Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nhân tài Toán học Việt Nam thành danh ở nước ngoài

Sau khi đoạt giải Olympic quốc tế, nhiều thí sinh Việt ra nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy, trở thành giáo sư, tiến sĩ và tạo thành "thương hiệu Toán Việt Nam" nơi đất khách.

Khi nhắc đến Toán học, GS Ngô Bảo Châu là thần tượng của nhiều bạn trẻ. Ông nổi tiếng với thành công trong việc chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands. Công trình nghiên cứu này đã giúp ông nhận giải Fields danh giá năm 2010. Ngoài ra, GS Ngô Bảo Châu cũng là thí sinh đầu tiên trong đoàn Việt Nam đoạt hai giải vàng IMO liên tiếp (năm 1988 và năm 1989).

Hoàng Hữu Quốc Huy, thí sinh đoạt huy chương vàng với số điểm cao nhất tại Olympic Toán Quốc tế (IMO) 2017, chia sẻ em mong có một ngày được gặp GS Ngô Bảo Châu. "Đối với người mê Toán như em thì không còn gì vui hơn nữa", Huy nói với Zing.vn.

Nhan tai Toan hoc Viet Nam anh 1
GS Ngô Bảo Châu liên tục mang về 2 huy chương vàng tại IMO cho Việt Nam vào các năm 1988 và 1989. Ảnh: Mạnh Thắng.

Sau khi mang vinh quang về cho Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu sang Pháp và trở thành sinh viên của Đại học Paris 6. Ông đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp và được bạn bè quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng uy tín.

GS Ngô Bảo Châu là một trong số nhiều thí sinh IMO của Việt Nam thành danh ở nước ngoài, trở thành "thương hiệu Toán Việt Nam" nơi đất khách.

Những gương mặt tiêu biểu phải kể đến là GS Nguyễn Tiến Dũng (người được Ủy ban Quốc gia Đại học của Pháp công nhận và phong giáo sư hạng đặc biệt), GS Lê Tự Quốc Thắng (người góp phần mở ra hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều cùng hai nhà Toán học người Nhật), GS Phạm Hữu Tiệp (người có gần 100 công trình khoa học đăng ở các tạp chí lớn chuyên ngành trên thế giới) và GS Vũ Kim Tuấn (chuyên gia hàng đầu về biến đổi tích phân, các hàm đặc biệt và giải tích số).

Thành danh ở nước ngoài

Năm 1985, Nguyễn Tiến Dũng trở thành thí sinh Việt Nam trẻ nhất giành huy chương vàng IMO, khi chưa tròn 15 tuổi. Thành tích này khiến ông được đặc cách tốt nghiệp THPT.

Thành công sớm đã tạo động lực giúp ông tiếp tục chinh phục chân trời kiến thức mới. Năm 1986, theo chân nhiều đàn anh, ông sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov - một trong những trường hàng đầu thế giới khi đó. Năm 1991, ông tốt nghiệp với tấm bằng đỏ. 

Sau khi tốt nghiệp, ông nhận được nhiều lời mời tham dự những sự kiện Toán học uy tín và học bổng.

Rời xứ sở bạch dương, người đàn ông này chọn Pháp để tiếp tục ươm mầm ước mơ. Năm 2001, ông bảo vệ tiến sĩ khoa học và được nhận làm giáo sư tại Đại học Tổng hợp Toulouse (Pháp). 

Theo BBC, sau nhiều nỗ lực, năm 2015, ông được Ủy ban Quốc gia Đại học (CNU) của Pháp công nhận và phong giáo sư hạng đặc biệt. 

Với uy tín của mình, nhiều hội đồng xét phong giáo sư tại Pháp, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) đã mời ông làm thành viên.

GS Nguyễn Tiến Dũng từng giữ các chức vụ phó giám đốc và giám đốc của Phân viện Toán Cơ bản cũng như phụ trách chương trình cao học toán cơ bản tại Đại học Toulouse trong một số năm.

Ông có hơn 40 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp trí quốc tế có uy tín cao như Annals of Mathematics, Annles de l’Ecole Normale Supérieure, Journal de Mathématiques Pures et Appliquées, Advances in Mathematics, Journal of Differential Geometry...

Toán học rất đỗi con người

Mở đầu cuộc nói chuyện về chủ đề Toán học, ích gì? trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 5 năm hoạt động của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2015, giáo sư Hà Huy Khoái dùng những câu thơ trong bài Ích gì của Chế Lan Viên để ví von:

Giống nàng Tiên, ông Bụt hiện trong mơ... / Mà chả cần ai giết / Chỉ thôi yêu là nó chết.

Theo ông, Toán học cũng trừu tượng như nàng Tiên hay ông Bụt, nó ra đời dựa trên những thứ không có thực.

Tuy nhiên, những thứ trừu tượng đó lại tạo ra con người văn minh như ngày nay.

Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã nổi tiếng khi hai lần đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học của Đại học Tổng hợp Lomonosov. Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, ông bảo vệ tiến sĩ chuyên ngành Toán hình học Topo dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Sergei Novikov, một trong những nhà Toán học nổi danh nhất Liên Xô thời đó, người có yêu cầu rất cao và cũng rất khắt khe khi chọn học trò.

Năm 1995, Lê Tự Quốc Thắng gây tiếng vang lớn trên trường Toán học quốc tế khi cùng hai nhà khoa học người Nhật Bản phát minh ra bất biến lượng tử mang tên Le - Murakami - Ohtsuki, mở ra hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều.

Những công trình nghiên cứu của ông đều xuất hiện trên các tạp chí quốc tế lớn như Inventiones Mathematicae, Uspekhi Mat. Nauk Adv. Math.

Sau khi công tác tại nhiều cơ quan khác nhau như Viện Toán học Steklov (Nga), Viện Toán học Max - Planck (Đức), Viện Vật lý Lý thuyết Trieste (Italy), Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học New York (Mỹ), hiện tại, người đàn ông này dừng chân tại Viện Công nghệ Georgia (một trong 5 trường kỹ thuật mạnh nhất nước Mỹ).

Bên cạnh đó, GS Lê Tự Quốc Thắng cũng được công nhận là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Topo vi phân, đa tạp 3 chiều, lý thuyết nút và quasicrystal.

Một "cao thủ" khác nổi tiếng ở nước ngoài là GS Đàm Thanh Sơn. Năm 1984, Đàm Thanh Sơn cùng 5 thí sinh khác lên đường sang Tiệp Khắc tham dự IMO. Chàng trai 15 tuổi khi ấy đã làm rạng danh hai chữ “Việt Nam” khi đứng nhất toàn đoàn với số điểm tuyệt đối 42/42.

Khác với đa số lớp anh chị IMO trước đó, Đàm Thanh Sơn giỏi Toán không phải bởi yêu Toán. Ông muốn trở thành một nhà Vật lý lý thuyết lỗi lạc như người chú ruột Đàm Trung Đồn. Ông quan niệm muốn như vậy, phải học Toán thật giỏi.

Biết rõ mơ ước này, đích thân GS Tạ Quang Bửu khi ấy là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã gửi ông sang Đại học Tổng hợp Lomonosov. Ở tuổi 25, ông nhận bằng tiến sĩ Vật lý.

Có lẽ, sự nghiệp của ông đã gắn liền nước Nga nếu quốc gia này không gặp khủng hoảng vào thời kỳ đó. Vì yêu mến tài năng của Đàm Thanh Sơn, người hướng dẫn ông, GS Valery Rubakov (khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moscow), khuyên ông nên sang Mỹ để phát triển.

Tại Mỹ, đầu năm 2005, Đàm Thanh Sơn cùng hai nhà Vật lý khác công bố công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều trên Physical Review Letters, một trong những tạp chí Vật lý hàng đầu thế giới. Khám phá này gây tiếng vang lớn trong giới học giả. Nhiều tạp chí khoa học uy tín như New ScientistPhysics Today đều hết lời ca ngợi.

Với nhiều cống hiến quan trọng, ông từng nhận giải thưởng Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc của Cơ quan Năng lượng Mỹ. Trải qua vị trí giáo sư tại nhiều trường đại học danh giá ở Mỹ, tháng 9/2012, Đàm Thanh Sơn trở thành giáo sư của Đại học Chicago. Hai năm sau, ông được bầu là viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Ông là thí sinh IMO duy nhất của đoàn Việt Nam trở thành một trong những nhà Vật lý hàng đầu thế giới.

Theo thống kê sơ bộ, người Việt ở nước ngoài làm Toán chuyên nghiệp có hơn 100 người. Tuy đây chỉ là con số rất nhỏ, nó đang ngày càng tăng lên.

Thuộc thế hệ trẻ giành huy chương tại IMO, Lê Hùng Việt Bảo, 31 tuổi, cũng đang khẳng định vị thế của mình. Sau khi mang về hai giải vàng liên tiếp cho đoàn Việt Nam tại IMO năm 2003 và năm 2004, Việt Bảo cũng chọn du học để phát triển sau khi được tuyển thẳng vào Khoa Toán của Đại học Tổng hợp.

Năm 2008, Việt Bảo tốt nghiệp ngành Toán tại Đại học Cambridge, một trong những trường hàng đầu tại xứ sở sương mù. Chưa chịu bằng lòng với kết quả này, anh tiếp tục chinh phục học vị tiến sĩ tại Đại học Harvard, Mỹ, dưới sự hướng dẫn của nhà Toán học nổi tiếng của Mỹ - GS Richard Taylor.

Hiện tại, anh là trợ giảng tại Đại học Chicago, ngôi trường mà GS Ngô Bảo Châu đang công tác. 31 tuổi và thành tích ấn tượng, tương lai của Việt Bảo đang rộng mở, để tiếp bước cha anh.

Nhan tai Toan hoc Viet Nam anh 2
PGS Phan Thị Hà Dương đã từ bỏ công việc nhiều người mơ ước tại Đại học Paris 7 (Pháp) để về đầu quân cho Viện Toán học Việt Nam.

Từ bỏ danh vọng, trở về phát triển đất nước

Năm 1974, Việt Nam lần đầu tham dự Olympic Toán Quốc tế (IMO). Từ đó đến nay, nước ta đã 41 lần tham dự đấu trường này và giành tổng cộng 59 huy chương vàng, 102 huy chương bạc, 70 huy chương đồng và một bằng khen danh dự.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn, thí sinh đạt thành tích cao nhất tại IMO 2017 của đoàn Việt Nam chia sẻ ngoài GS Ngô Bảo Châu, em cũng rất hâm mộ TS Lê Bá Khánh Trình, người duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán quốc tế và được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam".

Tại IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình đã dùng kiến thức lớp 9 để đưa ra lời giải bài toán hình học ngắn hơn đáp án của ban tổ chức và đạt số điểm 40/40, đứng nhất toàn đoàn.

TS Trình được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ của Đại học Tổng hợp Lomonosov. Dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (người từng giữ chức Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga), ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở về Việt Nam.

Sau đó, người đàn ông này chọn làm giảng viên khoa Toán - Tin của Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. TS Trình từng nói: "Nghề giáo với tôi có lẽ là duyên nợ, là nghề chọn mình".

Từ đó đến nay, ông nhiều lần là trưởng đoàn, phó đoàn đưa đội tuyển Việt Nam dự thi IMO.

Trên thực tế, một số ít thí sinh IMO của đoàn Việt Nam sau khi ra nước ngoài học tập và nghiên cứu đã chọn con đường quay trở về để cống hiến cho đất nước.

Ngoài TS Trình, tấm gương tiêu biểu còn có TS Hoàng Lê Minh, người mang về giải vàng đầu tiên trong năm đầu tiên Việt Nam tham dự IMO năm 1974. Khi đó, ông là học sinh lớp 10, khối chuyên Toán A0 của Đại học Tổng hợp.

Trong kỳ thi này, thí sinh Hoàng Lê Minh đạt 38/40 điểm, xếp thứ 9 toàn đoàn. Sau đó, ông sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov, làm nghiên cứu sinh và tham gia công tác với nhiều viện nghiên cứu nổi tiếng. Trong thời gian ở Liên Xô, ông đạt được nhiều thành tích. Đến năm 1991, tiến sĩ và gia đình quyết định về Việt Nam công tác. 

Cũng giống TS Hoàng Lê Minh, PGS Phan Thị Hà Dương (một trong số ít nữ sinh tham gia IMO và giành huy chương đồng về cho Việt Nam) có sự nghiệp rộng mở tại Pháp trước khi trở về.

Năm 1999, luận văn tiến sĩ của phụ nữ này được hội đồng chấm luận án của Đại học Paris 7 xếp loại xuất sắc. Cùng năm, bà trở thành phó giáo sư khoa Tin học của trường, sau khi vượt qua hơn 100 người ứng tuyển dày kinh nghiệm để đứng vị trí thứ nhất.

Tháng 8/2005, bà từ bỏ vị trí bao người mơ ước để về đầu quân cho Viện Toán học Việt Nam.

Dù ở nước ngoài hay trở về quê hương, những nhân tài Toán học đều góp phần mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, khi đạt thành tích cao ở sân chơi Olympic quốc tế. Thành công của họ nơi đất khách đã góp phần vẽ nên "bức tranh Toán học" nước nhà, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc ở khắp 5 châu.  

Đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic Vật lý về đến sân bay Nội Bài Tối muộn 24/7, 5 học sinh dự thi Olympic Vật lý tại Indonesia đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Năm nay, cả 5 em đều đoạt huy chương, trong đó có 4 huy chương vàng.

Một số "cao thủ" tuy không xuất thân từ IMO cũng góp phần tạo nên thương hiệu Toán Việt nơi đất khách, trong đó có GS Vũ Hà Văn. Ông từng nhận nhiều giải thưởng Toán học quốc tế như NSF Career năm 2003, Polya năm 2008 và Fulkerson năm 2012.

Hiện tại, ông là giáo sư Toán học ở Đại học Yale, một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ, thuộc hệ thống Ivy League.

8 người Việt xuất sắc giành hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế

Qua 41 lần tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), đội tuyển Việt Nam giành 59 huy chương vàng, trong đó 8 người giành hai huy chương vàng liên tiếp và 9 người đạt điểm tuyệt đối.

Những người đầu tiên thi Olympic Toán quốc tế năm 1974 giờ ra sao?

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa kể những người đầu tiên tham dự Olympic Toán quốc tế trong bối cảnh đất nước chưa thống nhất, còn nhiều khó khăn, nhưng tình yêu với Toán học luôn sâu đậm.


Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm