Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập viện sau khi dùng thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc

Theo quảng cáo trên mạng xã hội, các loại thuốc này có thể kiểm soát đường huyết nhanh nhưng thực tế chúng lại khiến cơ thể suy kiệt.

Vừa qua, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (58 tuổi, trú tại Kiến Thụy, Hải Phòng) trong tình trạng đường huyết và huyếp áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm.

Trước đó gần một tháng, người nhà bệnh nhân cho biết bà T. tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ và dùng thuốc nam viên sủi không rõ nguồn gốc. Loại thuốc này được quảng cáo trên mạng xã hội với giá gần 3 triệu đồng/liệu trình. Đơn vị cung cấp thuốc thậm chí cam kết sản phẩm này có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, đồng thời đường huyết vẫn tăng. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy cơ thể và mặt phù nặng, khó thở về đêm và sáng sớm. Khi tình trạng này có biểu hiện tăng dần, bệnh nhân được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

tieu duong khoi duoc khong anh 1

Việc mua và sử dụng các loại thuốc trên mạng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Ảnh minh họa: Impact Ethics.

Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu và ghi nhận chỉ số đường huyết là 17,6 mmol/L, huyết áp 190/110 mmHg. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi 2 bên.

Đáng chú ý, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. Điển hình là bệnh nhân nữ, 68 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, có triệu chứng tương tự do dùng một loại thuốc trị đái tháo đường dạng sủi.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 64 tuổi, mắc đái tháo đường 3 năm, tăng huyết áp 2 năm. Ông tự ý bỏ thuốc do bác sĩ chỉ định và chuyển sang dùng loại thuốc dạng thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng.

Sau khoảng 20 ngày dùng thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu phù toàn thân, khó thở, hoa mắt, chóng mặt và đau tức ngực. Khi nhập viện, bệnh nhân này đã trong tình trạng suy hô hấp, tràn dịch đa màng (màng tim, phổi, bụng), khiến quá trình cấp cứu hồi sức gặp nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Công Bình, khoa Cấp cứu, thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm, Bệnh viện Nội tiết Trung ương ghi nhận liên tiếp các bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp. Điểm chung của các bệnh nhân này là tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội không chính thức. Nhiều bệnh nhân khi được đưa vào cấp cứu trong tình trạng rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng.

Bác sĩ Bình cho biết những bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc khi vào cấp cứu thường rơi vào tình trạng nguy kịch với các biểu hiện như suy thận, gan, biến chứng tim mạch, khả năng tử vong cao. Trong quá trình điều trị, kíp trực thường phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải. Đặc biệt, một số trường hợp phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng, đe dọa tính mạng.

Theo các bác sĩ, bệnh đái tháo đường hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh nhân đôi khi quá lo lắng, đồng thời, một số cơ sở hứa hẹn việc dùng các loại thuốc khác nhau có thể chữa khỏi bệnh khiến nhiều người tin tưởng và làm theo. Do đó, người bệnh cần tỉnh táo và trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn và cho lời khuyên phù hợp, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.

Người đàn ông bị sốc phản vệ do tự ý uống thuốc chữa viêm họng

Người đàn ông ở Tuyên Quang bị ho, rát họng nên tự lấy thuốc của vợ để uống. Sau vài phút, bệnh nhân thấy đau bụng, buồn nôn, tức ngực.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm