Ảnh hưởng bởi lối sống
Theo luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự, lối sống thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân lớn tác động tới tâm sinh lý của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Luật sư Dũng lý giải: “Sự tự do quá rộng rãi trong môi trường mạng internet, tạp chí, phim ảnh... đã ảnh hưởng đến cách hành xử, thái độ, tinh thần, tư tưởng của giới trẻ theo nhiều chiều. Đã có nhiều người trẻ bị tác động xấu trong hành vi xử sự của mình và từ đó tội phạm ở lứa tuổi này phát sinh".
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm chỉ ra rằng tội phạm trẻ ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn hành vi phạm tội. |
Luật sư Dũng cho biết, ngoài lối sống thì phương pháp giáo dục truyền thống xưa đang bị coi là lỗi thời, lạc hậu. Hiện nay, một bộ phận giới trẻ sống lạnh nhạt, thờ ơ, vô trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa ứng xử xuống cấp thảm hại. Ranh giới giữa thầy và trò, cha mẹ và con cái nhạt nhòa.
Giới trẻ ngày nay ít có những “tấm gương” sáng để học tập và dễ dàng bị tác động bởi những thứ văn hóa ngoại lai. Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình. Sự đùn đẩy trách nhiệm giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội cũng là một nguyên nhân. Lối sống gấp, thực dụng, chạy theo đồng tiền cũng ảnh hưởng tới giới trẻ hiện nay.
Luật sư Dũng cũng cho rằng, ở những người trẻ tuổi, có học thức, có nhân thân tốt, hiền lành thì cũng dễ gây ra hành động bồng bột bởi những người hiền lành thì hay “cục tính” và mức độ kìm chế của họ cũng khá yếu nên gây ra những hậu quá đáng tiếc.
“Trong qua trình bào chữa tôi thường đặt câu hỏi rằng: khi họ phạm tội họ nghĩ thế nào, có nghĩ tới hậu quả hay không? sau đó sẽ như thế nào? Và câu trả lời ở đây là khi phạm tội các đối tượng đều ít nghĩ tới hậu quả. Họ không nghĩ rằng nếu làm việc này sẽ dẫn tới hậu quả và phải dừng lại để không trở thành tội phạm.
Tôi thường gặp các vụ án có bị can, bị cáo từ 30 tuổi trở lên và hay bào chữa ở các vụ có độ tuổi tương tự; nhưng trước đây, tôi có một vài lần bào chữa trong những vụ án mà thanh niên gây ra. Nếu nói ở góc độ tâm lý thì đa số những người trẻ tuổi phạm tội họ không lường trước được hậu quả xảy ra. Họ không biết trước nếu phạm tội như thế sẽ bị xử phạt như thế nào? Và khi họ hiểu được sự trừng phạt của pháp luật thì đã quá muộn”, luật sư Dũng nói.
Kỹ năng sống quá kém
Theo luật sư Trịnh Bá Thân, đoàn luật sư TP HCM cho rằng, hầu hết người chưa thanh niên phạm tội bắt nguồn từ kỹ năng sống kém, không đủ nhận thức chọn lọc đối tượng giao tiếp, không tự mình phân biệt đúng sai nên dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm pháp. Bên cạnh đó, tính hiếu thắng, bốc đồng kiểu muốn tự khẳng định mình hoặc vì những lý do nhỏ nhặt khác cũng có thể là động lực thúc đẩy các em này nổi loạn, phản kháng hoặc tham gia tội phạm với tính chất và mức độ rất nguy hiểm, man rợ.
Hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi man rợ, gây rúng động dư luận xã hội vừa qua phần lớn do những người trẻ, có học thức, nhân thân tốt... thực hiện. |
Từng tham gia bảo vệ cho rất nhiều bị can, bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP Hà Nội phát biểu trên tờ Tuổi Trẻ cho rằng, hiện nay giới trẻ quá thiếu kỹ năng sống, thiếu giáo dục nhân cách.
“Vấn đề là giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người. Sự giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Môi trường giáo dục của ta bây giờ không chú trọng giáo dục nhân cách cho trẻ mà chỉ chú trọng đến thành tích.
Các kỹ năng giao tiếp trong xã hội bị lơ là. Ở trường, có môn giáo dục công dân, các môn giáo dục kỹ năng sống nhưng không được coi trọng. Bố mẹ, thầy cô chỉ chú trọng con đi học toán, lý, hóa để đáp ứng nhu cầu thi cử”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, “Vụ án ở Bình Phước, các nghi can đều là người có học, sinh ra trong gia đình lao động, bố mẹ hiền lành chất phác. Tuy nhiên các đối tượng đã trượt ngã trong dòng đời, không biết kìm hãm trước những cám dỗ mà bố mẹ đã không hiểu biết hết để điều chỉnh trước những thay đổi của con cái. Việc dạy kỹ năng sống, cách ứng xử với gia đình, bạn bè và các mối quan hệ trong xã hội có vai trò rất quan trọng”
Giáo dục gia đình là cốt lõi
Luật sư Phạm Hồng Hải (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) phát biểu trên một tờ báo, để hiện thực hóa việc giảm thiểu mức độ phạm tội của trẻ thì vấn đề cốt lõi chính là cách giáo dục và quản lý con em của từng gia đình.
Luật sư Hải cho rằng, hiện nay sự tương tác tích cực giữa cha mẹ và con cái rất ít, thậm chí không diễn ra ở một số gia đình. Sự cái vã, nảy sinh trong gia đình cộng thêm sự thiếu giáo dục trong gia đình khiến thanh thiếu niên chưa có kinh nghiệm sống càng dễ lệch lạc và đi vào con đường phạm tội hơn.
“Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: gia đình - nhà trường - xã hội. Gia đình, đặc biệt là cha mẹ, những người quyết định trực tiếp đến sự trưởng thành và nên người của các em. Cần quan tâm đúng mức đến nguyện vọng của con trong từng giai đoạn trưởng thành, cho các em con đường học tập rộng mở để các em không bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi bạn bè và Internet” - luật sư Hải nói.
Theo Luật sư Triệu Trung Dũng thì gia đình là cốt lõi của sự giáo dục. Gia đình cần định hướng cho con em mình đến những chuẩn mực sống, giá trị đạo đức tốt đẹp hơn.
Luật sư Dũng cũng cho rằng, ngoài việc giáo dục của gia đình thì các cơ quan, đoàn thể, ban ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhiều hơn. Cần tổ chức nhiều hơn các chương trình thể hiện sự rèn luyện, lối sống trong môi trường tự lập ở vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc sống thử trong môi trường không điện thoại, không Internet như vừa qua.
Bên cạnh đó, có các biện pháp bảo toàn chuẩn mực, lối sống đạo đức truyền thống để giới trẻ sống lành mạnh hơn. Nhà trường cũng cần giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người.