Ngoài thói quen chăm sóc tóc không đúng, tác động của thời tiết, khí hậu hay môi trường sống, tóc còn chịu ảnh hưởng lớn từ những vấn đề tiềm ẩn bên trong cơ thể. Do đó, một khi tóc gặp phải những thay đổi đột ngột, bất thường được liệt kê sau đây cũng là lúc bạn cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân.
1. Tóc khô giòn
Thường xuyên sấy tóc, uốn hoặc duỗi tóc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tóc bị khô và dễ gãy rụng do thiếu nước. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên uống khoảng 2 lit nước mỗi ngày, đồng thời tránh xa rượu, các thực phẩm chứa quá nhiều đường và caffeine.
Tuy nhiên, nếu tình trạng tóc khô giòn vẫn không được cải thiện thì có thể nguyên nhân sâu xa nằm ở tuyến giáp của bạn. Khi đó, cần thực hiện các xét nhiệm theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D, khoáng chất, omega 3, và hạn chế stress.
2. Da đầu đầy vảy gàu
Nếu thỉnh thoảng bị gàu, bạn không cần phải quá lo lắng. Nhưng khi bị gàu nặng biểu hiện bằng việc da đầu đóng đầy vảy gàu, lặp đi lặp lại nhiều lần, thì có thể hệ miễn dịch trong cơ thể bạn đang bị suy yếu, hoặc do các bệnh khác như viêm da tiết bã, bệnh vảy nến hoặc eczema. Khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, tránh xa căng thẳng mà gàu vẫn không giảm sút, kèm theo xuất hiện các vấn đề khác trên da, bạn cần đến bác sĩ da liễu để xác định và điều trị bệnh.
3. Tóc ngày càng thưa
Theo thống kê, có đến 30% phụ nữ sau mãn kinh gặp phải tình trạng tóc ngày càng mỏng, thưa thớt hơn do sự mất cân bằng nội tiết tố. Tình trạng này có thể được khắc phục thông qua liệu pháp thay thế hormone (HRT), tuy nhiên cần lưu ý rằng lượng tóc bị mất đi trong thời kỳ mãn kinh có thể sẽ không phát triển trở lại.
Ngoài ra, mất máu, rối loạn ăn uống, buồng trứng đa nang, các vấn đề về tuyến giáp, stress … cũng được xem là căn nguyên dẫn đến tình trạng tóc bị rụng hàng loạt.
4. Xuất hiện nhiều tóc ngắn trên đỉnh đầu
Chế độ ăn thiếu protein có thể là nguyên nhân khiến da đầu bạn ít có khả năng chịu được nhiệt và hóa chất, bên cạnh đó làm cho tóc không phát triển nhanh như bình thường. Ăn nhiều thực phẩm có đường cũng có thể là nguyên nhân làm giảm sự hấp thu protein, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của sợi tóc.
5. Tóc bạc sớm
Tóc xuất hiện nhiều sợi bạc ở độ tuổi 20 thường là do yếu tố di truyền. Nhưng những căng thẳng thường gặp trong cuộc sống, dùng quá liều vitamin B, dinh dưỡng không hợp lý hoặc thiếu cân bằng hormone có thể ảnh hưởng đến màu của tóc. Trong vài trường hợp nhất định, bệnh tiểu đường và các vấn đề về tuyến giáp cũng là căn nguyên gây ra tình trạng tóc bạc sớm. Khi tóc xuất hiện nhiều sợi bạc, kèm theo khát nước, thường xuyên bị mệt mỏi, kiệt sức, bạn cần đến bệnh viện làm các xét nghiệm cần thiết để được chuẩn đoán và điều trị bệnh.
6. Chân tóc bị lão hóa sớm
Nếu chân tóc của bạn bị teo, khô rút thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe quan trọng không thể bỏ qua. Thông thường, tình trạng này xuất phát từ việc ăn quá thiếu chất, hoặc do hội chứng buồng trứng đa nang ở phái nữ. Tuy nhiên, nếu là hội chứng buồng trứng đa nang, ngoài chân tóc bị lão hóa sớm, trên cơ thể của chị em sẽ còn xuất hiện lông phủ ở ngực, tay, mặt …