Số lượng like bài hát trên mạng xã hội tăng vùn vụt, số lượt share "điên đảo" trên facebook, số lượng view lên đến hàng chục triệu mỗi bài trên YouTube hay các trang âm nhạc trực tuyến, số lượng các live show định kỳ hàng tháng, các chương trình âm nhạc định kỳ hàng tuần trên sân khấu lớn, trên truyền hình, các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ được tổ chức và cả những số tiền khủng khiếp để tổ chức những live show đình đám… Nhưng các con số ấy có mang lại nguồn thu thực tế cho những người sáng tác ca khúc?
Thực tế là có. Nhưng những chi tiết được đưa ra cho thấy nguồn thu tác quyền chủ yếu của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không đến nhiều từ những con số hào nhoáng như trên.
Bão hòa?
Lĩnh vực biểu diễn có thể xem là mảng khá sáng sủa của nhạc Việt năm nay khi có hàng loạt live show lớn, nhỏ, định kỳ diễn ra gần như hàng tuần.
Nhưng thực tế năm nay, lĩnh vực này chỉ mang về giá trị chiếm khoảng 6% tổng thu (1,4 tỷ). Càng lạ lùng hơn khi nguồn thu chủ yếu của lĩnh vực biểu diễn lại là từ những show ca nhạc nước ngoài và các chương trình âm nhạc điện tử (EDM). Đây có thể xem là số thu thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Năm 2012 thu 1,8 tỷ (chiếm 11% tổng thu của 3 quý đầu 2014), năm 2013 con số này rơi vào khoảng 1,6 tỷ (chiếm 8%).
Nhưng khu vực biểu diễn không “bi đát” bằng lĩnh vực băng đĩa cho dù năm nay có rất nhiều album mới được trình làng. Nếu như năm 2012, con số thực thu từ việc bán băng đĩa rơi vào khoảng 650 triệu đồng thì năm nay, con số ấy nhỏ hơn gần 3 lần, 245 triệu.
Điều này cũng lý giải phần nào chuyện các ca sĩ phát hành album vật lý với số lượng khá khiêm tốn, gần như chỉ với mục đích khẳng định sự tồn tại của mình trên kệ băng đĩa, còn đâu “tung” hết lên mạng.
Ca sĩ Khánh Ly trong đêm diễn tại Hà Nội mùng 9/5/2014. Trong live show đầu tiên tại Việt Nam, số tiền tác quyền mà phía tổ chức đã trả cho VCPMC là 338 triệu đồng, trong đó phần lớn tác quyền thuộc về gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Nhiều năm qua, nhạc chuông nhạc chờ đã trở thành nguồn thu chủ yếu. Gần 4 năm trước, Vọng cổ teen của Vĩnh Thuyên Kim đã từng thu về 1 tỷ đồng bản quyền. Thực tế này đã trở thành mục tiêu vươn tới của rất nhiều ca sĩ và đẻ ra hàng loạt các trạng cung cấp nhạc số, nhạc chuông, nhạc chờ. Những hợp đồng được ký kết và rồi đến giờ, nhạc chuông nhạc chờ đã khựng lại. Chuyện “khựng” này đã bắt đầu từ năm 2012 khi tính tổng thu 3 quý đầu, số tiền thu về là suýt soát 900 triệu đồng (chiếm 5%) và giờ đến 2014, con số ấy chưa bằng một nửa, 400 triệu đồng (chiếm 2%).
Ngay như nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, người nhiều năm qua thắng khá nhiều với nhạc chuông nhạc chờ nhưng năm nay số lượng lại giảm. Nếu như năm 2012 anh thu về gần 137 triệu đồng tác quyền thì bây giờ số tiền tổng thu 3 quý của 2014 chỉ còn gần 130 triệu. Nhìn qua sẽ thấy tổng thu của 2 năm này không khác nhau là mấy nhưng Vũ Quốc Việt thắng nhờ ca khúc Hát cho người tình nhớ (ca sĩ Cẩm Ly thể hiện), trở thành bài hát thu được nhiều tiền tác quyền nhất 2014, chứ không phải nhạc chuông nhạc chờ.
Rõ ràng lĩnh vực này không còn là con gà đẻ trứng vàng như xưa. Nó đã chỉ rõ rằng, công chúng bây giờ thích nghe “free” nhiều hơn là chịu bỏ tiền download nhạc. Và vì thế những con số chục triệu lượt người nghe cho mỗi ca khúc là hoàn toàn ảo vì sa sút giá trị hiện kim thực tế...
Năm 2014 cho dù album được phát hành rất nhiều nhưng rất ít ca khúc đủ “hot” để lấy về tiền tỷ như ngày xưa. Vậy, nếu nhìn vào con số 23.813.702.502 đồng tổng thu của 3 quý 2014, những lĩnh vực tưởng thắng lớn hóa ra đã thua. Vậy lĩnh vực nào mới thắng?
Từ bất ngờ…
Câu trả lời là: karaoke.
Karaoke đang là một người hùng thầm lặng, mỗi năm đều tăng trưởng, chậm mà chắc. Theo thống kê của VCPMC, doanh thu chủ yếu của trung tâm năm 2014 chính là karaoke. Nếu con số của năm 2012 là gần 3 tỷ, 2013 rơi vào khoảng 3,2 tỷ thì 2014 con số này là gần 3,7 tỷ, chiếm 15%.
“Các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM trước đây kêu ca chuyện tiền bản quyền cao quá (địa điểm đẹp có giá 2 triệu đồng/năm cho toàn bộ hơn 30.000 bài hát) nhưng bây giờ thì êm rồi”, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc phía Nam của VCPMC cho biết. Thu tiền lĩnh vực karaoke luôn mang tính ổn định, nguồn thu cũng khá ổn nhưng nó tăng dần đều là số lượng mở ra nhiều thêm và VCPMC cũng bắt đầu mở rộng địa bàn xuống nhiều tỉnh phía Nam, xuống tận các huyện, phường.
Nếu karaoke chiếm 15% thì hạng mục “Cấp phép khác” (khách sạn, nhà hàng, siêu thị, phòng trà, vũ trường, quảng cáo, khu vui chơi…) đã chiếm đến 57%, tức vào khoảng gần 14 tỷ, hơn hẳn năm 2012 (8,8 tỷ) và 2013 (12 tỷ).
Chính 2 hạng mục cuối đã quyết định thắng bại trên thị trường tác quyền và nó cho thấy sự khác biệt rõ nét của những hoạt động náo nhiệt trên truyền thông và những hoạt động bình thường của đời sống mà ít ai để ý. Và ẩn dưới những con số chính là một dòng chảy ngầm, ổn định, mang về một nguồn thu thực tế cho những tác giả sáng tác.
… đến bất ngờ
Nhạc Việt 2014 đang giới thiệu nhiều gương mặt ca sĩ mới đầy triển vọng và theo đó là những nhạc sĩ trẻ với rất nhiều bài “hit”. Nhưng nhìn vào top 20 về thu nhập tác quyền - liên quan tới số lượng sử dụng tác phẩm - năm nay, sẽ không thấy những Tú Dưa, Tiên Cookie, Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường, Châu Đăng Khoa hay Đỗ Hiếu, Phạm Hoàng Duy…, đang “hot” hiện nay.
Đứng đầu danh sách là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm ngoái ông cũng ở vị trí này với tổng tác quyền trả về cho gia đình nhạc sĩ hơn 700 triệu đồng.
Đứng thứ hai trong danh sách là nhạc sĩ Khánh Đơn. Năm ngoái, Khánh Đơn là nhạc sĩ nhận tiền tác quyền cao nhất cho ca khúc Quên cách yêu (164 triệu) và năm nay, dù không được công bố, nhưng chắc chắn số tiền sẽ cao hơn bởi người đứng thứ 3 là nhạc sĩ Hoài An đã thu về hơn 211 triệu đồng.
Hoài An nhiều năm qua hoạt động khá im ắng ở trong nước nhưng lúc nào anh cũng ở top 5 nhạc sĩ nhận tác quyền cao nhất. Năm 2012 anh nhận tác quyền khoảng 174 triệu đồng.
Nguyễn Văn Chung trong năm 2012 tổng thu tác quyền là gần 158 triệu đồng thì bây giờ, với chỉ 3 quý, anh đã nhận gần 190 triệu đồng. Cũng tương tự như thế với Nguyễn Hồng Thuận với con số 174 triệu năm 2012 và nay anh đã thu về gần 200 triệu đồng.
Đây là những con số rất thực tế mà chính các nhạc sĩ đã ký nhận. Nó nói lên câu chuyện thực tế và những ồn ào trên những trang mạng nghe nhạc trực tuyến là khá khác biệt. Chẳng hạn như nhạc sĩ Lê Quang, trong vài năm qua hầu như không sáng tác nhiều, anh đi show hải ngoại là chính nhưng những ca khúc của anh vẫn được nghe và được hát karaoke rất nhiều. Năm 2012 nhạc sĩ Lê Quang nhận tác quyền gần 87 triệu nhưng trong 3 quý đầu 2014 này, số tiền anh thực nhận lên đến gần 125 triệu đồng.
Cố nhạc sĩ Thanh Sơn, dù đã qua đời nhưng nhiều năm qua ông luôn có mặt trong top 10 của VCPMC. Năm nay, tính đến 3 quý, gia đình ông đã nhận hơn 150 triệu đồng tiền tác quyền.
Top 20 nhạc sĩ nhận tác quyền cao nhất trong 3 quý năm 2014 |