Nhắm mắt thấy mùa hè là một bộ phim độc lập của một ê-kíp làm phim trẻ trên dưới 30 tuổi. Hành trình chông gai nhưng đầy đam mê và dấn thân của họ để thực hiện bộ phim đầu tay này dành được rất nhiều thiện cảm của khán giả Việt ngay từ khi tung ra trailer đẹp như tranh từ vài tháng trước...
Một bộ phim độc lập đáng trân trọng
Khi thị trường điện ảnh Việt khởi sắc trở lại và có những bộ phim do Việt Nam sản xuất đạt đến con số doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng, chúng ta đã thấy một sự chuyển động tích cực của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam với số lượng phim sản xuất mỗi năm càng tăng lên.
Thế nhưng sự phát triển đó hầu hết chỉ tập trung vào những bộ phim giải trí của những hãng sản xuất phim tư nhân với mục tiêu doanh thu đặt lên hàng đầu. Dòng phim nghệ thuật ngày càng khan hiếm và nếu có, cũng đề cập đến những câu chuyện có vẻ bế tắc và buồn bã của giới trẻ ở các đô thị lớn.
Nhắm mắt thấy mùa hè là một dự án phim độc lập đúng nghĩa và rất đáng trân trọng. Một tác phẩm đầu tay với tinh thần độc lập xuyên suốt mà điện ảnh Việt đã chờ đợi từ lâu.
Ê-kíp của phim đa phần là người trẻ tuổi, cùng nhau xây dựng một ý tưởng kịch bản có bối cảnh diễn ra tới 90% trên đất Nhật mà mới nghe qua đã thấy... không tưởng, bởi ngay cả những hãng phim lớn “mạnh vì gạo bạo vì tiền” của Việt Nam cũng chưa dám làm điều đó.
Nhắm mắt thấy mùa hè với cảnh quay lãng mạn được thực hiện tại Nhật Bản. |
Có lẽ hành trình gian nan của họ cũng không cần nói gì thêm nữa qua clip mà họ chia sẻ đầy xúc động và tạo được viral trên mạng xã hội vài ngày qua. Nhưng với bộ phim này, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể hy vọng vào một thế hệ làm phim độc lập trẻ Việt Nam hoàn toàn chủ động và tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm khác ra đời trong thời gian tới.
Nhắm mắt thấy mùa hè là một bộ phim thuộc dòng lãng mạn và hành trình, kể về một cuộc gặp gỡ có tính định mệnh giữa hai con người đến từ hai nền văn hóa khác nhau.
Đúng như câu “tagline”: “Anh đến đây để quên đi một người, còn em đến đây để nhớ về một người”, bộ phim là hành trình của cô gái Việt Nam có tên Nhật Hạ (Phương Anh Đào) đến thị trấn Higashikawa ở vùng Hokkaido để tìm lại người cha (Công Ninh) đã rời bỏ Việt Nam từ khi cô còn nhỏ. Và trên chuyến hành trình đó, cô tình cờ gặp Akira (Takafumi Akutsu), một chàng thanh niên Nhật đam mê nhiếp ảnh đang chạy trốn đến thị trấn này để quên đi một người...
Những cuộc gặp gỡ tình cờ, những hồi ức ngọt ngào và chua xót, những bí mật ẩn giấu và chờ khám phá... đã dẫn dắt họ bước vào một cuộc hành trình mà dần dần hai con người xa lạ về văn hóa, khác biệt về ngôn ngữ này trở nên đồng điệu tâm hồn với nhau.
Nhắm mắt thấy mùa hè có một chủ đề không mới với những bộ phim có cùng chủ đề ở điện ảnh các nước châu Á, nhưng với điện ảnh Việt vẫn còn luẩn quẩn với những đề tài cũ kỹ nhàm chán, đây vẫn là một bộ phim khá mới mẻ với những cảm xúc trong trẻo và hiện đại, phần nào dễ tạo được sự đồng cảm với giới trẻ đô thị đang dần dần hòa nhập với thế giới xung quanh.
Bộ phim đẹp xuất phát từ một giả định...
Tứ phim xuyên suốt trở thành “chìa khóa” của bộ phim là tình huống giả định “nếu một ngày” mà nhóm làm phim trẻ này đã dụng công xây dựng từ đầu đến cuối. “Nếu một ngày em không còn nhớ nữa, em sẽ nhớ điều gì nhất?”; “nếu một ngày em không thấy nữa, em muốn thấy điều gì nhất”... những tình huống giả định đó bắt đầu từ một tiệm ảnh trong thị trấn có tên là “Nếu một ngày”.
Ở đó có những bức ảnh kỷ niệm mà đằng sau chúng, mỗi người chia sẻ một tình huống giả định gắn liền với cảm xúc của họ.
Cái tình huống giả định “nếu một ngày” này ban đầu cũng là nhan đề của bộ phim, cho thấy nhóm biên kịch đã dụng công xây dựng một bộ phim với nhiều hoài niệm, nhiều sự tiếc nuối mà hai nhân vật chính trong phim đều phải đối mặt trong cuộc hành trình tìm kiếm, chạy trốn và gặp nhau của họ.
Bám sát mạch cảm xúc này trong lối tự sự xuyên suốt của mình, nữ đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi đã mang đến một bộ phim có thể nói là đẹp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Một tác phẩm đầu tay trong trẻo, nữ tính và giàu cảm xúc. Cùng hỗ trợ cho cô để xây dựng bộ phim là một ê kíp trẻ tuổi nhưng chắc tay, từ quay phim đến thiết kế bối cảnh, nhạc nền, ca khúc chủ đề, trang phục... đều khá đồng nhất với một “concept” đương đại và xuyên suốt.
Nữ diễn viên Đào Phương Anh đảm nhận vai nữ chính. |
Điểm nổi bật nhất của bộ phim có tính hành trình này có lẽ là quay phim. Những cảnh quay toàn thu trọn vẻ đẹp của vùng Hokkaido như hồ nước tĩnh lặng, con đường yên bình xuyên qua thị trấn, ngọn núi với những cột khói trắng, cánh đồng hoa hướng dương, cảnh hoàng hôn đỏ ối lúc mặt trời sắp lặn phủ ánh vàng khắp vùng đồng quê... đều để lại những hình ảnh đẹp, dịu dàng nhưng vẫn có dấu ấn của điện ảnh chứ không đơn thuần là những khung hình đẹp kiểu MV.
Nếu xét ở bộ phim đầu tay, Nhắm mắt thấy mùa hè của Cao Thúy Nhi là một trong vài bộ phim đầu tay khá nhất trong vòng vài năm qua và cho thấy triển vọng của cô trong con đường đạo diễn điện ảnh.
Những tiếc nuối vì cảm xúc lơ lửng
Cho dù phải ghi nhận nhiều ưu điểm của bộ phim đầu tay, thậm chí ở cả cái nỗ lực không tưởng của nhóm làm phim trẻ tuổi này, chúng ta cũng không vì thế mà khen lấy được tác phẩm còn khá nhiều điểm hạn chế này.
Với bản thân người viết, một cách công bằng, Nhắm mắt thấy mùa hè là một bộ phim đầu tay khá, có dấu ấn của đạo diễn nhưng điểm yếu của nó nằm ở kịch bản, xây dựng nhân vật và phần nào đó là cách kể chuyện chưa vượt thoát ra được tính mô típ và khuôn mẫu.
Ngay từ đầu, kịch bản đã bộc lộ nhiều hạn chế có tính sắp đặt và ngẫu nhiên. Trong chuyến hành trình đầu tiên trên nước Nhật, Nhật Hạ đã gặp Akira ngay trên chuyến xe đến Hikashikawa. Rồi tình cờ tiếp theo: Nhật Hạ phát hiện Akira là học trò cũ của cha cô. Duy Anh (Ben Phạm), anh chàng người Việt ở Hikashikawa mà Nhật Hạ tình cờ quen biết lại là học trò trong lớp nhiếp ảnh của Akira.
Cho dù là “định mệnh” đi nữa thì những cuộc gặp gỡ và mối quan hệ có tính ngẫu nhiên và trùng lắp đó làm cho bộ phim thiếu thuyết phục và lộ bàn tay sắp đặt, thiếu tưởng tượng của biên kịch. Không lẽ cái thị trấn ở nước Nhật ấy nhỏ bé và đụng nhau chan chát vậy sao?
Phim kể về chuyện tình yêu lãng mạn của cô gái Việt và chàng trai Nhật. |
Một điểm hạn chế khác khiến bộ phim mang tinh thần độc lập này nhuốm màu ngôn tình và thậm chí đôi lúc nặng tính kể chuyện ước lệ sân khấu là những cảnh hồi ức (flashback) được dàn dựng một cách tùy tiện và dễ dãi khiến bộ phim đôi lúc rơi xuống ngưỡng một tác phẩm ngôn tình sướt mướt.
Trong khi đó, hai chi tiết quan trọng nhưng lại không được giải quyết đến nơi đến chốn và chỉ đưa vào phim cho có, như lý do Nhật Hạ hủy hôn với anh người yêu cũ hay Akira phải rời bỏ Sapporo vì người yêu cũ...
Những điểm hạn chế này cộng với mạch truyện ở giữa phim rối loạn, thiếu chi tiết, hành động của nhân vật không có động cơ rõ ràng và thường xuyên gãy đổ (đặc biệt là nhân vật chính Nhật Hạ) khiến bộ phim chùng xuống khá dài trước khi đạo diễn cứu được một bàn thua trông thấy ở đoạn kết.
Về diễn xuất, đạo diễn chỉ đạo diễn xuất khá tốt, nhưng vẫn cho thấy đẳng cấp diễn xuất khá chênh lệch giữa diễn viên Việt Nam và diễn viên Nhật. Nhân vật Nhật Hạ của Phương Anh Đào dù là một phát hiện đáng khen, nhưng nhân vật của cô vẫn thiếu chiều sâu tâm lý và cô phải vay mượn rất nhiều vào những giọt nước mắt sướt mướt để thể hiện cảm xúc.
Có những lúc, cảm xúc của người xem vừa được chạm tới thì đã bị những giọt nước mắt tuôn trào của nhân vật chính cướp mất sự đồng cảm. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao cô phải khóc nhiều đến thế trong suốt bộ phim này?
Dàn diễn viên phụ của Việt Nam, dù là chuyên nghiệp như Công Ninh hay nghiệp dư như Ben Phạm vẫn sa vào lối diễn sân khấu kịch hoặc nặng tính hình thể.
Trong khi đó, dàn diễn viên của Nhật diễn một cách tự nhiên, đồng đều. Từ lối diễn xuất tiết chế của Takafumi Akutsu được biểu cảm qua đôi mắt có hồn đến lối diễn xuất sinh động, tự nhiên của dàn diễn viên phụ đều cho thấy họ không cần phải dụng công quá nhiều như diễn viên Việt Nam, nhưng vẫn “ra” được nhân vật.
*
Về tổng thể, Nhắm mắt thấy mùa hè là một bộ phim đầu tay đáng khen ngợi và đáng xem của một ê kíp làm phim độc lập và trẻ tuổi. Và như đã nói, nó vẫn khá hơn nhiều bộ phim đầu tay của một vài đạo diễn Việt Nam gần đây.
Tuy nhiên, những điểm yếu cố hữu về kịch bản, về kể chuyện và xây dựng nhân vật khiến mạch cảm xúc của bộ phim lơ lửng và không chạm được, ít nhất là với người viết bài này!