Câu chuyện đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong 41 năm dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.
Phần lớn học sinh đoạt huy chương vàng của các năm trước đều đã du học và không ngừng nỗ lực làm nên “thương hiệu Toán Việt Nam” ở xứ người. Một số em khác được những công ty hàng đầu thế giới đón nhận như Facebook, Amazon.
Thí sinh đoạt huy chương vàng IMO 10 năm nay đang ở đâu?
Trong vòng 10 năm trở lại đây, 20 học sinh của nước ta giành 22 huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Phần lớn họ du học sau khi tốt nghiệp THPT. 4 chủ nhân chiếc huy chương vàng năm nay sẽ theo học các đại học trong nước nhưng đều bày tỏ ước muốn xuất ngoại để học tập.
Trong đó, Lê Quang Dũng và Phan Nhật Duy (Hà Tĩnh) sẽ học khoa Toán, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nguyễn Cảnh Hoàng (Nghệ An) đăng ký vào khoa Máy tính, lớp kỹ sư tài năng, ĐH Bách Khoa Hà Nội, mong tìm kiếm cơ hội học bổng tại ĐH Quốc gia Singapore. Hoàng Hữu Quốc Huy (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ học tại ĐH Bách khoa TP.HCM, và muốn tìm học bổng du học Mỹ.
Nhìn lại 10 năm trở lại đây, nhiều bạn đoạt huy chương vàng IMO lựa chọn điểm đến tại các trường hàng đầu thế giới như ĐH Stanford, ĐH Duke, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Quốc gia Singapore… Họ có thể theo đuổi Toán học hoặc ứng dụng kiến thức Toán vào các ngành khác như Kinh tế, Khoa học máy tính.
Phạm Thành Thái (IMO 2007) trong lễ tốt nghiệp ĐH Stanford. Ảnh: FBNV. |
Năm 2007, Phạm Thành Thái, lúc đó là học sinh trường THPT chuyên Hải Dương, xuất sắc giành huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Hai năm sau, Thái trúng tuyển vào MIT - trường công nghệ hàng đầu thế giới. Tại đây, Thành Thái theo học ngành Khoa học, Toán học, chuyên ngành Khoa học Quản lý, Kinh tế học.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, Phạm Thành Thái quyết định theo đuổi chương trình tiến sĩ ngành Kinh tế học tại trường Kinh doanh thuộc ĐH Stanford, Mỹ. Chủ nhân chiếc huy chương vàng IMO lần thứ 48 tập trung vào Toán kinh tế, Thống kê và Machine Learning (phương pháp phân tích dữ liệu mà sẽ tự động hóa việc xây dựng mô hình phân tích).
Trong hai năm gần đây, anh có nhiều nghiên cứu được chia sẻ trên Arxiv - cơ sở dữ liệu lưu trữ điện tử dạng tiền in ấn của các bài báo khoa học. Ngoài ra, Thành Thái còn là trợ lý nghiên cứu của một số giáo sư trong trường, đồng thời là trợ giảng của GS Susan Athey.
Bên cạnh việc học tập, Phạm Thành Thái được mời tham dự nhiều hội thảo quan trọng tại trụ sở các công ty lớn như Facebook (tháng 3/2016), Netflix (tháng 5/2017). Hè năm ngoái, Thành Thái thực tập trong nhóm Core Machine Learning của tập đoàn Amazon tại thành phố Seatle.
Tháng 5 vừa qua, anh bảo vệ thành công luận án Large Scale Causal Inference with Machine Learning và nhận bằng tiến sĩ tại đại học hàng đầu thế giới vào tháng 7.
Sắp tới, anh sẽ gia nhập tập đoàn Amazon với tư cách nhà nghiên cứu khoa học cấp II, chuyên về kỹ thuật Causal Inference, Deep Learning, Tìm kiếm, Robot.
Trong khi đó, Hà Khương Duy, thí sinh giành huy chương vàng IMO 2009, lại chọn phát triển trong lĩnh vực công nghệ và hiện là kỹ sư phần mềm tại Facebook.
Hà Khương Duy đang làm việc cho Facebook. Ảnh: NVCC. |
Sau khi giành huy chương với 39 điểm, xếp thứ 4 toàn thế giới, Khương Duy theo học ngành Toán, Khoa học máy tính ở MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ). Trong thời gian này, ngoài việc tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo của trường, Duy còn là chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại MIT.
Tháng 7/2015, sau khi tốt nghiệp, Hà Khương Duy gia nhập Facebook và làm việc tại đó cho đến nay.
Hai chủ nhân huy chương vàng IMO khác cũng theo ngành Toán, Khoa học máy tính là Cấn Trần Thành Trung và Phạm Tuấn Huy. Cả hai đều đạt thành tích này vào năm 2013. Đặc biệt, Phạm Tuấn Huy là một trong 8 thí sinh người Việt giành hai huy chương vàng liên tiếp tại IMO.
Cấn Trần Thành Trung theo học ĐH Duke với suất học bổng toàn phần Karsh. Trong khi đó, Phạm Tuấn Huy hiện là sinh viên ĐH Stanford.
Nguyễn Thế Hoàn, chủ nhân huy chương vàng IMO 2014, 2015 cũng theo đuổi ngành học Toán ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế tại ĐH Đại Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Trung Quốc.
Ngoài những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Amazon, rất nhiều nhân tài Việt đang làm việc tại những đại học hàng đầu thế giới, tạo nên "thương hiệu Toán học" ở nước ngoài.
Ở đâu cũng giúp ích cho Việt Nam
Những tài năng Olympic quốc tế, sau khi giành được tấm huy chương, đều có con đường, lựa chọn riêng cho bản thân, phần lớn là du học.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, cho rằng với những học sinh mới đoạt giải, chỉ nên coi huy chương vàng Olympic khoa học quốc tế như là thành tích xuất sắc chạy cự ly ngắn của các vận động viên. Sự nghiệp vinh quang của con người hướng tới những mục tiêu cao cả và rộng lớn của tài năng là một cuộc chạy marathon.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa - người đoạt huy chương bạc Olympic quốc tế đầu tiên năm 1974, nhiều năm đưa học sinh đi thi Olympic Toán học - nêu quan điểm: "Tôi không thấy tiếc cho các em, cũng như không thấy tiếc cho đất nước".
Theo PGS.TSKH Vũ Đình Hòa, trong lĩnh vực nghiên cứu về Toán, sản phẩm của các nhà toán học luôn đóng góp cho quốc tế chứ không phải riêng quốc gia nào. Đất nước chúng ta hưởng lợi từ những công trình nghiên cứu của các em ở nước ngoài cũng đúng như khi các em làm việc trong nước.
Nói thêm về điều này, thầy Trần Phương - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - cho biết theo thống kê của cá nhân ông, khoảng 80% học sinh đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế du học và làm việc tại nước ngoài.
Từ năm 1992 trở về trước, Nhà nước có chính sách cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế đi du học ở các nước Đông Âu như Nga, Tiệp, Đức, Ba Lan… Sau sự sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, chính sách cho du học sinh theo học tại các nước này không còn nữa, gia đình và các học sinh phải tự thân vận động để đăng ký vào các trường đại học quốc tế.
Ông Trần Phương bày tỏ: Chỉ cần trái tim và khối óc của họ nghĩ đến Việt Nam là họ sẽ biết cách giúp ích cho đất nước mà không nhất thiết phải ở trong nước.
GS Trần Văn Nhung cũng đưa ra nhiều băn khoăn, giành huy chương vàng mới chỉ là công dân có triển vọng. Muốn cho đất nước thoát nghèo thì phải có chiến lược quốc gia đúng đắn và dài hơi.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Những tài năng trẻ sẽ được tiếp tục đào tạo ngành gì, ở đâu, như thế nào? Rồi sau đó họ ra làm việc và cống hiến cho đất nước trong điều kiện, môi trường, cơ chế, chính sách ra sao?
Theo thầy Trần Phương, ngay sau khi học sinh giành huy chương, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ kịp thời bằng cách tạo kinh phí cho các em học ngoại ngữ, tư vấn du học, tránh để các em tự thân vận động, nếu thất bại gây lãng phí thời gian và tài chính cho gia đình.