Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lập nhóm 'Quyết tâm nghỉ việc' nhưng vẫn ở lại công ty sau 2 năm

Trong nhóm chat “Quyết tâm nghỉ việc” được thành lập từ năm 2023, Mỹ Hà (26 tuổi, quận 8, TP.HCM) là người cuối cùng còn trụ lại trong số 5 thành viên cùng công ty.

Nhân sự chùn chân trước kế hoạch "nhảy việc" vì sợ rủi ro. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Mỹ Hà vẫn dự định làm việc ở công ty hiện tại trong năm 2025, chưa có kế hoạch thay đổi chỗ làm. Giải thích về quyết định tiếp tục gắn bó dù đã kém nhiệt huyết với doanh nghiệp này, Mỹ Hà cho biết chưa tìm thấy vị trí công việc tương tự với mức lương hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, cô nhận thấy nhiều bạn bè bị sa thải đột ngột, loay hoay tìm kiếm công việc ưng ý trong vô vọng từ năm ngoái đến năm nay. Tình trạng chung này khiến Hà chùn chân, chưa dám “nhảy việc”.

“Tôi không dám từ bỏ mức lương 20 triệu đồng/tháng, đổi lấy sự bấp bênh trong hoàn cảnh hiện tại. Hàng tháng, tôi vẫn phải gửi sinh hoạt phí về cho bố mẹ ở quê”, nhân viên hành chính - nhân sự 26 tuổi tại công ty công nghệ bộc bạch.

nhan su TPHCM,  giu chan nhan su,  viec lam TPHCM,  thuong Tet 2025,  quyet tam nghi viec anh 1

Nhân sự ngại "nhảy việc" vì lo sợ thất nghiệp, không kiếm được công việc có mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Mỹ Hà không phải trường hợp cá biệt trong thị trường lao động hiện nay. Dù bày tỏ mong muốn “nhảy việc” suốt nhiều tháng, nhiều năm, nhiều người vẫn tiếp tục gắn bó với công ty.

Lý do được những nhân sự này đưa ra là không tìm được công việc lương cao, phúc lợi tốt hơn, lo sợ thất nghiệp khi thị trường tuyển dụng trở nên ảm đạm do kinh tế khó khăn hay được doanh nghiệp giữ chân bằng chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Về phía doanh nghiệp, giữ người là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm, cần tinh gọn bộ máy và cắt giảm chi phí tuyển dụng.

Vẫn làm việc ở công ty muốn nghỉ từ năm 2023

Tương tự Mỹ Hà, Thu Hậu (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tiếp tục gắn bó với công ty cung cấp dịch vụ di trú, nhập cảnh hiện tại dù tỏ ra chán nản với công việc từ lâu.

“Người đòi nghỉ việc là người cống hiến lâu nhất”, Hậu kể lại về lời trêu đùa của đồng nghiệp.

Dù không thấy cơ hội phát triển hay thăng tiến, nhân viên văn phòng này vẫn đều đặn chấm công ở văn phòng mỗi 8h sáng. Công việc này tương đối quen thuộc, không đòi hỏi nhiều công sức, cho phép Hậu có thời gian rảnh, tranh thủ chuẩn bị đám cưới dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

nhan su TPHCM,  giu chan nhan su,  viec lam TPHCM,  thuong Tet 2025,  quyet tam nghi viec anh 2

Thu Hậu hài lòng với bảo hiểm, chế độ thai sản của công ty hiện tại.

Hơn nữa, Thu Hậu cũng dự định có con ngay sau đám cưới, hài lòng với bảo hiểm thai sản và chế độ sinh đẻ ở doanh nghiệp hiện tại.

“Dù lương không cao, phúc lợi dành cho nhân sự nữ mang thai và sinh con ở công ty tôi tương đối ổn. Trong giai đoạn cuộc sống cá nhân có nhiều biến động, tôi hài lòng với công việc ổn định”, cô nói.

Khác với Mỹ Hà và Thu Hậu, Duy Hưng (29 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) trì hoãn quyết định “nhảy việc” từ năm 2023 đến nay vì sự níu kéo của ban lãnh đạo công ty.

Cụ thể, khi Hưng bày tỏ mong muốn rời khỏi vị trí trưởng nhóm digital marketing tại một doanh nghiệp F&B, anh được lãnh đạo giữ chân bằng cách tạo cơ hội thử sức ở bộ phận kinh doanh.

Anh cũng được tặng kèm các khóa huấn luyện, đào tạo ngắn ngày ở Singapore về chuyên môn mới. Nhận hàng loạt cơ hội này, Duy Hưng cũng phải cam kết gắn bó với công ty đến hết năm 2025.

“Lý do xin nghỉ của tôi hồi năm 2023 đến từ nhu cầu chuyển ngành. Tôi muốn chuyển sang kinh doanh, tiếp xúc với khách hàng, trực tiếp tạo ra doanh số. Lời đề nghị của các sếp vừa hay đáp ứng được mong mỏi này”, Hưng giải thích về lý do gắn bó với đơn vị công tác hiện tại.

Đối với Duy Hưng, 2 năm là khoảng thời gian vừa đủ để thử sức với vị trí công việc mới ở doanh nghiệp F&B hiện nay. Sau năm 2025, khi hoàn thành lời hứa với ban lãnh đạo, anh vẫn dự định rời đi, tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực bán lẻ.

“Lúc đó, công ty có lẽ không còn gì để níu kéo tôi”, anh chia sẻ.

Doanh nghiệp giữ chân nhân sự 'bằng mọi giá'

Ly Trần (quận Đống Đa, Hà Nội), trưởng phòng hành chính - nhân sự của một doanh nghiệp công nghệ, nhận định rằng giữ chân người lao động, đặc biệt là nhân sự có trình độ chuyên môn cao, là ưu tiên của nhiều công ty ở thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp liên tục cắt giảm nhân sự, hạn chế tuyển mới. Quá trình tuyển dụng tốn kém cả nhân lực và chi phí vận hành của công ty.

Đối với các vị trí chuyên viên, quản lý, công ty của Ly Trần ưu tiên giữ chân. Sự gắn bó của người lao động cũng góp phần xây dựng văn hoá doanh nghiệp vững chắc, tạo ra tinh thần đoàn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn.

“‘Tinh gọn bộ máy, không tuyển mới, giữ người cũ’ là phương châm hiện tại ở công ty tôi. Công việc của phòng nhân sự không còn là tuyển dụng, mà tập trung vào xây dựng chương trình teambuilding, tiệc tùng để giữ chân nhân sự”, Ly nói.

Ban lãnh đạo công ty cô cho rằng ngân sách phát triển văn hoá doanh nghiệp, khoản tăng lương cho nhân viên hiện tại không nhiều bằng chi phí tuyển người mới. Do đó, đây là phương án đỡ tốn kém, phù hợp hơn trong bối cảnh này.

nhan su TPHCM,  giu chan nhan su,  viec lam TPHCM,  thuong Tet 2025,  quyet tam nghi viec anh 3

Doanh nghiệp níu kéo nhân sự cũ, cắt giảm chi phí tuyển dụng người mới. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Về “công thức” giữ chân người lao động, chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, thành viên mạng lưới tư vấn của ngành Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp), từng chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng lương thưởng là phúc lợi được nhân sự ưu tiên nhất trong năm nay.

Do tình hình kinh doanh không khả quan, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm lương, cắt thưởng, khiến người lao động lao đao. Nhận mức đãi ngộ tài chính như cũ hoặc hơn thế là mong muốn của phần lớn nhân sự.

Đó là lý do nhiều người lao động chọn gắn bó với công ty vì lương tốt, thưởng cao và chế độ bảo hiểm hấp dẫn.

Đồng tình với chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, bà Evelyn Kwek, CEO của Great Place to Work (GPTW) ASEAN & ANZ, cho rằng các công ty cần thể hiện sự quan tâm thực chất, tập trung vào nhu cầu cơ bản nhất, như mức lương và thưởng xứng đáng, văn hóa làm việc lành mạnh, lộ trình phát triển rõ ràng và đội ngũ lãnh đạo có năng lực, đối xử công bằng.

Theo bà, thay vì chạy theo xu hướng cung cấp vô số phúc lợi, các doanh nghiệp nên tập trung thấu hiểu và thiết kế những chế độ phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân viên.

Trên thực tế, nhờ đáp ứng đúng mong muốn, nhu cầu của nhân sự, nhiều doanh nghiệp thành công giữ chân người lao động.

Công ty ở TP.HCM sợ nhân viên sao nhãng vì pickleball

Không ít doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội tài trợ chi phí sân chơi pickleball cho nhân sự, trong khi một số đơn vị lại lo ngại môn thể thao này ảnh hưởng xấu đến công việc.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm