Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà nông trẻ kiểu mới

Đều xuất thân từ nhà nông, gắn bó với ruộng vườn, hai nhà nông trẻ tự mày mò nghiên cứu chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhờ cống hiến của mình, cả hai được T.Ư Đoàn ra quyết định trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ kiểu mới, được tổ chức vào tháng 10 tới.

Chế tạo máy tưới tự động     

Dù chỉ tốt nghiệp lớp 9, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh Trương Đình Thống, SN 1986, ở xã Bình Lộc (huyện Long Khánh, Đồng Nai) đã làm chủ nhiều sáng chế phục vụ sản xuất, góp phần giảm chi phí cho người nông dân.

Những năm gần đây, nhiều chủ vườn trồng cây ăn trái Long Khánh không phải lo lắng cây trồng thiếu nước. Bởi dù ở đâu, các chủ vườn chỉ cần… bấm số di động là hệ thống máy bơm nước, do anh Thống chế tạo, sẽ tự động mở tưới, tắt nước cho vườn cây.

nha nong tre anh 1
Lê Văn Tình (trái) hướng dẫn sinh viên tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Trường An / Tiền Phong.

Năm 2012, anh Thống sinh con đầu lòng, một mình vừa chăm sóc 2 ha vườn đồi vừa kiếm việc làm thêm. Những lúc đi làm xa, anh sợ vườn cây chôm chôm chết vì thiếu nước nên mày mò nghĩ cách “ra lệnh” cho máy bơm hoạt động từ xa.

Vốn sẵn bản tính chịu khó và thích sáng tạo nên sau ngày lao động vất vả, tối về, anh lại chui vào căn buồng nhỏ của mình nghiên cứu.

“Phòng nghiên cứu” của anh chỉ rộng mấy mét vuông nhưng đầy đủ các linh kiện, máy móc cũ (mô tơ điện đã qua sử dụng, mạch điện tử, đài, điện thoại...).

Sau đó, anh Thống “nâng đời” sáng chế bằng ứng dụng remote (bộ điều khiển từ xa) vào điều khiển tắt, mở máy bơm nước. So với việc điều khiển bằng điện thoại di động, điều khiển bằng remote sẽ không cần điện thoại. Thay vì bấm gọi điện thoại, chỉ cần nhấn nút điều khiển là có thể tắt, mở máy bơm, chi phí rẻ hơn.

Tuy nhiên, việc dùng remote chỉ có thể thực hiện được việc tắt, mở máy bơm thông qua hộp điều khiển ở khoảng cách chỉ vài mét. Vì vậy, anh Thống sử dụng cả hai chức năng điều khiển từ xa và điều khiển qua điện thoại di động.

Điều đáng quý, anh Thống đã mang sáng kiến của mình  lắp đặt cho nhiều nông dân khác với chi phí chỉ bằng việc đầu tư trang thiết bị. Ông Phùng Thanh Tâm, chủ vườn cây sầu riêng tại ấp 1, xã Bình Lộc cho biết: Trước đây, khi chưa áp dụng sáng kiến của anh Thống, việc chăm sóc vườn gặp rất nhiều khó khăn do vườn rộng. 

Nếu đang ở cách xa máy bơm, khi có sự cố hoặc đơn giản chỉ muốn ngừng máy bơm, chủ vườn phải chạy đi, chạy lại và rất mất thời gian và lãng phí nước.

“Bây giờ, tôi chỉ cần gọi một cuộc vào số máy của chiếc điện thoại kia là cả hệ thống vòi phun nước của vườn sẽ được tự động mở lên và tưới cho cả vườn. Dù có công chuyện ở Sài Gòn hay ra Hà Nội, tôi cũng chỉ cần thực hiện một cuộc gọi là đã có thể yên tâm tưới nước đầy đủ cho 2ha vườn của mình”, ông Tâm nói.

nha nong tre anh 2
Nhà sáng chế chân đất Trương Đình Thống nghiên cứu, chế tạo máy móc từ những thiết bị cũ. Ảnh: Tiền Phong.

 

Bắt tay với doanh nghiệp    

Năm 2012, Lê Văn Tình, SN 1987, trở thành giảng viên tại Trường CĐ Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng. Anh cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công công nghệ chế biến một số sản phẩm thực phẩm và bảo tồn được màu tự nhiên anthocyanins từ củ khoai lang tím, qua đó tạo ra những sản phẩm thực phẩm mới, an toàn cho người dùng.

Đây cũng chính là đề tài nghiên cứu cấp Bộ được Bộ NN&PTNT đặt hàng, đã tạo ra những sản phẩm như: Công nghệ sản xuất bột khoai lang tím; công nghệ sản xuất nước uống, dấm đỏ từ khoai lang tím.

Nghiên cứu của Lê Văn Tình được Công ty TNHH Chăm Chăm (tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, sản xuất. Hiện, các sản phẩm từ nghiên cứu được công ty tung ra thị trường, đặc biệt là dấm đỏ là gia vị chế biến thức ăn có tác dụng chống lão hoá được các nhà hàng, khách sạn cao cấp đặt hàng. 

“Nếu chỉ nghiên cứu và để trí tuệ của mình trong phòng thí nghiệm thì vô cùng lãng phí! Phải tìm mọi cách nghiên cứu những gì có ích cho cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho người tiêu dùng là mục đích mình theo đuổi ngành công nghệ sinh học với tất cả đam mê”, anh Tình chia sẻ.     

Sau thành công với củ khoai lang tím, anh tiếp tục chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như: Xử lý đầu tôm phế liệu bằng chế phẩm vi khuẩn Baciluss subtilic; nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất cà phê thảo dược với 2 dòng đồ uống đen và nâu;

Nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất nước cốt dừa và bột cốt dừa do Công ty TNHH MTV Dầu Dừa Tam Quan sản xuất; nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất đồ uống Sâm Ngọc Linh – Nấm Linh Chi; xây dựng công nghệ sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao dựa trên nước cốt chiết xuất từ nấm Linh Chi và nấm Bào Ngư.

Tất cả những nghiên cứu đều xuất phát từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và được ứng dụng cho kết quả khả quan, tạo việc làm cho người lao động.

Ngoài nghiên cứu, Tình được lãnh đạo trường giao phụ trách phòng thí nghiệm Công nghệ Tế bào Thực vật, Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Phân tử, Phòng Kiểm nghiệm dịch vụ Phân tích, Phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cà phê...

Chuyện hai vợ chồng trẻ 8 năm gieo 'niềm tin' cho học sinh

“Học không chỉ để làm ông này bà kia, mà học để chúng ta có thể thêm hiểu biết về thế giới rộng lớn này và làm chủ bản thân mình” - hai vợ chồng thầy May đưa ra lời khuyên.


http://www.tienphong.vn/gioi-tre/nha-nong-tre-kieu-moi-1051229.tpo

Theo Phương Hiếu / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm