Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà hát cải lương 'đắp chiếu' đến bao giờ?

Nghệ sĩ cải lương phải đi thuê mướn rạp dựng vở trong khi ngôi nhà của chính mình thì cứ nằm chờ xử lý gần cả năm nay.

Công trình nhà hát cải lương hiện đại được xây dựng trên nền rạp hát cải lương Hưng Đạo (TP HCM) được TP HCM đầu tư kinh phí xây dựng với mong muốn có nơi để sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật cải lương cho nghệ sĩ và dàn dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nhưng từ khi hoàn thành đến nay, gần 1 năm, công trình vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.

10 năm chờ đợi mỏi mòn

Tính từ năm 2006, khi UBND TP HCM chính thức giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, sau đổi tên là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đến nay đã tròn 10 năm. Năm ngoái, nghệ sĩ TP HCM rất hồ hởi, phấn khởi khi được biết công trình nhà hát hiện đại 132,29 tỷ đồng cho mình sẽ được bàn giao để đi vào hoạt động nhân chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Nhưng khi nghệ sĩ được mời tham quan để tiếp nhận nhà hát, mọi người mới vỡ lẽ.

Đây là công trình trung tâm văn hóa chứ không phải nhà hát cải lương vì toàn bộ thiết kế xây dựng đều không phục vụ cho mục đích dàn dựng biểu diễn. Theo dự án, trung tâm có diện tích đất 929 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 6.358 m2. Công trình gồm 1 hầm và 5 tầng với chiều cao 34 m. Trung tâm sẽ gồm 2 khán phòng: Khán phòng biểu diễn chính 634 chỗ ngồi, sân khấu thể nghiệm gồm 298 chỗ ngồi. Công trình còn có khu đào tạo, làm việc, thư viện và khu vực sản xuất băng đĩa. Sàn diễn nhỏ hẹp, các hạng mục phục vụ cho sân khấu như âm thanh, ánh sáng đều không bảo đảm về yêu cầu kỹ thuật…

Báo Người Lao Động đã có bài viết Nhà hát chưa dùng đã gây bức xúc (số ra ngày 8-4-2015) phản ánh chi tiết về sự bất cập này. Giới nghệ sĩ sân khấu cải lương bức xúc vì những thiết kế không đúng chuẩn để có thể hoạt động biểu diễn cải lương. “Dù báo chí đã lên tiếng nhiều lần (Báo Người Lao Động đã có bài Nhà hát cải lương xây rồi đóng cửa, số ra ngày 10/8/2015), tôi thấy đến nay công trình này vẫn thách thức dư luận, dẫn đến sự hoang mang của giới nghệ sĩ chúng tôi. Cần sớm có kết luận đúng, sai như thế nào, ai phải chịu trách nhiệm, cách khắc phục ra sao để nghệ sĩ sớm có một điểm diễn chứ như hiện nay là rất khó khăn” - NSƯT Kim Tử Long nói.

Muốn dựng cải lương phải đi thuê rạp

NSND Lệ Thủy cho biết sau 40 năm, TP HCM mới có một nhà hát cải lương được xây mới, theo hướng hiện đại nên các thế hệ nghệ sĩ cải lương đều trông chờ. “Thế nhưng, quá thất vọng khi tiền đổ ra hơn trăm tỷ đồng mà nhà hát xây xong không hoạt động được như nghệ sĩ mong muốn” - NSND Lệ Thủy nói.

Theo NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, người có trên 60 năm sống với nghệ thuật cải lương, xây nhà hát cho nghệ thuật cải lương chứ không phải là xây nhà cho những người hoạt động bộ môn này cư ngụ. “Nếu cứ xây cho xong, chạy theo thành tích để báo cáo, các cấp lãnh đạo cứ thế ký cho xong thì đó là hành vi tiếp tay bức tử cải lương. Ai đời xây một công trình hướng tới dàn dựng những tác phẩm đỉnh cao mà những người làm nghệ thuật cải lương hiện tại muốn dựng vở mới phải đi thuê sân khấu Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành…!” - đạo diễn của vở cải lương Đời cô Lựu nói.

Công trình Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây dựng xong gần 1 năm nay vẫn chưa bàn giao để đưa vào hoạt động.

Công trình Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xây dựng xong gần 1 năm nay vẫn chưa bàn giao để đưa vào hoạt động

NSƯT Kim Tử Long - đang nuôi dưỡng chương trình Ba thế hệ về lại cội nguồn - cho biết: “Mỗi tháng, tôi vẫn phải thuê rạp Công Nhân để tổ chức biểu diễn. Đó là cơ ngơi của Nhà hát Kịch TP HCM nên tôi chỉ có thể diễn được vào tối thứ năm. Anh chị em nghệ sĩ cải lương phải đi thuê mướn rạp dựng vở trong khi ngôi nhà của chính mình thì cứ đắp chiếu nằm chờ xử lý gần năm nay!”.

Nghệ sĩ sống tạm bợ đủ nghề

Do khó khăn về sàn biểu diễn chuyên nghiệp, rất nhiều nghệ sĩ đã phải sống tạm bợ đủ nghề để chờ ngày được đứng trên sân khấu hiện đại mà họ khao khát. Bằng chứng gần 100 diễn viên của 3 đoàn trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mùa Tết rồi không có điểm diễn. Các vở cũ không thể diễn tại rạp Thủ Đô vì rạp này đã xuống cấp trầm trọng, khán phòng đầy chuột, muỗi và ẩm mốc. Họ tứ tán đi hát đình, hát chùa. Số đông nghệ sĩ của các đoàn xã hội hóa thì đi hát đám ma, hát phá quàng (một hình thức hát vở tuồng thương khóc người chết) để kiếm sống. Nghệ sĩ Cao Mỹ Châu (đoàn 3) nói: “Chúng tôi chờ có sân khấu để được làm nghề một cách nghiêm túc. Bây giờ, mỗi suất diễn ở chùa, ở đình chỉ có vài chục ngàn đồng, đời sống nghệ sĩ càng thêm khó khăn”.

Hơn 100 nghệ sĩ cải lương của các nhóm xã hội hóa như nhóm Vũ Luân, nhóm Bạch Long, nhóm Kim Thoa, nhóm Huỳnh Long, Thanh Nga, Sài Gòn 1, Dạ Lý Hương… đã phải sống trong sự cơ cực, vất vả chờ ngày được quay lại sàn diễn. Rất nhiều nghệ sĩ sống bằng các nghề khác như chạy xe ôm, bán nước giải khát, bán vé số… Nghệ sĩ Minh Tuấn (Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ) cho biết: “Tôi đi bán vé số để kiếm cơm ăn mỗi ngày. Hồi nào tới giờ chỉ biết đi hát, không có sân khấu để hát thì chỉ còn cách này để có cơm ăn”.

NSƯT Út Bạch Lan cho biết thêm: “Không có sàn diễn, một vài em đã gắn với CLB Hoa Lan Trắng của tôi đi hát từ thiện. Khi hát cúng dường cho các chùa, các phật tử đã ủng hộ tiền, gạo giúp nghệ sĩ. Thương lắm!”.

Trong kế hoạch duy trì hoạt động của chương trình Nghệ sĩ tri ân, NSND Kim Cương cho biết có tính đến việc sẽ trợ vốn giúp nghệ sĩ làm thêm nghề tay trái để an tâm đầu tư cho nghề tay phải “nhưng sàn diễn không có nên danh sách xin trợ vốn để có kế sinh nhai cứ tăng lên mỗi tháng; mà số tiền các mạnh thường quân ủng hộ không nhiều nên việc có sàn diễn để đội ngũ nghệ sĩ này quay lại nghề chính của họ là một việc làm cấp bách” - NSND Kim Cương nói.

http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nha-hat-cai-luong-dap-chieu-den-bao-gio-20160303223502336.htm

Theo Thanh Hiệp/NgườiLaoĐộng

Bạn có thể quan tâm