Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập viện sau khi tự nặn mụn ở mũi

Thấy trên mũi xuất hiện một nốt mụn và ngứa, người đàn ông lấy tay nặn. Ba ngày sau, vị trí đó sưng phù, mụn mủ căng nhiều, đau nhức.

Bác sĩ điều trị viêm áp xe vùng mũi, hoại tử sụn mũi cho bệnh nhân. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Các bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai 2 cho biết bệnh nhân là ông L.V.T., 40 tuổi, ngụ Đồng Nai.

Trước khi nhập viện khoảng một tuần, ông T. thấy trên mũi có một nốt mụn kèm ngứa nên lấy tay nặn và mua thuốc uống. Sau 3 ngày uống thuốc không đỡ, người bệnh thấy mặt có dấu hiệu sưng phù, mụn mủ căng nhiều và nhức, lan toàn bộ mũi và vùng mặt phải.

Người đàn ông đến cơ sở y tế gần nhà điều trị 3 ngày tiếp theo, tuy nhiên, tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại, mặt và mí mắt sưng nhiều hơn. Lo lắng cho khuôn mặt của mình, ông T. đã đến phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đồng Nai 2 thăm khám.

Tại đây, bác sĩ thấy bệnh nhân bị tổn thương nặng vùng mũi má, tháp mũi bị viêm loét, có 3 lỗ rò mủ, da tháp mũi và xung quanh bầm tím, sưng căng vùng mũi má bên phải và mí mắt. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông T. bị viêm áp xe tháp mũi lan vùng mũi má, hoại tử sụn, viêm mô tế bào vùng mặt.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đăng Lộng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho biết để điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ đã rạch dẫn lưu mủ, rửa ổ mủ, lượng mủ lấy ra khoảng 5 ml/ngày, vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày. Song song với dẫn lưu, làm sạch vết thương, bệnh nhân được điều trị kháng sinh kết hợp liều cao.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu điều trị, tình trạng của bệnh nhân không tiến triển, xuất hiện kháng kháng sinh, bác sĩ phải đổi thuốc và cho cấy mủ làm kháng sinh đồ.

Kết quả, bệnh nhân bị vi khuẩn tụ cầu gây áp xe kháng nhiều loại thuốc. Sau khi đánh giá lại và sử dụng phác đồ kháng sinh phù hợp, bệnh nhân T. đã có tiến triển tốt.

Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh thuyên giảm, hết mủ, hết sưng viêm vùng mặt, vùng da tổn thương tháp mũi đã hồng hào trở lại và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

“Ngoài ông T., bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân tự nặn mụn dẫn đến bị viêm áp xe mũi. Trong đó, một bệnh nhân bị nhọt tiền đình mũi, gây áp xe cánh mũi trái, bệnh nhân còn lại bị áp xe cánh mũi phải và áp xe vách ngăn mũi”, bác sĩ Lộng nói.

Bác sĩ Lộng cho hay nhiều người bệnh còn quá chủ quan, nặn mụn không đúng cách và uống thuốc không theo toa của bác sĩ, điều này dẫn đến khối áp xe lan toả khá phức tạp. Bác sĩ Lộng khuyến cáo người dân không tự nặn mụn nếu thấy mụn có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và đau, đặc biệt là vùng giữa mặt, vùng mũi.

Nếu mọi người tự nặn mụn khi mụn chưa gom (chưa già) cùng với bàn tay không sạch, sẽ đối diện nguy cơ nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng nhẹ có thể viêm, áp xe tại chỗ, trường hợp nặng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang trong não, dẫn đến hôn mê và nguy hiểm tính mạng.

Trẻ con đứa nào chẳng ốm

Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…

Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc.

Công trình ở TP.HCM có nguy cơ thành ổ dịch sốt xuất huyết

Công trình xây dựng với nhiều bồn chứa, thùng, hố rãnh… là môi trường lý tưởng cho lăng quăng - ấu trùng của muỗi phát triển. 

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm