Cách đây 2 hôm, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ một bài viết tương đối dài trên trang cá nhân. Anh tỏ ra không hài lòng khi cứ mỗi mùa Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, khán giả lại than phiền "toàn tên lạ", không có gương mặt quen, vé đắt.
Tổng đạo diễn của Monsoon Music Festival bảo "quan trọng là có thích và có yêu không, yêu ai lại hẹp hòi thế!" Và theo anh, các lễ hội âm nhạc trên thế giới cũng đầy gương mặt lạ mà khán giả xếp hàng đi xem, giá vé bao giờ cũng đắt hơn ở Việt Nam.
Quan điểm của Quốc Trung được nhiều người đồng tình. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tổng đạo diễn của liên hoan âm nhạc quốc tế lớn nhất Việt Nam đang đánh đồng, thậm chí có định kiến với khán giả nước nhà. Nam nhạc sĩ đã có cuộc trao đổi với Zing.vn về vấn đề này.
Quốc Trung cho biết anh dị ứng với sự cũ kỹ trong âm nhạc. |
'Tôi đâu có gay gắt, chỉ thấy cần giải thích'
- Trên trang cá nhân, anh phàn nàn về phản ứng thường thấy của khán giả với Monsoon Music Festival. Thực ra, đó cũng chỉ là một bộ phận khán giả - và rất có thể là những người không đến xem, không bỏ tiền ra mua vé. Liệu sự phàn nàn này có hơi gay gắt?
- Tôi đâu có gay gắt mà chỉ thấy cần giải thích để khán giả nhất là các bạn trẻ cần có cách nhìn công bằng và không định kiến trong đời sống chứ không chỉ riêng đi xem biểu diễn nhạc.
Có thể lâu nay và hiện tại khán giả vẫn đang quen dựa dẫm vào các nhà tài trợ và nhãn hàng trong việc thưởng thức nghệ thuật. Với giá vé như vậy dù với ban nhạc huyền thoại được yêu thích như Scorpions thì doanh thu từ vé bán của Monsoon chưa bao giờ vượt quá 20% chi phí sản xuất.
Và dù có tài trợ, nếu đáp ứng sự kỳ vọng hay ước muốn của khán giả với những tên tuổi hàng đầu thế giới và Hoàng thành Thăng Long có chật kín người đi chăng nữa thì giá vé trung bình sẽ vào khoảng 3-4 triệu đồng cho 3 đêm.
Lúc đó tôi nghĩ Monsoon sẽ không còn là dự án nghệ thuật của cộng đồng, của người dân Hà Nội và càng không hướng tới các bạn trẻ hay sinh viên nữa. Sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân đủ điều kiện để đến với Monsoon? Bao nhiêu phần trăm trong số họ hài lòng và vui vẻ như đã từng vui trong những năm qua?
- Anh có nghĩ phản ứng của khán giả, dù theo chiều hướng nào, ca ngợi hay than phiền, suy cho cùng cũng chứng tỏ Monsoon Music Festival đã là một thương hiệu. Và anh, với tư cách là tổng đạo diễn nên mừng vì điều đó?
- Dù ít dù nhiều, việc có dư luận về Monsoon Music Festival cũng là dấu hiệu thể hiện sự quan tâm của mọi người đối với sự kiện này. Điều đáng sợ nhất chính là việc không ai nói tới, thậm chí không ai buồn giận dữ.
Chừng nào dư luận còn quan tâm đến chúng tôi, còn theo dõi những gì chúng tôi đang làm, thì tôi tin rằng Monsoon Music Festival còn có chỗ đứng trong lòng của khán giả.
Việc tiếp theo của chúng tôi là biến sự quan tâm đó thành sự đồng thuận, ủng hộ và chia sẻ của cộng đồng. Tôi rất cảm động khi mùa Monsoon năm nay, chúng tôi thử “nhiệt độ” của khán giả bằng cách bán vé sớm khi mới chỉ công bố rất ít nghệ sĩ.
Và thực tế là những người mua vé đầu tiên, hào hứng và không phân vân, họ không cần biết những ai sẽ biểu diễn. Đó chỉ có thể là niềm tin và tình yêu.
Chính vì muốn giữ uy tín cho dự án này mà chúng tôi luôn cố gắng để qua mỗi mùa có thể làm tốt nhất, đưa đến công chúng những giá trị đích thực của âm nhạc.
- Tôi thấy anh nhận định đúng, khán giả Việt vẫn thích nghe thứ âm nhạc quen tai, cùng những gương mặt cũ. Hẳn trong bối cảnh đó, việc Quốc Trung mời toàn những gương mặt mới, trẻ, những gương mặt indie, “nổi tiếng” ngầm sẽ là một lựa chọn mạo hiểm, thậm chí có phần khó khăn?
- Các bạn biết tôi rồi đấy, tôi không phải là người được lòng đại chúng trong việc làm thứ quen tai. Tôi dị ứng với sự cũ kỹ và "rêu mốc" trong nghệ thuật.
Với tôi, người làm nghệ thuật trước tiên có sứ mệnh sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái đẹp. Họ cần phải đi trước khán giả, dẫn khán giả đi theo, chứ không phải là chiều chuộng và đi theo khán giả.
Bản thân mô hình festival cũng là nơi để các nghệ sĩ giới thiệu những gì mới mẻ mà họ đang theo đuổi, chứ không giống như live show hay concert.
Hai điều đó cộng lại, thì việc tôi mời những gương mặt trẻ tuổi của dòng nhạc indie là một lựa chọn mang tính đương nhiên, dù có khó khăn. Tôi muốn khán giả sẽ có thói quen đi xem nghệ sĩ trình bày cái mình chưa biết, chứ không phải xem lại cái mình đã quen. Bởi chỉ như thế, nghệ thuật mới có thể phát triển được.
Tôi nghĩ có gì đó lãng phí khi mà chúng ta chờ đón một năm để gặp nhau tại Monsoon mà lại xem lại những bài hát và ca sĩ vẫn diễn ra hàng ngày trên các sân khấu lớn nhỏ của Hà Nội hay trên truyền hình.
Điều bất ngờ sẽ làm cuộc hội ngộ ấn tượng và đáng nhớ hơn để chúng ta lại muốn hẹn nhau vào năm sau chứ?
Nhạc sĩ Quốc Trung là Tổng đạo diễn của chương trình. |
'Năm trước, chúng tôi cố gắng mở cửa từ 4h chiều nhưng không ai đến'
- Được biết những ngày gần đây, anh đóng cửa ở nhà, chỉ làm nhạc và chuẩn bị các công việc cho Monsoon, họa chăng có gặp ai hay đi đâu cũng vì Monsoon. Thực hư điều này thế nào và hẳn Monsoon, ở một thời gian nào đó đã là một phần cuộc sống và âm nhạc của anh?
- Từ đầu năm đến giờ, tôi đi dự 7 festival âm nhạc khác nhau trên thế giới và cùng ê-kíp làm việc ngày đêm trong suốt một năm để chuẩn bị cho 3 ngày của Gió mùa. Chúng tôi lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian, thiếu nhân lực và cả tiền bạc cho một dự án như vậy.
Chỉ có một thứ mà chúng tôi thấy có nhiều đó là sự ủng hộ của khán giả và mọi người. Thiếu điều đó chúng tôi hẳn đã không thấy cần phải cố gắng và níu giữ dự án này khi mà có vô vàn những khó khăn chúng tôi phải đối diện.
Tất nhiên vẫn còn những điều đáng buồn, như năm trước chúng tôi cố gắng hết sức để có thể mở cửa đón khán giả từ 4h chiều nhưng không có khán giả nào đến!
6h chiều là màn biểu diễn đầu tiên cũng phải lùi đến 1 tiếng đồng hồ vì đợi khán giả. Năm nay chúng tôi bắt buộc phải kết thúc vào 11h đêm vì những hộ dân quanh khu vực Hoàng thành không đồng ý cho chơi nhạc khuya.
Đó là lý do chỉ có 4 set diễn mỗi đêm. Khi khán giả phàn nàn là “lèo tèo” hay vì sao không bắt đầu biểu diễn sớm hơn thì chúng tôi mong chờ ý thức từ chính khán giả.
- Anh nhắc đến nhiều những lễ hội âm nhạc trên thế giới với đầy ưu điểm. Theo anh, Monsoon Music Festival đang ở vị trí nào trong bản đồ các lễ hội âm nhạc ít nhất là ở trong khu vực Đông Nam Á?
- Khi tham dự các liên hoan âm nhạc lớn trong khu vực cũng như tại Châu Âu, tôi phát hiện ra rằng các bạn bè quốc tế biết đến Monsoon Music Festival rất nhiều. Họ thấy khá ngạc nhiên và thú vị khi chúng tôi tổ chức được một sự kiện như thế tại Việt Nam với sự tham gia của dàn nghệ sĩ đa dạng và chất lượng.
Cũng đã có một vài festival đưa ra lời đề nghị hợp tác với Monsoon Music Festival với hình thức trao đổi nghệ sĩ, chia sẻ kinh nghiệm... như Zandari Festa (Hàn Quốc) hay Clockenflap (Hong Kong).
Chúng tôi tin rằng Monsoon Music Festival đã có chỗ đứng trên bản đồ lễ hội âm nhạc quốc tế, và dần dần sẽ khẳng định được mình trong khu vực.
Với Monsoon Music Festival năm nay, tôi nghĩ rằng đây là một năm rất quan trọng. Chúng tôi tương đối phá cách khi không có sự góp mặt của các nghệ sĩ quen thuộc với khán giả, mà thay vào đó là các tài năng trẻ và lạ.
Đối với khán giả Việt Nam, bên cạnh đó chúng tôi tạo thêm nhiều không gian cho khán giả có thêm niềm vui. Đến với lễ hội âm nhạc Gió mùa, không chỉ là nghe nhạc, bạn sẽ có một không gian của sáng tạo, năng lượng sống tốt lành.
Đây là nơi mà tình cảm và niềm kiêu hãnh mình thuộc về cộng đồng tử tế đầy nhiệt huyết là cảm xúc có thật. Tôi muốn MMF là một tài sản của cộng đồng, ở đó những cách biệt về lứa tuổi, giai tầng, hoàn cảnh xã hội sẽ bị tan biến; chỉ còn sự hiện diện của niềm vui thuần khiết.