James Clarke, Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ và tiếp thị kỹ thuật số Clearlink (trụ sở tại Utah, Mỹ), gây tranh cãi khi thúc ép nhân viên trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian, theo VICE.
Quyết định trở lại văn phòng của vị giám đốc đã gây bất ngờ cho nhiều nhân viên, vì chính Clarke từng nói qua email vào cuối tháng 10/2022 rằng "không có kế hoạch" bắt buộc làm việc tại văn phòng, một số nhân viên cũng được thông báo khi tuyển dụng rằng công ty "ưu tiên làm từ xa".
Nhưng trong tháng 4, Clearlink thông báo với nhân viên rằng "hoàn cảnh đã thay đổi". Giống như nhiều doanh nghiệp khác, công ty đã phải vật lộn để thích ứng với nền kinh tế đang phát triển và gần đây trải qua một đợt sa thải.
Vị CEO nhận được dữ liệu cho thấy nhiều nhân viên làm từ xa không hề mở laptop suốt một tháng. Ảnh minh họa: ken_tomita/Pexels. |
Nhân viên làm từ xa "âm thầm nghỉ việc"
Trong một cuộc họp trực tuyến để giải thích lý do đằng sau những thay đổi, Clarke tiết lộ rằng ông đã phát hiện khoảng 30 nhân viên không mở máy tính xách tay của họ trong một tháng, gọi đây là hành động trắng trợn của những người "âm thầm bỏ việc" (quiet quitter).
"Chỉ trong một tháng, tôi đã nhận được dữ liệu rằng khoảng 30 người trong số các bạn thậm chí không mở khóa máy tính xách tay. Tất cả họ đều là nhân viên làm việc từ xa, bao gồm cả người quản lý", ông nói trong video.
James Clarke, CEO của Clearlink, yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng. |
Vị giám đốc còn thắc mắc liệu một số nhân viên từ xa có đang bí mật làm nhiều công việc cùng lúc không. Ông đồng thời yêu cầu công ty tăng năng suất lên "gấp 30 đến 50 lần sản lượng bình thường" do những tiến bộ gần đây của trí tuệ nhân tạo.
Trong cuộc họp, Clarke đề cập đến một nhân viên đặc biệt, người đã quyết định bán đi con chó cưng để có thể toàn tâm trở lại văn phòng. Ông nói rằng hành động đó đã khiến mình "xúc động".
Để tái khởi động công ty, Clarke đã gửi một email cho toàn nhân viên vào ngày 3/4, nói rằng những người sống trong phạm vi 80 km quanh trụ sở mới ở Draper, Utah, sẽ phải đến văn phòng 4 ngày/tuần, với một số ngoại lệ hạn chế.
Vị giám đốc cho biết quyết định này được đưa ra để cải thiện hoạt động của công ty trong một môi trường "đầy thách thức".
Vị CEO cho biết đã thấy "sự hợp tác, năng suất và trách nhiệm" được cải thiện giữa những người trở lại văn phòng, và vì đất nước đã "thoát khỏi đại dịch" nên ông tin đã đến lúc phải thay đổi.
Trong một tài liệu của công ty giải thích thêm về quyết định này, Clearlink cho biết đây là "quyết định vĩnh viễn", "không phải tùy chọn" và sẽ không được xem xét lại "trừ khi có nhu cầu cụ thể cho doanh nghiệp".
Công ty cũng lưu ý rằng nhiệm vụ tới văn phòng này sẽ chỉ áp dụng cho 35% lực lượng lao động (khoảng 275 người) sống trong bán kính 80 km của trụ sở công ty (được xác định bởi thông tin trong hồ sơ của nhân viên).
Đại diện doanh nghiệp nói thêm rằng các nhân viên không thể thoát khỏi nhiệm vụ bằng cách chuyển chỗ ở ra ngoài bán kính quy định, vì điều đó sẽ "phản tác dụng với mục đích của quyết định này". Trừ một số ngoại lệ, nhân viên từ chối đến văn phòng sẽ chịu các hình thức xử lý.
Cân nhắc khó khăn
Ngày 26/10/2022, Clarke đã nói qua email rằng "không có kế hoạch yêu cầu bất kỳ ai làm việc trong văn phòng Draper mới hoặc văn phòng St. Pete", thậm chí in đậm các từ để nhấn mạnh.
Nhưng trong cuộc họp video mới nhất, ông thừa nhận có lẽ đã ngây thơ khi hy vọng rằng dù sao thì mọi người cũng sẽ đến văn phòng. "Tôi nghĩ tất cả các bạn sẽ muốn ở trong văn phòng đẳng cấp thế giới này mỗi ngày. Than ôi, điều đó đã không xảy ra".
Nhiều công ty kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng trước áp lực kinh doanh trong tình hình mới. Ảnh minh họa: peter_olexa/Pexels. |
Khi kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng, Clarke cũng tập trung vào những lo ngại rằng điều này sẽ gây tác hại không đáng có cho những nhân viên vừa đi làm, vừa phải chăm sóc con cái. Họ có thể phải trả thêm chi phí cho các dịch vụ chăm sóc trẻ bên ngoài.
Ông cũng lo ngại các bà mẹ đơn thân đang đi làm có thể không đáp ứng được kỳ vọng của công ty, trong khi tiếp tục chăm sóc con cái. Theo ông, dù họ có thể làm được, điều đó sẽ tạo cho bà mẹ đang đi làm nhiều căng thẳng không đáng có - thứ gánh nặng mà ông không muốn đặt lên vai bất kỳ ai.
Theo Clarke, một nhân viên vừa đi làm toàn thời gian, vừa là người chăm sóc chính cho con là "không công bằng với cả ông chủ lẫn đứa con của họ".
Người phát ngôn của Clearlink, Layne Watson, từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về quyết định trên, chỉ nói rằng đó là vấn đề "kinh doanh nội bộ của Clearlink" và nhiệm vụ quay trở lại văn phòng sẽ giúp công ty đạt được "mục tiêu chung".
"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của tất cả thành viên tận tụy trong nhóm của mình, bao gồm những người làm việc tại văn phòng và những người sẽ tiếp tục làm việc từ xa, khi chúng ta cùng nhau hoàn thành công việc một cách tốt nhất", Watson nói thêm.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.