![]() |
Nhiều khách nữ trở thành con nợ của các quán bar, bị ép làm gái mại dâm để trả nợ. Ảnh: Wall Street Journal. |
Hôm 7/3, chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật nhằm thắt chặt các quy định đối với các câu lạc bộ host (câu lạc bộ, quán bar có tiếp viên nam phục vụ rượu), với mục tiêu ngăn chặn những hành vi lạm dụng buộc khách nữ phải tham gia mại dâm để trả nợ quá mức. Dự luật này sẽ được trình lên quốc hội để thảo luận.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng bóc lột trong các câu lạc bộ host, gây phẫn nộ trong dư luận những năm gần đây. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), chỉ riêng năm ngoái, lực lượng chức năng đã nhận được 2.776 đơn tư vấn liên quan đến các câu lạc bộ host trên toàn quốc, trong đó nhiều trường hợp phụ nữ bị ép buộc vào con đường mại dâm để trang trải các khoản nợ chưa thanh toán.
Chiêu lừa phổ biến
Nếu được quốc hội thông qua trong kỳ họp hiện tại, luật sửa đổi sẽ có hiệu lực sau một tháng kể từ ngày ban hành, với một số điều khoản sẽ được áp dụng sau đó.
Dự luật này sẽ cấm các host (tiếp viên nam) thao túng tâm lý khách hàng để ép họ chi tiêu quá mức - một chiêu trò phổ biến trong ngành. Ví dụ, luật sẽ xử lý những trường hợp các host gây áp lực bằng cách nói những câu như: "Nếu em không mua chai champagne này ngay bây giờ, anh sẽ không bao giờ nói chuyện với em nữa".
![]() |
Yu, một nạn nhân bị ép làm gái mại dâm, trong cuộc phỏng vấn với CNN. |
Ngoài ra, các câu lạc bộ có hành vi quảng cáo sai lệch về mức giá phải chăng nhưng sau đó tính phí cắt cổ, hoặc cung cấp thực phẩm và đồ uống mà khách không gọi rồi buộc họ phải trả tiền cũng sẽ bị xử phạt. Các vi phạm này có thể dẫn đến các hình phạt hành chính như đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Dự luật cũng sẽ nghiêm cấm các thủ đoạn đe dọa hoặc gây nhầm lẫn để ép buộc khách hàng tham gia mại dâm nhằm trả nợ.
Các câu lạc bộ host thường hợp tác với các đối tượng môi giới trong ngành mại dâm và nhận tiền hoa hồng từ các cơ sở như nhà thổ hoặc hãng phim người lớn để giới thiệu phụ nữ – một hoạt động mà dự luật này muốn xóa bỏ. Những người vi phạm có thể đối mặt với mức án tù lên đến 6 tháng hoặc bị phạt tối đa 1 triệu yen (6.765 USD), hoặc cả hai.
Hình phạt đối với việc kinh doanh câu lạc bộ host không có giấy phép cũng sẽ tăng đáng kể, với mức phạt lên đến 300 triệu yen - cao hơn nhiều so với mức trần 2 triệu yen hiện tại.
Dự luật cũng sẽ siết chặt điều kiện cấp phép, cấm các công ty kinh doanh hoặc xin giấy phép mới nếu công ty mẹ hoặc các đơn vị liên kết của họ từng bị thu hồi giấy phép. Các doanh nghiệp có liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng sẽ không đủ điều kiện để xin giấy phép.
"Mèo vờn chuột"
Những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường trấn áp các câu lạc bộ host. Từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2024, có 83 vụ bắt giữ liên quan đến các câu lạc bộ host hoạt động bất hợp pháp, với tổng cộng 203 người bị bắt. Trong số đó, 90 người là các host, trong khi các quản lý câu lạc bộ và nhân viên khác chiếm 64 trường hợp.
Theo ông Yoshihide Tanaka, Tổng thư ký tổ chức phi lợi nhuận Seiboren (Hội đồng các bậc phụ huynh bảo vệ thanh thiếu niên) có trụ sở tại Tokyo, các vụ việc liên quan đến phụ nữ khoảng 20 tuổi và các host đã tăng vọt kể từ tháng 5/2023, khi Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19.
Trong thời gian đại dịch, nhiều host đã chuyển sang sử dụng ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng trong lúc các câu lạc bộ bị đóng cửa.
![]() |
Nhật Bản có dự luật mới để tăng cường trấn áp các câu lạc bộ host. Ảnh: Wall Street Journal. |
"Khi ai đó đang tổn thương, các host sẽ len lỏi vào những kẽ hở đó", Tanaka nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các host thường thao túng tâm lý phụ nữ, trong khi những kẻ môi giới thì trực tiếp giam giữ và khai thác họ.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, các trung tâm tư vấn và hỗ trợ phụ nữ trên khắp cả nước đã nhận được 415 đơn tư vấn về vấn đề host chỉ riêng trong tháng 12/2023.
Tanaka cho biết ông hoan nghênh dự luật này như một bước tiến trong việc kiềm chế các hành vi bóc lột, nhưng cũng cảnh báo rằng một số câu lạc bộ có thể chuyển đổi mô hình sang quán bar trong khi vẫn tiếp tục sử dụng các chiêu trò lừa đảo, khiến cuộc chiến chống lại vấn nạn này trở thành một trò "mèo vờn chuột".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.