Các nhà tạo mẫu Việt phải duy trì thiết kế váy áo dạ hội và trang phục ứng dụng. Ảnh minh họa: Cường Đàm. |
“Tôi không may trang phục cho diễn viên nhà hát. Quần áo của tôi phải được ứng dụng trong đời sống hàng ngày”, nhà thiết kế Vaccarello của Saint Laurent nói.
Sau khi mùa mốt đầu năm với 4 tuần lễ thời trang lớn kết thúc, tính ứng dụng là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất. Các nhà mốt đồng loạt quay trở về với di sản thương hiệu, phát triển trang phục bền vững, có sức sống vượt thời gian.
Tại New York (Mỹ), các thiết kế dạ hội đã vắng bóng trên sàn diễn. Tuần lễ thời trang Milan cũng lăng xê blazer, sơ mi, quần jean. Tình trạng tương tự xảy ra ở Paris (Pháp) khi Dior và Prada đồng loạt giới thiệu váy áo tối giản.
Vốn được mệnh danh là thương hiệu dành cho các lễ trao giải danh giá như Oscar và Grammy, Versace cũng đang nỗ lực thay đổi nhận định của khách hàng. Nhãn hiệu này hợp tác với Anne Hathaway ra mắt các sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Bức tranh thời trang trong nước vốn được coi là thiên về trình diễn cũng có những mảng màu mới.
Các nhà thiết kế Việt cho biết trang phục thảm đỏ chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bên cạnh váy dạ hội phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nổi tiếng, họ phải thực hiện quần áo ứng dụng để đảm bảo doanh thu.
Trang phục ứng dụng giúp các nhãn hàng thời trang trong nước ổn định doanh thu, duy trì hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa: Cường Đàm. |
Tại sao NTK thích làm đồ cho ngôi sao?
Trao đổi với Zing, nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm khẳng định giữa thương hiệu thời trang và người nổi tiếng luôn tồn tại mối quan hệ cộng sinh. Cụ thể, minh tinh thường là bộ phận công dân đi đầu các trào lưu, mở ra xu hướng mới.
Váy áo của các nhãn hàng thường gây chú ý với truyền thông, công chúng khi được ngôi sao diện lên sân khấu, trên thảm đỏ. Ngược lại, người nổi tiếng có thể tận dụng sức ảnh hưởng cá nhân để kêu gọi tài trợ trang phục.
Khi xuất hiện tại lễ trao giải Grammy 2022 trong bộ đồ của Louis Vuitton, nhóm nhạc thần tượng K-Pop BTS đã giúp nhãn hàng thu về 6,4 triệu USD giá trị truyền thông (MIV). Tương tự, 3 giây “dặm phấn” của Rihanna trên sân khấu Super Bowl Halftime Show 2023 cũng tạo ra 5,6 triệu USD (MIV).
Thiết kế dạ hội đính cườm, đá quý là lợi thế của các nhà thiết kế Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Ngọc Lâm, Nguyễn Minh Tuấn. |
“Dễ dàng tạo danh tiếng cho nhà thiết kế, trang phục thảm đỏ là bùa mê đối với các thương hiệu trẻ, mới nổi”, đó là chia sẻ của nhà tạo mẫu Nguyễn Minh Tuấn khi nói về việc làm đồ cho ngôi sao giải trí.
Theo anh, đặc thù công việc của người nổi tiếng vô tình trùng khớp với mục đích sử dụng váy áo dạ hội. Trong khi đó, thiết kế dạ hội đính kết hạt cườm, đá quý là lợi thế của người làm thời trang trong nước.
Đầu tiên, ngành dệt may Việt Nam nổi tiếng với kỹ thuật thêu thùa, đính kết từ rất nhiều thế hệ trước. Người làm thời trang trong nước hiện nay tiếp tục kế thừa truyền thống cha ông, phát huy kỹ thuật này.
Hơn nữa, nước ta nằm sát “công xưởng” lớn nhất thế giới Trung Quốc. Với đặc điểm địa lý đó, giá mua đá quý, hạt cườm của các thương hiệu thời trang Việt rẻ hơn nhiều nhãn hàng khác trên thế giới.
Với những thuận lợi này, váy áo đính cườm, thêu tay trở thành “signature” của ngành công nghiệp thời trang trong nước. Thậm chí, các ngôi sao, khách hàng quốc tế cũng tìm đến các nhãn hàng Việt Nam để đặt mua trang phục dạ hội mang đặc trưng này.
Cụ thể, khi đặt hàng trang phục biểu diễn từ NTK Công Trí, nữ ca sĩ Adele cũng chọn một mẫu váy màu đen chất liệu sequin, đính đá quý. NTK Lê Thanh Hoà cũng cung cấp thiết kế bó sát, đính cườm cho nữ diễn viên Miranda Lambert khi xuất hiện tại Grammy 2023.
Adele và Miranda Lambert diện thiết kế dạ hội đến từ thương hiệu thời trang Việt Nam trong các sự kiện danh giá. Ảnh: Công Trí, Lê Thanh Hòa. |
Nhà tạo mẫu Lê Ngọc Lâm khẳng định rằng một mẫu váy áo như vậy tốn nhiều chất xám trong quá trình thiết kế và công sức khi thực hiện. Vì vậy, giá thành của các sản phẩm này thường nằm ở phân khúc cao.
Khi đầu tư số tiền lớn cho các sản phẩm thời trang, người mặc mong muốn sử dụng trong các dịp đặc biệt như lễ trao giải, thảm đỏ chương trình. Các thiết kế này cũng tương đối khó giặt, bảo quản nên chỉ có thể diện 1-2 lần trong những bữa tiệc, sự kiện quan trọng.
Khó kiếm tiền nếu chỉ phục vụ ngôi sao
Mặc dù thường xuyên diện các thiết kế dạ hội tham dự sự kiện, người nổi tiếng hiếm khi chi trả cho váy áo. Họ thường mặc trang phục do nhãn hàng tài trợ để xuất hiện trước công chúng, theo Lê Ngọc Lâm.
“Đó là quyền lợi của ngôi sao. Các thương hiệu thậm chí phải tranh nhau tài trợ quần áo cho minh tinh”, Ngọc Lâm nói với Zing.
Như vậy, ngôi sao không phải đối tượng khách hàng mục tiêu mà là “chiêu mồi” giúp các nhà thiết kế thu hút người tiêu dùng tiềm năng. Khách hàng chính của thời trang dạ hội là các doanh nhân hoặc thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp. Thương hiệu thời trang trong nước khó kiếm tiền nếu chỉ bán đồ cho người nổi tiếng.
Đồng tình với Lê Ngọc Lâm, nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn cũng không coi minh tinh là khách hàng mục tiêu. Xuyên suốt lịch sử thời trang thế giới, các nhà mốt đều sở hữu 2 dòng sản phẩm haute couture (váy áo cao cấp đặt may riêng) và ready-to-wear (trang phục ứng dụng).
Váy áo dạ hội thường tốn nhiều tiền vốn, công sức và thời gian thực hiện. Nếu chỉ phát triển dòng sản phẩm này, nhà thiết kế khó duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài.
Khi theo đuổi con đường thiết kế trang phục thảm đỏ, người làm thời trang trong nước thường gặp khó trong việc vượt qua cái bóng của các thương hiệu quốc tế. Hơn nữa, nếu không bắt kịp các trào lưu, xu hướng thời trang ứng dụng trên thế giới, các nhà tạo mẫu cũng lập tức bị đào thải.
Nhà thiết kế Lâm Gia Khang ứng dụng các trào lưu, xu hướng quốc tế vào bộ sưu tập thời trang ứng dụng. Ảnh: Gia Studios. |
Để phát triển ngành hàng ứng dụng, các nhà thiết kế cần tìm tòi, quan sát những trào lưu trên thế giới, theo nhà tạo mẫu Cường Đàm. Từ đó, người làm thời trang có thể áp dụng vào bộ sưu tập ready-to-wear của bản thân.
Những xu hướng đó bao gồm định hướng truyền thông, phom dáng và màu sắc, cách sử dụng chất liệu, phương pháp phối hợp trang phục.
Ví dụ, trào lưu xuyên thấu, trong suốt được nhà thiết kế Lâm Gia Khang nhanh chóng vận dụng khi trình làng bộ sưu tập Xuân/Hè 2023. Mốt vai áo quá khổ cũng được Cường Đàm đưa vào các sản phẩm ra mắt đầu tháng 4/2023.
Khi chất liệu denim phủ sóng sàn diễn Tuần lễ thời trang New York và Milan, nhãn hàng DATT lập tức đón đầu xu hướng, phát triển dòng sản phẩm này. Váy áo denim của thương hiệu gây ấn tượng với giới mộ điệu trong nước.
Tuy nhiên, các nhà tạo mẫu Việt Nam không thể tùy tiện vận dụng tất cả trào lưu quốc tế. Nhà thiết kế Cường Đàm cho rằng người làm thời trang trong nước cần cân nhắc sự phù hợp giữa các xu hướng với tính cách thương hiệu, đặc trưng thị trường nội địa và đặc điểm khách hàng mục tiêu.
Vốn được biết đến là nhãn hàng dành cho ngôi sao, SIXDO đang mở rộng các dòng sản phẩm ready-to-wear. Nhận thấy khách hàng mục tiêu là doanh nhân trong nhiều lĩnh vực, Đỗ Mạnh Cường giới thiệu trang phục công sở nhằm tiếp cận người dùng phổ thông.
Thương hiệu SIXDO của Đỗ Mạnh Cường nỗ lực phát triển các sản phẩm ready-to-wear. Ảnh: SIXDO. |
Cuối cùng, để phát triển ngành hàng ready-to-wear, nhà tạo mẫu cần dung hòa giữa tính cá nhân và tính cộng đồng. Sản phẩm ứng dụng phải phù hợp với nhu cầu sử dụng và sở thích của đại bộ phận công chúng.
Nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn liên tục trình làng bộ sưu tập có tính ứng dụng cao gần đây. Trước đó, tên tuổi của nhà tạo mẫu này gắn liền với thời trang thảm đỏ, người nổi tiếng. Trong các bộ sưu tập này, Adrian tiết chế khi sử dụng chi tiết hoa cỡ đại, lông vũ để chinh phục khách hàng phổ thông.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.