rời khỏi Trung Quốc. Ivan Zhang lấy ví dụ về một tỷ lệ lớn phụ huynh mong muốn đồng hành cùng con trong thời gian học ở Canada và đồng thời họ bắt đầu các chương trình định cư.
Richard Shen, người có gia đình sở hữu một số bất động sản ở Thượng Hải, cho rằng chính sách chống dịch của chính phủ ảnh hưởng rất lớn đến người dân và đã thay đổi kỳ vọng của ông đối với nền kinh tế và xã hội nói chung.
"Ngoài ra, du lịch quốc tế trở nên cởi mở hơn, vì vậy mọi người không còn quá lo lắng như năm ngoái. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc định cư cho đến mùa hè này, tôi phải cố gắng nhất có thể để các thế hệ tiếp theo có thể làm việc và sống ở nước ngoài", Richard Shen nói.