Chia sẻ với báo chí về chủ đề "Rối loạn Stress và gánh nặng", bác sĩ Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị stress - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết mới đây đã tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc rối loạn stress.
Nữ bệnh nhân 38 tuổi vào viện trong tình trạng thường xuyên đau đầu. Cô lấy chồng từ năm 26 tuổi, cuộc sống gia đình ổn định mức trung bình. Sau thời gian lấy nhau, vợ chồng bệnh nhân đã quyết định xây nhà và phải vay mượn thêm khoảng 1/4 số tiền.
Trong quá trình xây nhà, chồng bệnh nhân thường đi làm xa ít về nên gần như không giúp đỡ vợ. Điều này khiến cho bệnh nhân phải lo nghĩ nhiều việc, dẫn tới xuất hiện biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, chỉ ngủ được 1-2 giờ mỗi đêm.
Bên cạnh đó, khi gặp căng thẳng bệnh nhân thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược. Nhận thấy biểu hiện bất thường, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi.
“Tiền đi khám chữa bệnh nợ nần còn lớn hơn cả số tiền xây nhà. Chính vì thế bệnh nhân lại càng lo nghĩ nhiều hơn. Bệnh nhân đã được điều trị ở nhiều nơi (khoa tim mạch, thần kinh ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương) nhưng các biểu hiện trên không thuyên giảm”, TS Tâm chia sẻ.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn stress dạng cơ thể do quá cầu toàn và lo âu, đặc biệt về chuyện nợ nần.
TS Dương Minh Tâm. Ảnh: HQ. |
Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân 28 tuổi làm nghề lái xe. Bệnh nhân này nhập viện vì lo lắng quá mức về việc đám cưới của mình bao gồm chuyện chi phí cưới, kinh tế sau hôn nhân, sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân còn lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình nên không dám ra ngoài đường. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc stress rối loạn lo âu lan tỏa.
TS Tâm cho biết rối loạn stress hiện nay đang tăng ở Việt Nam và mọi nhóm tuổi đều có nguy cơ mắc. Mỗi ngày, viện tiếp nhận khoảng 200 trường hợp nghi ngờ có rối loạn stress.
“Stress thường xảy ra với những người hay lo lắng suy nghĩ, dễ xúc động, khó làm chủ được bản thân, tính cách cầu toàn, cẩn thận, kỹ tính. Một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn có thể bị bệnh chỉ sau khi căng thẳng nhẹ, bệnh chậm hồi phục”, TS Tâm khuyến cáo.
Stress trong cuộc sống dễ dẫn đến trầm cảm. Đặc biệt, gánh nặng do trầm cảm gây ra rất khủng khiếp. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy khoảng 350 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng trầm cảm với mức chi phí y tế từ 173,2 tỷ USD năm 2005 đến 210,5 tỷ USD năm 2010.
Để phòng stress, TS Tâm cho biết người dân cần xây dựng lối sống lành mạnh, kết hợp làm việc và tập luyện thể thao, giải trí cân bằng trong cuộc sống. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như bồn chồn, lo âu, mất ngủ, căng thẳng, người dân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.