Người phụ nữ đã uống đến 5-6 lít nước trong một ngày để chữa bệnh. Ảnh: BVCC. |
Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống loại nước được truyền bá có khả năng chữa bách bệnh.
Uống 5-6 lít nước kiềm/ngày
Bà P.T.M. (60 tuổi, trú tại Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật. Bệnh nhân được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali.
Kết quả xét nghiệm máu của bà M. cho thấy rõ các chỉ số bất thường như kali 2,64 mmol/l, hạ dưới mức cho phép; máu nhiễm kiềm chuyển hóa: pH khí máu 7,5 mEq/l; HCO3 là 33,3 mEq/l.
Theo lời kể của bệnh nhân, do mắc nhiều bệnh lý dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân, nghe người làng truyền tai nhau về địa chỉ uống “nước” chữa bách bệnh gần nhà, bà đã tìm đến và xin được chữa trị.
"Họ không khám cho tôi mà chỉ hỏi về tình trạng bệnh, sau đó hướng dẫn chữa trị bằng cách hàng ngày uống nước được lấy từ máy lọc, có thể pha thêm một chút muối cho dễ uống và không ăn gì. Ngày uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước, trong khoảng 10-15 ngày", bà M. chia sẻ về “phác đồ” điều trị.
Thời điểm người phụ nữ này tham gia cũng có khoảng 10 người cùng làng điều trị. Bà cũng cho biết họ không mất chi phí, nước uống thoải mái. Máy lọc nước là máy Nhật bãi (nhập khẩu máy cũ từ Nhật Bản), có nhu cầu mua, chủ nhà sẽ bán.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 5 ngày uống nước và nhịn ăn, bà đã không thể đứng vững, bắt đầu nôn liên tục, phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận chùm ca bệnh dùng cách uống một loại nước được giới thiệu là “nước kiềm” để chữa bệnh.
Ba bệnh nhân này bị suy thận, đang chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu. Sau khi được giới thiệu, họ đã ngừng chạy thận, xuống Thanh Oai (Hà Nội) uống nước với cách thức tương tự. Các bệnh nhân này chỉ uống khoảng 2-3 ngày đã bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, hôn mê phải đưa đi cấp cứu.
Bệnh nhân bỏ chạy thận, uống nước kiềm chữa bệnh, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy. Ảnh: BVCC. |
Các bệnh nhân bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do biến chứng quá tải dịch trên bệnh nền suy thận mạn. Điều đáng nói, kết quả xét nghiệm lượng urê, kali và creatinin trong máu tăng rất cao. Urê gấp 3 lần bình thường, creatinin gấp 10-15 lần ngưỡng cho phép.
Uống quá nhiều nước rất nguy hiểm
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong một ngày, kể cả ở người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho cơ thể.
"Người dân có thể bị phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và không qua khỏi chứ chưa nói đến sử dụng lượng lớn nước kiềm/ngày", TS Nguyên nói.
Nước bệnh nhân M. uống xét nghiệm có độ pH 7.5, mỗi ngày uống 5-6 lít. Việc này khiến dịch dạ dày giảm do bị pha loãng. Trong khi đó, môi trường dịch axit của dạ dày với pH 1.5-3.5 khi bình thường đóng vai trò bảo vệ cơ thể, tiêu diệt bớt các vi trùng gây bệnh có trong thức ăn, nước uống, trước khi chúng đi sâu xuống đường tiêu hóa.
"Uống nhiều nước kiềm ngoài việc gây thừa nước còn làm thay đổi pH của máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa. Điều này tưởng đơn giản nhưng rất nguy hiểm và phức tạp. Môi trường máu của cơ thể có độ pH duy trì ổn định là 7.35-7.45 rất quan trọng. Chỉ số này cho phép rất nhiều các chất trong cơ thể, enzym di chuyển và hoạt động, giúp cho phản ứng hấp thu, chuyển hóa, hoạt động các cơ quan", TS Nguyên phân tích.
Khi có thay đổi về pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và nhiều bệnh tật phát sinh theo. Khi uống nhiều nước kiềm, pH cơ thể bị tăng lên, rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu bị hạ dẫn tới có thể bị loạn nhịp tim, liệt, hoạt động của nhiều enzym bị giảm, thậm chí tử vong.
"Khi nghi ngờ có bệnh, người dân cần đến bệnh viện thăm khám. Việc ăn uống cần đảm bảo đa dạng về thể loại, số lượng, thể tích phù hợp theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, không tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ một loại nước nào đó để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể", TS Nguyên nhấn mạnh.
Học cách già đi
Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.