Các cuộc đấu giá mùa xuân tại New York chiếm tới một nửa doanh thu hàng năm của Christie's. Ảnh: Christie's. |
Tối 9/5, nhà đấu giá nổi tiếng thế giới Christie's bất ngờ bị tấn công mạng. Sự cố này khiến trang web của Christie's ngừng hoạt động.
Sáng 10/5, Christie's đã chuyển hướng người dùng đến trang web tạm thời cho phép truy cập vào các danh mục kỹ thuật số, nhưng không cho phép đấu giá trực tuyến.
Trong tuyên bố chính thức đầu tiên kể từ vụ tấn công, Guillaume Cerruti, CEO Christie's, xác nhận 8 buổi đấu giá vẫn sẽ diễn ra theo lịch trình, với hình thức trả giá trực tiếp và qua điện thoại. Trong đó, buổi đấu giá đồng hồ quý hiếm được hoãn đến ngày 14/5.
Các tác phẩm nghệ thuật đấu giá tại Christie's dự kiến thu về 850 triệu USD. Một số tác phẩm nổi bật trong danh mục bao gồm Moulin de Limetz (1888), bức tranh phong cảnh sông của Claude Monet; The Italian Version of Popeye has no Pork in his Diet ước tính sẽ được bán với giá khoảng 30 triệu USD của Jean-Michel Basquiat; hay flower (1964) của Andy Warhol.
Khách hàng đến Christie's tham khảo danh mục sản phẩm qua catalog khi không thể truy cập website. Ảnh: Li Qiang. |
Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại của vụ tấn công, nhưng đây được xem là một diễn biến đáng lo ngại cho thị trường nghệ thuật quốc tế vốn ngày càng phụ thuộc nhiều vào các nền tảng trực tuyến, The Art Newspaper đưa tin.
"Chúng tôi chân thành xin lỗi vì trang web đang tạm dừng hoạt động. Chúng tôi đang nỗ lực khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, mong quý khách thông cảm cho sự bất tiện này. Để đăng ký tham gia hoặc đấu giá trong buổi bán sắp tới, vui lòng sử dụng thông tin liên hệ được cung cấp", thông báo trên trang web cho biết.
Đại diện của Christie's không tiết lộ nhiều thông tin về cuộc tấn công mạng hay thời gian dự kiến khôi phục trang web. Đến nay, chưa rõ dữ liệu khách hàng của nhà đấu giá có bị rò rỉ hay không.
Các chuyên gia thị trường nghệ thuật lưu ý rằng những cuộc đấu giá trực tiếp với sự tham gia của các nhà tư vấn nghệ thuật hoặc qua điện thoại với đại diện của Christie's vẫn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vụ tấn công này có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng của Christie's, thuộc sở hữu của tập đoàn Pinault, cũng là chủ sở hữu của Kering, công ty mẹ của Gucci.
Các nhà sưu tập, nhà tư vấn và các nhà giao dịch đang tìm cách tham khảo thông tin trước thềm các cuộc bán đấu giá quan trọng vào tuần tới ở New York. Sự cố trang web của Christie's ngừng hoạt động khiến việc tiếp cận thông tin trở nên khó khăn hơn.
Tác phẩm The Italian Version of Popeye has no Pork in his Diet tại nhà đấu giá Christie's ở New York. Ảnh: Sarah Yenesel/EPA. |
Những năm gần đây, tội phạm mạng ngày càng nhắm mục tiêu vào các hệ thống quản lý trực tuyến phục vụ hoạt động nghệ thuật.
Vụ tấn công vào Gallery Systems, nền tảng quản lý kho lưu trữ, xảy ra vào cuối năm ngoái là một ví dụ điển hình. Vụ tấn công này khiến bộ sưu tập kỹ thuật số của một số bảo tàng Mỹ "đóng băng".
Trước đó, vào năm 2017, các hacker đã sử dụng chiêu thức lừa đảo qua email để đánh cắp tiền giữa nhà giao dịch và khách hàng, chiếm đoạt số tiền từ 10.000 GBP đến 1 triệu GBP. (khoảng 12.500 USD đến 1,2 triệu USD).
Đại diện Christie's cho biết các phiên đấu giá nghệ thuật đương đại và hiện đại vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Ảnh minh họa: Li Qiang. |
Theo The New York Times, trong tuần tới, hơn 1.700 tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại dự kiến được 3 nhà đấu giá lớn Sotheby's, Christie's và Phillips chào bán, với ước tính trị giá từ 1,2-1,8 tỷ USD.
Đây là mức giảm khoảng 1/3 trong 2 năm qua. Năm 2022, các nhà đấu giá đã thu được 2,8 tỷ USD tại các phiên đấu giá tháng 5, một kỷ lục được cho là do lượng tiền mặt tích lũy trong đại dịch.
Nghiên cứu gần đây của Bank of America cho thấy giá trung bình của các tác phẩm nghệ thuật được bán đấu giá trong năm 2023 đã giảm 32%.
"Thị trường nghệ thuật vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng về giá sau những mức đỉnh cao của năm 2021", báo cáo của ngân hàng này cho biết.
Không chỉ người mua mong đợi giá thấp hơn, mà người bán cũng đang trì hoãn cho đến khi "cầu lấy lại tính đàn hồi về giá trước đây".
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.