Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên lái tàu Cát Linh - Hà Đông: 'Tôi chờ 5 năm để được đi làm'

Trong nhiều năm chờ đợi tuyến metro đi vào hoạt động, một số nhân viên phải làm thêm công việc bên ngoài để có thể bám trụ với nghề. Không ít người bỏ cuộc, tìm kiếm hướng đi khác.

Từ 5h, Nguyễn Tùng (29 tuổi) đã có mặt tại ga Cát Linh (quận Đống Đa) trong bộ đồng phục vest chỉnh tề, chuẩn bị cho ca làm việc buổi sáng kéo dài 8 tiếng.

Trong vòng 15 ngày vận hành đầu tiên của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tùng sẽ phụ trách giám sát an toàn trên tàu. Sau đó, anh sẽ trở về vị trí nhân viên lái tàu theo đúng nghiệp vụ được đào tạo.

nhan vien lai tau Cat Linh - Ha Dong anh 1

Nguyễn Tùng hỗ trợ giám sát an toàn trên tàu trong 15 ngày vận hành đầu tiên.

Chia sẻ với Zing, Nguyễn Tùng cho biết anh và đồng nghiệp rất vui mừng khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

“Chúng tôi chờ đợi điều này quá lâu rồi. Ai nấy cũng phấn khởi khi tàu lăn bánh và mọi người chính thức được đi làm”, anh nói.

Chờ đợi

Nguyễn Tùng nằm trong số những học viên lái tàu metro được đào tạo từ năm 2016. Thay vì sang Trung Quốc như khóa học viên năm 2014, nhóm anh được hướng dẫn tại Việt Nam bởi chuyên gia Bắc Kinh.

Tùng thừa nhận kiên nhẫn chờ suốt 5 năm qua không phải điều dễ dàng. Do dự án chậm đi vào hoạt động chính thức, các học viên vẫn chưa thể đi làm và không có thu nhập trong thời gian dài.

Đến năm 2018, ngoài học phí và tiền ăn, họ mới được trợ cấp thêm lương, nhưng cũng không liên tục.

“Có lẽ vì đam mê, mọi người mới kiên nhẫn như vậy. Có những người theo đuổi tới năm thứ 7 rồi. Đây là nghề nghiệp hoàn toàn mới, hứa hẹn sẽ đem lại trải nghiệm và môi trường làm việc khác biệt nên họ rất mong chờ. Hơn nữa, công việc này khá ổn định”, Tùng chia sẻ.

nhan vien lai tau Cat Linh - Ha Dong anh 2

Duy Tùng hướng dẫn hành khách cao tuổi lối xuống ga.

Khi hay tin đường sắt trên cao chính thức đi vào hoạt động, Duy Tùng (26 tuổi), học viên thuộc khóa đào tạo lái tàu năm 2016, tưởng chừng “có thể khóc cả đêm vì hạnh phúc”.

“Không chỉ riêng người dân, mà chúng tôi từng liên tục trải qua sự hụt hẫng. Vào ngày nhận tin tàu được vận hành, tôi còn tự nhủ chưa vội mừng, sợ có sự thay đổi đột ngột”, anh kể lại.

Tương tự Nguyễn Tùng, hiện Duy Tùng tạm thời làm giám sát viên an toàn tại sân ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) trong vòng 15 ngày vận hành đầu tiên.

Công việc của anh là đảm bảo các hành khách lên và xuống tàu an toàn, đồng thời hướng dẫn họ cách sử dụng dịch vụ đường sắt.

Trước đó, trong thời gian chờ tàu lăn bánh, anh vừa học, vừa làm thêm một số công việc khác như nhân viên văn phòng, cộng tác viên truyền thông cho một salon tóc để có thể tiếp tục bám trụ với nghề. Anh khẳng định nếu không vì đam mê, anh khó có thể theo đuổi nghề cho đến ngày hôm nay.

“Tôi còn trẻ, có nhiều cơ hội nhưng lại chọn dồn hết tâm huyết vào công việc này suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, tôi không hối tiếc”, anh chia sẻ.

Hỗ trợ làm giám sát viên an toàn

Chia sẻ với Zing, anh Hùng (35 tuổi), nhân viên lái tàu, rất phấn khởi khi nghe tin tuyến metro đi vào hoạt động. Trước đây, anh là nhân viên lái tàu đường sắt quốc gia.

Trong những ngày tạm thời làm giám sát viên, anh thường đi dọc tàu, cẩn thận nhắc nhở hành khách hạn chế di chuyển khi tàu đang chạy và thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn ở thời điểm dịch bệnh phức tạp.

Từ chiều 8/11, ban quản lý đã triển khai dán giấy ngăn cách trên từng băng ghế, yêu cầu hành khách không ngồi vào vị trí được quy định.

Anh cho biết thời gian tới, đặc biệt các ngày cuối tuần và lễ tết, công ty sẽ giới hạn tối đa 100-150 người mỗi lượt tàu nhằm tránh tình trạng đông đúc như 2 ngày đầu tiên khai trương.

nhan vien lai tau Cat Linh - Ha Dong anh 7

Anh Hùng thường đi dọc tàu để kiểm tra an toàn và nhắc nhở hành khách khi cần thiết.

Trong 5 ngày đi làm đầu tiên, Hùng cho biết anh ít gặp hành khách hành xử quá thiếu văn minh khi đi tàu Cát Linh - Hà Đông.

“Đây là lần đầu tiên mọi người tiếp cận loại hình giao thông này, song cũng chỉ xảy ra vài trường hợp cần sự can thiệp của giám sát viên”, anh nói.

“Chẳng hạn, vào ngày đầu khai trương, một số hành khách sợ mất chỗ ngồi trong lượt về nên không chịu xuống tàu. Tôi phải giải thích rất lâu, hành khách mới hiểu rằng muốn quay về ga Cát Linh, họ phải xuống tàu, lấy vé mới và sang sân ga đối diện”, anh kể lại.

nhan vien lai tau Cat Linh - Ha Dong anh 8

Sau 15 ngày, một số giám sát viên tạm thời sẽ trở lại vị trí nhân viên lái tàu.

Duy Tùng cũng gặp phải một số hành khách tương tự. Ngoài ra, anh cho biết nhiều người mải quay phim, chụp ảnh nên không để ý vạch kẻ vàng an toàn ở sân ga chờ tàu, khiến các nhân viên nhắc nhở liên tục.

Tuy nhiên, anh tin rằng tình trạng này sẽ sớm kết thúc sau khi mọi người đã quen với việc đi lại bằng tàu trên cao.

“Theo tôi quan sát, phần lớn hành khách yêu thích sự tiện lợi, an toàn và nhanh chóng của tàu điện. Nhiều người nói rằng họ sẽ sớm mua vé tháng để sử dụng phương tiện này đi học, đi làm. Dần dần, tàu trên cao sẽ trở thành loại hình giao thông quen thuộc với mọi người”, anh nói.

Dân công sở đi làm bằng tàu để tiết kiệm xăng, tránh tắc đường

Trường (21 tuổi), nhà cách nơi làm việc gần 10 km, lựa chọn đi tàu Cát Linh - Hà Đông để tiết kiệm tiền xăng, ít nhất trong hơn 12 ngày tiếp theo.

Hồng Chang - Phạm Thắng

Bạn có thể quan tâm