Nửa tháng nay, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc điều hành khách sạn Grand Gosia (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang "chạy đôn, chạy đáo" tìm nhân lực phục vụ khách cho khách sạn, nhất là những ngày cuối tuần.
“Khách sạn có 133 phòng, từ đầu tháng 7 đến nay công suất luôn đạt khoảng 90%, riêng những ngày cuối tuần có thể đạt 100%. Khách đông nên chúng tôi cần một lượng lớn nhân lực phục vụ, đặc biệt là bộ phận buồng phòng…”, ông Hùng cho biết.
“Đỏ mắt” tìm nhân lực du lịch
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết việc tìm đủ nhân lực thời điểm này rất khó, đặc biệt là nhân sự đã thạo việc.
Theo ông, dịch ập đến khiến lao động trong ngành du lịch đa phần nhảy việc. Đến nay số lao động này một phần đã có công việc ổn định hoặc có thu nhập cao hơn thực tế ngành dịch vụ.
“Chúng tôi đã mời nhiều lao động ký hợp đồng dài hạn nhưng họ không đồng ý mà chỉ muốn làm công nhật, khiến khách sạn không chủ động được nguồn nhân lực. Thậm chí nhiều trường hợp đã thỏa thuận nhưng người lao động lại ‘xé rào’ vì được nơi khác trả tiền công cao hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Nha Trang đón hàng trăm khách du lịch nội địa trong mùa cao điểm du lịch hè. Ảnh: Xuân Hoát. |
Tương tự, ông Trần Văn Tùng, Tổng quản lý khách sạn Navada Nha Trang, cũng thừa nhận tìm kiếm nhân lực chất lượng cao thời điểm này rất khó.
Chúng tôi đã mời nhiều lao động ký hợp đồng dài hạn nhưng họ không đồng ý mà chỉ muốn làm công nhật, khiến khách sạn không chủ động được nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc điều hành khách sạn Grand Gosia
“Đang là mùa cao điểm du lịch hè, khách sạn luôn đạt công suất 80%. Khách đông nên cần nhân lực nhiều nhưng tìm được khá khó vì đa phần đã chuyển nghề và có thu nhập ổn định, số còn lại vẫn chờ khi du lịch thực sự phục hồi mới quay trở lại, ông Tùng phân tích.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong tháng 6, địa phương đón 350.000 lượt khách du lịch, trong đó có 337.000 lượt khách nội địa.
Lãnh đạo ngành du lịch Khánh Hòa cũng thừa nhận từ đầu tháng 7, lượng khách tăng cao khiến áp lực về nhân lực du lịch cũng tăng theo. Trong đó, thiếu hụt lao động nhiều nhất ở bộ phận buồng phòng đang là tình trạng chung của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Vẫn lo dịch bùng phát
Hiện, tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.100 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 52.000 phòng, trong đó, có 96 cơ sở được xếp hạng 3-5 sao với 22.934 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho nhân lực hậu dịch, Sở Du lịch Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phát triển nhân lực khối sản xuất kinh doanh năm 2022.
Trong quý III, Sở Du lịch sẽ tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bao gồm 2 lớp bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý khách sạn chất lượng cao, ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch buồng phòng.
Trong 3 năm dịch Covid-19, khoảng 70% lao động ngành du lịch ở tỉnh Khánh Hòa mất việc, chuyển việc khác. Khi du lịch hồi phục, các doanh nghiệp gọi lao động quay trở lại làm việc, nhưng nhiều người không quay về do đã tìm được công việc mới, có người chưa thật sự tin tưởng vào sự phục hồi du lịch.
Ngoài khách nội địa, Nha Trang - Khánh Hòa đang trở điểm đến của nhiều thị trường khách quốc tế sau dịch. Ảnh: L. Phát. |
Thực tế, khách nội địa luôn có thói quen đi du lịch cuối tuần chứ không trải đều như khách quốc tế. Vì vậy, nếu tuyển dụng nhiều lao động thì ngày thường sẽ dôi dư, tuyển vừa đủ thì lúc cao điểm lại thiếu hụt lao động, phải đi thuê công nhật (không ổn định, chất lượng thấp).
Khảo sát cho thấy nhiều khách sạn, công ty du lịch đang áp dụng biện pháp ký hợp đồng tạm thời, bán thời gian với một số lao động. Nhiều chủ khách sạn lý giải dịch vẫn còn có thể phức tạp trở lại và nhất là lúc hết mùa cao điểm du lịch liệu dòng khách nội có còn đông như hiện nay.
Không thể đãi ngộ cao cho một nhân lực nào đó để rồi qua hè có khi ngồi chơi xơi nước được.
Ông Phạm An, chủ khách sạn trên đường Trần Phú
“Trong khi giá cả leo thang theo giá xăng dầu, vé máy bay, chúng tôi không thể mạo hiểm ký hợp đồng dài hạn với mức lương cao cho lao động được vì tiềm ẩn rủi ro. Ba năm dịch, doanh nghiệp đã phần nào cạn kiệt vốn, nay mới phục hồi nên mọi chi phí đều phải tính toán chi ly để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt”, ông Phạm An, chủ khách sạn trên đường Trần Phú, nói.
Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng cho rằng hiện tuyển dụng được lao động có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ càng khó khăn hơn.
“Trong khi phải đảm bảo các chi phí để vượt qua khó khăn, lại phải giải bài toán thu hút nhân lực có chuyên môn tôi nghĩ doanh nghiệp nào cũng khó khăn như tôi cả. Bởi không thể đãi ngộ cao cho một nhân lực nào đó để rồi qua hè có khi ngồi chơi xơi nước được”, ông An thẳng thắn chia sẻ.
Theo ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa, để giải quyết những vấn đề trên, doanh nghiệp nên ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động cho đến hết mùa du lịch hè, cố gắng tạo điều kiện để họ làm việc dài hạn. “Trước mắt, các khách sạn có thể sử dụng nguồn sinh viên thực tập để bù đắp thiếu hụt những ngày cao điểm, đồng thời điều chuyển linh hoạt các bộ phận nhân viên để phục vụ lúc cao điểm”, ông Hoàng nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cũng thừa nhận dịch bệnh kéo dài khiến lao động chuyên nghiệp chuyển việc nhiều.
“Trong thời gian nghỉ việc một số lao động sẽ bị mai một nghề do không được thực hành trong suốt 2 năm qua, còn nhân lực mới không đáp ứng được yêu cầu. Giải pháp trước mắt theo tôi doanh nghiệp cần cải thiện về chế độ đãi ngộ để thu hút lao động; tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để tuyển dụng lao động có tay nghề, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao chất lượng lao động đủ đáp ứng nhu cầu mỗi dịp khách đông”, bà Thanh nói.