Những ngày gần đây, dân mạng Anh bức xúc khi theo dõi clip được cắt ra từ camera giám sát, ghi lại cảnh người phụ nữ đập phá quầy rượu trong siêu thị khi bị nhân viên nhắc nhở thực hiện quy định phòng dịch.
Theo đó, nữ khách hàng tỏ ra tức giận, đập phá hàng chục chai rượu khi được nhân viên yêu cầu thực hiện quy định "đi một chiều" - biện pháp giãn cách nhằm chống dịch Covid-19.
Người phụ nữ la hét với nhân viên, sau đó lao lên, xô đẩy khiến hàng chục chai rượu rơi khỏi kệ, mảnh chai vỡ văng tung tóe và rượu đổ thành vũng lớn màu đỏ trên sàn, Insider đưa tin.
Khi rời đi, cô ta còn xô người vào tấm vách nhựa bảo vệ nhân viên thanh toán và hét lớn: "Tôi đã chẳng làm gì sai hết. Nhưng bây giờ thì có rồi đấy".
Người phụ nữ đập phá quầy rượu khi bị nhắc tuân thủ quy định giãn cách chống dịch. |
Vụ việc trên được xác định xảy ra tại một chi nhánh của hệ thống siêu thị Co-op ở Surrey, Anh hồi tháng 5 - thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng buộc quốc gia này phải thực hiện lệnh phong tỏa.
Video được công khai vào đầu tuần này, trong bối cảnh các cơ sở kinh doanh lo lắng khi nhân viên của họ đối mặt tình trạng bạo lực và lạm dụng vì cố gắng đảm bảo khách hàng tuân thủ quy định giãn cách chống dịch.
Jo Whitfield, Giám đốc điều hành của Co-op Food, bày tỏ: "Nhân viên cửa hàng tại đất nước chúng ta là những anh hùng, họ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo người dân được tiếp cận thực phẩm, đồ gia dụng, thuốc men, dịch vụ tài chính trong thời gian phong tỏa".
Bà cho rằng việc đối mặt hàng loạt sự lạm dụng bằng lời nói hoặc thể chất không phải là một phần công việc của nhân viên. "Chúng tôi muốn chính phủ thể hiện trách nhiệm trong việc ban hành luật giúp nhân viên cửa hàng cảm thấy an toàn hơn khi đi làm", vị CEO nói.
Nhân viên bị khách hành hung, chửi bới
Thực tế, nhiều cuộc xung đột căng thẳng đã xảy ra khi một số ít người mua sắm không hài lòng với các quy định phòng dịch Covid-19 và phản ứng quá khích lúc bị nhân viên cửa hàng nhắc nhở.
Cuộc khảo sát tội phạm bán lẻ năm 2020 của British Retail Consortium cho thấy hơn 400 nhân viên trong ngành này phải đối mặt với bạo lực và lạm dụng tại nơi làm việc mỗi ngày.
Đa phần vụ hành hung xảy ra khi người bán hàng cố ngăn kẻ trộm cắp, và lý do phổ biến hơn gần đây là họ yêu cầu khách hàng tuân thủ biện pháp an toàn mùa dịch.
Trước đó, chính phủ Anh đưa ra thông báo yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Những người không thực hiện phải nộp phạt 100 bảng Anh (130 USD).
Dịch bệnh lan rộng đã tạo ra một thực trạng đáng báo động được gọi là "corona rage" (tạm dịch: cơn thịnh nộ của corona) - phản ánh việc người lao động bị tấn công bởi những kẻ bức xúc trong đại dịch.
Nhân viên cửa hàng McDonald's bị đánh đập vì nhắc khách đeo khẩu trang. |
Không riêng tại Anh, ở nhiều nơi trên thế giới đều xảy ra tình trạng nhân viên bị khách chửi bới, tấn công khi nhắc nhở tuân thủ quy định chống dịch.
Hồi tháng 7, sự việc tài xế xe buýt tại Pháp tử vong vì bị nhóm hành khách không đeo khẩu trang tấn công gây rúng động dư luận. Người lái xe là Phillipe Monguillot (59 tuổi) đã bị đánh đập đến chết khi nhắc 3 hành khách trên xe đeo khẩu trang.
Tháng 8, một thiếu niên 17 tuổi, làm việc tại khu công viên vui chơi dành cho trẻ em tại Pennsylvania (Mỹ), bị hành hung vì nhắc nhở hai người đeo khẩu trang.
Cảnh sát cho biết sau khi đấm người nhân viên tại khu vui chơi, cả hai người khách cùng bạn bè đã bỏ đi.
Sự việc nam nhân viên của cửa hàng McDonald's thuộc quận Tuen Mun (Hong Kong, Trung Quốc) bị tấn công chỉ vì nhắc khách hàng đeo khẩu trang, xảy ra ngày 14/7, cũng khiến dân mạng bức xúc.
Theo đoạn video, người khách lao qua cánh cửa dẫn vào quầy gọi đồ, đấm liên tiếp vào đầu nam nhân viên, đẩy anh này ngã xuống sàn và dùng chân đá vào mặt nạn nhân.
Người phát ngôn McDonald's đã xác nhận vụ việc, khẳng định rất coi trọng sức khỏe, sự an toàn của khách hàng và nhân viên. "Cửa hàng sẽ tiếp tục từ chối phục vụ những người bị sốt hoặc không đeo khẩu trang".
McDonald's hy vọng nhân viên của mình sẽ không bị tấn công thêm một lần nào nữa khi họ nhắc nhở khách hàng thực hiện các biện pháp phòng dịch.