Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhập viện vì ngộ độc thịt chuột

Bệnh viện đa khoa huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân ngụ ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự bị ngộ độc khi ăn món thịt chuột xào măng.

Theo người nhà bệnh nhân, bà Lâm Thị Hoa (sinh năm 1961) cùng con trai và con dâu trước đó ăn cơm chiều cùng với món thịt chuột xào măng tươi. Khoảng 4 tiếng sau, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn và tiêu chảy nhiều lần và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Hồng Ngự. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 3 bệnh nhân đều bị ngộ độc thực phẩm. Do được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, khám và điều trị kịp thời nên các bệnh nhân hiện đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Tại một số địa phương, thịt chuột đồng được người dân sử dụng làm thực phẩm vì thịt chuột đồng ngon và bổ. Nguyên nhân gây ngộ độc nếu có là do chế biến không đảm bảo vệ sinh hoặc bị lây nhiễm các bệnh do chuột truyền sang lúc săn bắt, làm thịt chuột hoặc bị chuột cắn. Ăn thịt chuột nấu chưa chín có thể bị các bệnh giun sán khác như giun xoắn. Nhất là với chuột cống, loại hay chui trong cống rãnh, ăn rất nhiều vi khuẩn và các chất độc hại.

Theo dõi sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc thịt chuột tại Bệnh viện đa khoa huyện Hồng Ngự. Ảnh: Đ.T

Nguy hiểm hơn là có thể tử vong nếu ăn phải thịt chuột dính bả. Khi dính bả sẽ có lượng chất độc vào máu của chúng. Tuy thịt chuột đã chế biến nhưng không loại trừ được hết các chất này. Nhất là loại thuốc có lượng độc chất cao.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; tuyệt đối không ăn thực phẩm “độc” như thịt chuột, ốc sên, côn trùng… tái, sống với bất kỳ lý do gì. Không nên “thử” các loại ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Ðặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.

Ngoài ra, có nhiều loại thực phẩm chứa độc tố khi kết hợp chung với các thực phẩm khác có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vì vậy, mọi người cần thận trọng khi chế biến món ăn để đảm bảo sức khỏe và tránh ngộ độc. Tốt nhất không nên kết hợp thực phẩm lạ với nhau. Những trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng sẽ phản ứng với những thức ăn lạ mà dẫn tới dị ứng hay ngộ độc.

Khi ăn các món ăn độc, lạ nếu bị ngộ độc nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Các biểu hiện thường gặp như: Buồn nôn, nôn, chóng mặt, co giật tay chân, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, mẩn ngứa... Tùy theo độc tố thực phẩm và lượng ăn cũng như cơ địa từng người mà có biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ. Thường người cao tuổi, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... bị nặng hơn.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/nhap-vien-vi-ngo-doc-thit-chuot-20150907111602571.html

Theo BS Quốc Hùng/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm