Những buổi trưng bày của Gucci thu hút sự chú ý từ công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh: @hongocha. |
Ngày 13/5, Gucci tổ chức show thời trang Cruise 2025 tại không gian trưng bày Tate Modern thuộc hệ thống phòng triển lãm Tate (Anh). Hoạt động này là một phần của mối quan hệ hợp tác kéo dài 3 năm giữa Gucci và Tate.
Ở chiều ngược lại, Tate cũng gia tăng kết nối với lĩnh vực may mặc, hỗ trợ tổ chức các buổi trình diễn cho Roksanda, David Koma và Harris Reed trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang London hồi tháng 2.
Khi thời trang xa xỉ gặp khó, các thương hiệu bắt đầu tiếp cận nghệ thuật, nỗ lực kết nối với những khách hàng thượng lưu, có khả năng chi trả cao. Ngoài ra, sự gắn kết thông qua nghệ thuật cũng cho phép nhãn hàng hiểu biết sâu sắc về sở thích và cảm xúc của người tiêu dùng, theo Vogue Business.
Show thời trang Cruise 2025 của Gucci diễn ra trong không gian trưng bày Tate Modern tại London (Anh). Ảnh: Gucci. |
Hướng đến khách hàng siêu giàu
Jeff Lindquist, đối tác phụ trách hoạt động tiêu dùng của Boston Consulting Group (BCG), cho biết các nhà mốt cao cấp đã tham gia vào hoạt động văn hoá, nghệ thuật từ lâu. Tuy nhiên, số lượng mối quan hệ đối tác tăng lên đáng kể sau đại dịch Covid-19.
Gucci là thương hiệu liên tục tổ chức các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật. Năm ngoái, nhãn hàng xa xỉ này đã trình làng triển lãm Gucci Cosmos nhằm trưng bày các thiết kế mang tính biểu tượng.
Triển lãm diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) và London (Anh). Đối với show thời trang Cruise 2025, Gucci tập trung thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật, thời trang và di sản.
Theo Jeff Lindquist, sự gia nhập vào thế giới nghệ thuật của các thương hiệu thời trang cho thấy tham vọng chuyển đổi tệp khách hàng mục tiêu. Các nhà mốt cao cấp thể hiện mong muốn chinh phục nhóm người tiêu dùng siêu giàu.
“Giới thượng lưu thường xuyên tham gia các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, có thể đưa ra quyết định mua ngay tại đó. Đây là điều mà các nhãn hàng xa xỉ đặc biệt mong đợi”, Jeff Lindquist nói.
Triển lãm Gucci Cosmos nhằm tôn vinh di sản của nhà mốt, chinh phục khách hàng thượng lưu, thu hút sự chú ý của giới mộ điệu. Ảnh: Gucci. |
Cứu vãn ngành hàng thời trang cao cấp
Sự suy giảm của ngành hàng thời trang cao cấp bắt nguồn từ nền kinh tế suy thoái. Hermès và Brunello Cucinelli là 2 thương hiệu xa xỉ hiếm hoi ghi nhận doanh thu vượt trội trong quý I/2024. Trong khi đó, Kering, công ty mẹ của Gucci, cũng chứng kiến sự sụt giảm về doanh số bán, chịu ảnh hưởng nhiều trong nửa đầu năm 2024.
Để cải thiện tình trạng này, Kering quyết định chuyển đổi nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu. Nhằm chinh phục nhóm người tiêu dùng thượng lưu, công ty mẹ của Gucci quyết định cải thiện trải nghiệm khách hàng tại các không gian mua sắm.
Thương hiệu thời trang Galvan cũng chọn phòng trưng bày La Cité để ra mắt trong Tuần lễ thời trang Paris Thu/Đông 2024. Chương trình bao gồm buổi chiếu video được sáng tạo bởi AI, kết hợp với tiết mục múa cổ điển ở giữa sàn diễn. Tất cả diễn ra trong âm nhạc của nhà soạn nhạc người Hà Lan Joep Beving.
Theo Galvan Cecilia Morelli, Giám đốc điều hành của Galvan, thời trang cao cấp giống với nghệ thuật, cũng hướng đến mục đích sưu tầm. “Chúng tôi muốn thu hút những người phụ nữ quan tâm đến nghệ thuật, mong muốn họ trải nghiệm không gian mà Galvan tạo ra”, Giám đốc điều hành này nói.
Mối quan hệ hợp tác giữa thời trang và nghệ thuật chỉ có thể trở nên bền bỉ khi giải quyết được những câu hỏi nhức nhối, mang tính xã hội, tạo ra ý nghĩa, giá trị cho công chúng thưởng lãm.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.