Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà hàng có sao Michelin bị chê món ăn như đồ canteen

Là thương hiệu lâu đời nổi tiếng, nhà hàng gia đình Li Imperial Cuisine (Trung Quốc) khiến thực khách thất vọng khi món ăn bình thường như ở canteen trường học nhưng có giá đắt đỏ.

Nhà hàng gia đình Li Imperial Cuisine là thương hiệu lâu đời, nổi tiếng ở Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận được sao Michelin. Các công thức nấu ăn được tạo ra bởi ông nội của chủ nhà hàng - người từng có thời gian làm việc trong triều đình nhà Thanh.

Nhà hàng quảng cáo rằng các món ăn bán tại đây từng được hoàng đế triều Thanh thưởng thức, và từ khi mở cửa vào năm 1984, nhà hàng đã đón tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng như Thành Long, Bill Clinton và Muhammed Ali.

Tuy nhiên những ngày gần đây, Li Imperial Cuisine lại đang là tâm điểm gây tranh cãi trên mạng vì những lý do không hay, theo Sixth Tone.

Ngày 24/9, một nhóm influencer - là các blogger có triệu follower trên mạng - đã dùng bữa tối tại nhà hàng nổi tiếng này, sau đó tất cả đều đăng đánh giá tiêu cực.

"Nếu cái này được xếp hạng một sao (Michelin - PV) thì canteen trường học phải được ít nhất 2 sao. Một trải nghiệm cực kỳ khủng khiếp, từ không gian chung đến hương vị của món ăn", một người viết tại blog của mình trên Weibo, đăng kèm là ảnh món ăn người này cho rằng không hề ngon.

nha hang mon an te anh 1

Những món ăn tại Li Imperial Cuisine bị nhận xét quá bình thường so với mức giá trên trời.

Những người khác cũng phàn nàn về mức giá trên trời của các món ăn. Thay vì gọi từng món riêng lẻ, thực khách tại Li Imperial Cuisine chỉ có thể đặt suất ăn theo set, món rẻ nhất có giá 3.000 nhân dân tệ (440 USD), bao gồm 10% phí phục vụ.

Trên ứng dụng tư vấn du lịch Dazhong Dianping, nhà hàng cũng nhận về loạt đánh giá kém, chỉ đạt 3.94/5.0 điểm.

"Tôi cảm thấy như mình phải trả một khoản thuế IQ khi dùng bữa tại đây", một thực khách bày tỏ nỗi thất vọng khi số tiền bỏ ra không xứng đáng với chất lượng món ăn mình được thưởng thức.

Những đánh giá của blogger đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng. Trong đó, nhiều người nhận xét món ăn của nhà hàng lâu đời nổi tiếng này trông tệ hơn cả đồ tại các nhà hàng địa phương họ. Một số khác nói họ mệt mỏi khi phải nghe chủ cửa hàng khoe về nguồn gốc từ thời nhà Thanh của nó.

nha hang mon an te anh 2

Nhiều thực khách nói có trải nghiệm đáng thất vọng khi tới đây.

Chất lượng không xứng với mức giá trên trời

Nhà hàng gia đình Li Imperial Cuisine không phải là thương hiệu lâu đời duy nhất ở đất nước tỷ dân có vấn đề về xây dựng hình ảnh.

Goubuli, thương hiệu bánh bao 100 năm tuổi ở Thiên Tân, gần đây cũng thành đề tài bàn tán khi một blogger mô tả các sản phẩm của họ là "ngấy và đắt đỏ".

Đáp lại những ý kiến chỉ trích, phản ứng của công ty này bị nhận xét là khó hiểu. Theo đó, Goubuli nói những bình luận từ dân mạng là phỉ báng, đe dọa báo cáo với cảnh sát, nhưng sau đó lại tự xóa tài khoản mạng xã hội của mình.

Năm ngoái, Quanjude - nhà hàng được thành lập vào năm 1964, nổi tiếng với món vịt quay Bắc Kinh - bị chỉ trích vì tăng giá quá cao, vượt mức khách hàng sẵn sàng chi trả cho một món được xem là "đồ ăn bình thường".

nha hang mon an te anh 3

Nhà hàng Quanjude bị chỉ trích vì tăng giá quá cao chỉ dựa trên danh tiếng lâu năm.

Nhiều bình luận cho rằng các thương hiệu lâu đời đang phải vật lộn để bắt kịp với nhu cầu ăn uống thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc. Những vấn đề được chỉ ra là họ không đổi mới sản phẩm để thích ứng với thời đại Internet và ít thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi.

Trong khi một số thương hiệu nâng giá cao ngất ngưởng để duy trì "cảm giác uy tín", những đơn vị khác lại gây tổn hại danh tiếng của chính mình bằng cách đa dạng hóa quá mức với các sản phẩm phái sinh rẻ tiền.

Trong trường hợp của Li Imperial Cuisine, một cơ quan truyền thông tại Bắc Kinh nhận xét rằng sự nổi tiếng của nhà hàng trong những năm 1980 một phần do họ có đầu bếp tài năng vào thời điểm ấy.

Sau khi đầu bếp đó rời đi, chất lượng món ăn của thương hiệu này đã bị ảnh hưởng, bởi các công thức nấu ăn của Trung Quốc thường dựa trên "cảm giác" của người nấu hơn là dựa trên những con số chính xác.

Sau lùm xùm của Goubuli, một blogger nổi tiếng trên Weibo cho biết các thương hiệu lâu đời sẽ cần nâng cao tên tuổi của mình để giữ được khách hàng trong tương lai.

"Nếu một thương hiệu lâu đời chỉ có hương vị ở mức trung bình, dịch vụ thì quá tệ và không thể nhìn ra những vấn đề do người khác chỉ ra, chẳng phải nó chỉ tự đào mồ chôn mình sao?".

"Các thương hiệu lâu đời đương nhiên có lợi thế hơn khi nói về tình cảm, nhưng trên thực tế, cảm xúc không thể ăn được", blogger này khẳng định.

Nhà hàng của 'thánh rắc muối' bị đóng cửa vì vi phạm quy định mùa dịch

Nhà hàng của Salt Bae tại thành phố Boston (Mỹ) bị yêu cầu đóng cửa do khách hàng và nhân viên không đeo khẩu trang.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm