Nhiều trường ở Nhật Bản ký thỏa thuận với công ty chứng khoán để dạy kiến thức tài chính cho trẻ. Ảnh: Toshimagaoka Joshi Gakuen Junior and Senior High School. |
Công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley gần đây đã ký thỏa thuận về chương trình giảng dạy với các trường THCS và THPT của Nhật Bản để cải thiện kiến thức tài chính cho học sinh.
Động thái này được đưa ra sau khi giáo dục tài chính trở thành chương trình bắt buộc tại các trường THPT công lập ở Nhật Bản vào năm 2022, cùng với việc quốc gia này vừa hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 xuống 18, theo Japan Times.
Từ ngày 15/2, trường THCS và THPT Toshimagaoka ở thành phố Tokyo đã ký thỏa thuận với công ty chứng khoán. Tiếp theo đó, các trường THCS và THPT thông khác như Edogawa Gakuen Toride (tỉnh Ibaraki) và Seigakuin (thành phố Tokyo) cũng đã ký thỏa thuận lần lượt vào ngày 22/2 và 9/3.
Theo thỏa thuận, Mitsubishi UFJ Morgan Stanley và các trường sẽ cùng tổ chức tiết học từ tháng 4/2023 để cung cấp cho trẻ kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán, bao gồm lịch sử của chứng khoán và cách lựa chọn, mua cổ phiếu của công ty.
"Chúng tôi muốn nâng cao hiểu biết về tài chính của học sinh và giúp các em thay đổi suy nghĩ dùng tiền để đầu tư thay vì tiết kiệm khi đã trưởng thành", Aoi Moriyama, quản lý phụ trách chương trình, cho biết.
Các gia đình Nhật Bản có xu hướng tiết kiệm tài sản bằng tiền mặt nhiều hơn người dân các nước khác. Theo Ngân hàng Nhật Bản, trong tháng 3/2022, tiền mặt và tiền gửi chiếm đến 54,3% tài sản tài chính của người Nhật. Trong khi đó, con số này ở Mỹ và châu Âu lần lượt là 13,7% và 34,5%.
Chính phủ Nhật Bản đã tạo ra tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon vào năm 2014 để khuyến khích người dân đầu tư vào các quỹ tương hỗ, cổ phiếu và quỹ hoán đổi danh mục. Những cải cách này cho phép các cá nhân đầu tư đến 3,6 triệu yen mỗi năm (tương đương 27.000 USD), tổng mức đầu tư tối đa là 18 triệu yen (tương đương 135.700 USD).
Ngoài nỗ lực thúc đẩy đầu tư của chính phủ, nhu cầu về giáo dục tài chính cũng ngày càng tăng khi các cha mẹ lo lắng không biết phải dạy con thế nào về nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Bà Aoi Moriyama nói rằng thỏa thuận nhà trường ký kết với công ty chứng khoán sẽ cho phép các trường trực tiếp tham gia và cùng xây dựng chương trình đào tạo về đầu tư, tài chính cho học sinh.
Nhân viên của công ty chứng khoán và giáo viên là những người trực tiếp đứng lớp. Kết thúc chương trình học, trẻ sẽ được giao nhiệm vụ tạo ra một bài báo nhằm truyền đạt những lợi ích về mặt xã hội của việc gia tăng đầu tư tư nhân.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.