Các chuyên gia cho rằng một số trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng sốt, ho, khó thở... nhẹ có thể tự mua thuốc tại nhà thuốc tây. Do đó, địa điểm này có thể là đầu mối phát hiện người bệnh trong cộng đồng.
Tự mua thuốc khi xuất hiện triệu chứng bệnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng một số người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, khi xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở, có thể, nơi đầu tiên họ tìm đến chính là các nhà thuốc tây.
Các trường hợp nhiễm virus có triệu chứng nhẹ thường sẽ đến nhà thuốc tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, việc tự mua thuốc điều trị tại các hiệu thuốc có thể làm mất dấu những người mắc Covid-19. Nguy hiểm hơn là họ có thể vô tình phát tán virus cho những người xung quanh.
"Tôi nghĩ rằng các tiệm thuốc tây hiện nay cần hết sức thận trọng và có thể treo thêm bảng ghi chú thông báo cho khách hàng đến mua thuốc. Nhờ họ ghi lại thông tin, địa chỉ, tiền sử di chuyển”, bác sĩ Khanh nói.
Tự mua thuốc uống khi có triệu chứng ho, sôt nhẹ là thói quen phổ biến của người dân. Ảnh: Việt Linh. |
Đồng quan điểm, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cũng chia sẻ người dân từ lâu có thói quen tự mua thuốc uống khi có triệu chứng bệnh nhẹ.
Bác sĩ Hùng cho rằng các nhà thuốc có thể ghi lại thông tin của khách hàng khi phát hiện họ có biểu hiện sốt, ho, khó thở… Qua đó kết hợp với ngành y tế địa phương để xác định được những người có triệu chứng, tiến hành làm các xét nghiệm nhanh nếu là trường hợp nghi ngờ. Điều này có thể giúp chúng ta phát hiệm sớm người mắc bệnh trong cộng đồng.
Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng
Theo TS Hùng, trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, người dân thường có tâm lý lo lắng khi đến bệnh viện. Cộng hưởng với thói quen tự mua thuốc và sự lo lắng này, giải pháp người dân lựa chọn là đến các nhà thuốc khi có triệu chứng bệnh nhẹ.
Tuy nhiên, khoảng 80% bệnh nhân mắc Covid-19 xuất hiện các triệu chứng nhẹ, giống cảm cúm thông thường. Do đó, không loại trừ trường hợp người nhiễm SARS-CoV-2 tự ý mua thuốc uống. Đến khi thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm, họ lại tiếp tục đi làm. Điều này có thể vô tình làm lây lan virus trong cộng đồng.
“Phát hiện sớm các đối tượng nghi ngờ có thể góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng”, bác sĩ Hùng nhận định.
Kiểm soát tốt người có triệu chứng ban đầu góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ảnh: Việt Linh. |
TS Hùng phân tích thêm mỗi phương pháp phòng chống dịch hiện nay đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, nếu thực hiện đồng thời nhiều phương pháp khác nhau có thể góp phần khắc phục những kẻ hở trong việc kiểm soát đối tượng nghi ngờ.
"Trong thời gian ngắn, nếu chúng ta cùng phối hợp nhiều phương pháp phòng chống dịch, hiệu quả cộng đồng sẽ được kiểm soát tốt hơn rất nhiều", bác sĩ Hùng nói.
Ông Phạm Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho rằng các nhà thuốc đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cung ứng thuốc và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Để phát huy vai trò của hệ thống nhà thuốc trong công tác phòng chống dịch, trong văn bản khẩn gửi phòng y tế quận, huyện và các nhà thuốc trên địa bàn thành phố, Sở Y tế chỉ đạo các nhà thuốc khai thác rõ các thông tin tiền sử bệnh của người bệnh.
Trường hợp có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… cần phải hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn hướng dẫn.
Các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện báo cáo cho cơ quan y tế trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch Covid-19 (số điện thoại: 08 69577 133) để tiến hành theo dõi, giám sát.
"Việc thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 cần sự tham gia của tất cả cơ quan, đoàn thể và người dân trên cả nước", đại diện Sở Y tế nhấn mạnh.