Nhiều nhân sự không còn đặt niềm tin vào sự ổn định của tổ chức. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Hàng loạt xu hướng ở công ty đã diễn ra trong năm qua, từ nghỉ việc thầm lặng (quiet quitting), đại từ chức (great resignation), cho đến âm thầm sa thải (quiet cutting). Và giờ đây, chốn công sở có thêm "sự phản bội vĩ đại" (great betrayal), theo WorkLife.
Trong năm 2023, thuật ngữ này đã xuất hiện ít nhiều trên các trang web được dân văn phòng thường lui tới, như LinkedIn, FastCompany hay Mission.
"Sự phản bội vĩ đại" dùng để mô tả một nhân viên nhận ra rằng sự ổn định và lòng trung thành ở nơi làm việc chỉ là hư ảo. Họ sẽ có lợi hơn nếu họ đặt cược vào chính bản thân và cho nhiều bên "thuê" kỹ năng làm việc của mình.
Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều người lao động muốn làm việc độc lập, thay vì phụ thuộc và phải cống hiến cho một công ty duy nhất, để rồi bị sa thải vào một lúc nào đó.
Sự "phản bội" trở nên phổ biến
Raphael Ouzan, Giám đốc điều hành của công ty kết nối nhân sự A.Team (Mỹ), mô tả xu hướng "phản bội vĩ đại" là sự gia tăng số lượng người lao động lựa chọn làm việc tự do, thay vì làm việc toàn thời gian ở một công ty.
Những đợt sa thải trong năm nay đã phá vỡ ảo tưởng của nhân sự về sự ổn định lâu dài và những lời hứa doanh nghiệp từng dành cho họ.
Ouzan chỉ ra rằng làn sóng cắt giảm việc làm xảy ra chỉ vài năm sau khi các công ty đạt được lợi nhuận kỷ lục.
“Việc sa thải thường không liên quan gì đến hiệu suất công việc. Người lao động đã mất niềm tin vào tính ổn định và sự bảo đảm của công việc toàn thời gian”, ông khẳng định.
Nhiều nhân sự chuyển sang làm việc độc lập thay vì phụ thuộc vào một công ty duy nhất như trước. Ảnh minh họa: @vanessa_garcia/Pexels. |
Eric Mochnacz, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn nhân sự Red Clover (Mỹ), cho rằng niềm tin giữa doanh nghiệp và nhân viên đang ngày càng bị xói mòn.
"Ví dụ, một ứng viên được tuyển dụng vào công ty mà người này tin rằng đang phát triển và mở rộng, nhưng lại bị sa thải chỉ một tháng sau đó. Đó chẳng phải là một cú tát vào mặt ứng viên đó khi trót tin tưởng vào doanh nghiệp?", ông nói.
Bên cạnh đó, việc nhiều người lao động đăng bài về trải nghiệm bị sa thải đột ngột trên các nền tảng như Glassdoor, LinkedIn khiến những người khác bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu công ty của họ có trung thành với nhân viên. Ai cũng lo lắng, không biết khi nào đến lượt mình bị sa thải.
Ouzan lưu ý rằng người lao động ngày càng đòi hỏi sự linh hoạt, cũng như ý nghĩa và mục đích lớn hơn trong công việc. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng hơn 1/3 sự tăng trưởng trong lực lượng lao động kể từ năm 2020 đến từ việc tự làm chủ, dự kiến hơn 1/2 lực lượng lao động sẽ trở thành độc lập vào năm 2027.
Níu giữ niềm tin của nhân viên
Mochnacz tin rằng nếu ban quản lý nhân sự làm việc hiệu quả, họ hoàn toàn có thể cảm nhận được những thay đổi của nhân viên. Điều này thể hiện rõ nhất qua cách nhân sự tiếp cận với công việc.
"Nếu một người thường xuyên tham gia và đóng góp cho các cuộc họp bỗng đột nhiên im lặng, điều đó có thể do họ không còn tin tưởng vào công ty, hoặc cảnh giác với các ý định của doanh nghiệp”, ông nói thêm.
Ouzan đã chỉ ra 3 yếu tố chính thúc đẩy mọi người làm việc độc lập, bao gồm: tính linh hoạt, công việc có ý nghĩa và lợi ích tài chính.
A.Team đã thăm dò ý kiến của hơn 500 nhân viên làm việc độc lập có trong mạng lưới và nhận thấy rằng khoảng 74% cảm thấy hài lòng hơn khi được làm việc cho chính mình so với làm việc toàn thời gian cho công ty.
Các doanh nghiệp cần tìm cách níu giữ niềm tin của nhân viên, hiệu quả nhất là hãy thẳng thắn với họ. Ảnh minh họa: @anna_tarazevich/Pexels. |
Mochnacz đề xuất rằng khi công ty đang trải qua sự thay đổi hoặc đối mặt với sự nghi ngờ từ nhân sự, họ nên kiểm soát câu chuyện bằng cách thẳng thắn.
"Nếu triển vọng của doanh nghiệp có vẻ tốt, hãy truyền đạt điều đó đến các cấp dưới của bạn. Cách này giúp họ cảm thấy tự tin vào tương lai của mình với công ty”, ông nói.
Angelique Bellmer Krembs, Giám đốc tiếp thị tại A.Team, nhắc lại câu nói khá phổ biến "Nhân viên không rời công ty, họ rời bỏ người quản lý".
Điều này ngụ ý rằng các công ty nên đầu tư vào đào tạo quản lý, cũng như ưu tiên các nguyên tắc của văn hóa làm việc để đảm bảo hầu hết nhân viên có được trải nghiệm như mong đợi.
Cô nhấn mạnh rằng lãnh đạo công ty cũng nên đảm bảo các nguyên tắc văn hóa được duy trì ở mọi cấp độ nhân sự, bao gồm họ.
“Khi cấp quản lý củng cố hình mẫu từ trên xuống, nhân viên có thể bắt đầu tin tưởng doanh nghiệp một lần nữa”, Krembs chia sẻ.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.