Năm ngày bốn đêm trèo đèo lội suối, băng qua những cánh rừng trong động dài thăm thẳm quả là những trải nghiệm không thể quên được với mọi người.
Phía sau cửa hang nhỏ này là cả một chuỗi khung cảnh kỳ vĩ. |
Ngày thứ nhất 5/5
Xe đưa chúng tôi đến bìa rừng bảo tồn quốc gia Phong Nha, nơi bắt đầu cho việc trekking (đi bộ xuyên rừng). Con đường mòn chỉ đủ cho một người đi len lỏi dưới những tán cây.
Mặc dù ở trong rừng, thật hiếm hoi mới có một ngọn gió thoảng nhẹ qua rồi nhanh chóng biến mất. Tuyệt nhiên không có tiếng chim hót hay tiếng lào xào của thú rừng qua đây. Chặng khởi động này chủ yếu là xuống núi nên chúng tôi không mệt lắm mặc dù dốc khá đứng.
Đến gần trưa, chúng tôi đi ngang qua bản Đoòng, nơi có lác đác vài ngôi nhà của những người dân tộc Vân Kiều sinh sống. Đoàn nghỉ chân một lúc rồi lại tiếp tục hành trình vào hang Én.
Cứ một đoạn ngắn lại bắt gặp những con suối nhỏ trong vắt, sỏi nhiều màu lấp lánh trong nắng. Có những đoạn suối len dưới những tàn cây thì nước mát rượi nhưng cũng có những đoạn phơi mình dưới nắng thì chẳng khác nào suối nước nóng.
Khoảng 16h, chúng tôi đến hang Én. Thật ngạc nhiên khi vào hang, một bãi cát mịn màng để cắm trại quá tuyệt vời bao quanh bởi hai hồ nước nóng, lạnh xanh thẫm hiện lên trước mắt chúng tôi.
Không ai bảo ai, mọi người nhận lều và lao ngay xuống dòng nước mát lạnh. Các cơ bắp dãn ra sau hơn nửa ngày đi bộ, cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái.
Suối lớn trong hang Én. |
Bên ngoài cửa hang, nắng bắt đầu tắt, một màu tím thẫm dần loang qua như chiếc màn mỏng, trong hang tối dần, tối dần. Nhìn lên vòm hang lúc này lại giống như bầu trời đêm rất gần, có thể với tay chạm được…
Khoảng gần 10 giờ tối, một vùng ánh sáng quét qua lều, chúng tôi giật mình bật dậy. Ồ, thì ra là ánh trăng. Hôm nay cũng đúng vào ngày trăng tròn. Chưa bao giờ tôi thấy một cảnh tượng đẹp như thế. Mặt trăng tròn vành vạnh, trôi lơ lửng ở miệng hang trên đầu.
Ngày thứ hai
Hôm nay mới thật sự là ngày bắt đầu cho chuyến phiêu lưu mạo hiểm vào hang Sơn Đoòng. Từ hang Én, chúng tôi men theo dòng suối trong hang để ra ngoài. Nếu ở mặt bên này của hang Én đẹp bao nhiêu thì phía ngược lại đẹp bấy nhiêu.
Ở đây, các vách đá vẫn còn rất khô ráo nên dù có hơi nguy hiểm, chúng tôi vẫn vượt qua không đến nỗi chật vật lắm. Đoàn lại tiếp tục băng qua một đoạn đường rừng khoảng 3 km nhưng địa hình bắt đầu ngày một khó đi, có vài đoạn dốc thoải rất ngắn và nhiều đoạn dốc đứng khoảng 60 độ, chúng tôi vừa bước những bước nhỏ, vừa bám vào đá, dây rừng để nâng người lên. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo…
Đến trưa, mọi người đến cửa hang Sơn Đoòng. Sau bữa ăn nhẹ, các thành viên được phát dây đeo an toàn để bắt đầu xuống động. Ai cũng được cảnh báo trước ở đây đá rất trơn vì ẩm ướt. Quả đúng như vậy, ngay khi vừa đu dây xuống một đoạn, chúng tôi đã phải rất tập trung để không bị trượt ngã.
Khe vào hang rất hẹp, chúng tôi gần như phải nằm rạp bò vào và lại tiếp tục một đoạn đu dây xuống dưới. Mặc dù có dây bảo hiểm nhưng tôi cũng không tránh được vài lần va đập vào vách núi. Tuy vậy, đó vẫn chưa là gì so với đoạn đường trước mặt - tối om và toàn đá lởm chởm, cheo leo.
Có những đoạn tôi thấy sợ thật sự bởi nếu một chút sơ sểnh có thể bị té xuống vực ngay lập tức và ở đây, có lẽ sẽ chẳng có khái niệm chỉ bị thương. Ánh sáng của chiếc đèn trên đầu chỉ đủ quét vài mét để chắc chắn nhìn thấy đủ xung quanh mình. Bên dưới tiếng nước chảy róc rách nhưng có vẻ xa lắm. Chiếc balô đã nịt chặt vào người nhưng vẫn trở nên quá cồng kềnh và nặng.
Thỉnh thoảng chúng tôi cũng băng qua những đoạn suối trong hang nhưng phải bám theo dây vì nước ở đây hơi xiết. Cứ thế, có những lúc đoàn đu dây lên và xuống, bám mình trên những vách đá lần đi. Mồ hôi ướt đẫm người và cay xè mắt nhưng thậm chí không dám đưa tay lên quệt.
Tuy nhiên, thiên nhiên thật kỳ thú, cứ sau 2-3 giờ vất vả leo trèo thì ai nấy lại vỡ òa trước những cảnh đẹp không thể tưởng tượng nổi. Chúng tôi lại tìm chỗ để dựng chân máy chụp hình. Ai cũng cố gắng để lưu lại những hình ảnh tuyệt vời nhất.
Đến khoảng 17h, chúng tôi đến điểm cắm trại thứ hai. Đây là một trong những nơi đá bị sụt xuống, để lộ miệng hang nên có ánh sáng vào và cũng là nơi báo hiệu cho chuyến hành trình ngày tiếp theo còn nhiều điều tuyệt vời hơn thế nữa…
Ngày thứ ba
Tôi đã có một đêm trằn trọc không thể ngủ được vì quá lo lắng và có phần hối hận vì đã chọn chuyến đi quá nguy hiểm này. Tôi nghĩ về những đứa con ở nhà, nghĩ lại những vách núi trơn tuột và cheo leo chỉ đủ đặt một phần ba bàn chân để lần tìm lối đi, nghĩ về những rủi ro không thể lường trước. Ngày hôm nay hứa hẹn sẽ nhiều khó khăn hơn.
Chúng tôi cần vượt qua bức tường đá trước mặt để đến với khu vườn trong hang. Ánh sáng chan hòa và cây cối xanh um. Từng người căng lồng ngực và hít thở thật sâu, tận hưởng món quà đầu ngày này. Hai ngọn đồi nhô cao như ruộng bậc thang.
Đứng ở đó, chúng tôi lặng người chiêm ngưỡng những tia nắng rót xuống như một dải lụa mềm, rất mềm, rất mịn và lấp lánh những chiếc lá vàng vô tình rơi vào vùng sáng này.
Đoàn lại tiếp tục vào hang. Từ đây nhìn ra ngoài lại còn tuyệt vời hơn nữa. Dường như chúng tôi đang lạc vào xứ sở thần tiên. Quá đẹp và quá tuyệt. Xung quanh, từ những nhũ thạch treo lơ lửng trên đầu đến những kiến tạo ở dưới đất như những thành trì thu nhỏ đều hoàn hảo. Mọi người rón rén từng bước chân để không chạm phải những tuyệt tác thiên nhiên này.
Chúng tôi tiếp tục đi trong động. Có những đoạn cát mịn như một sa mạc nhỏ và cũng có nhiều đoạn đầy trắc trở nhưng đến hôm nay, có lẽ đã bắt đầu quen với dạng địa hình này nên tôi đã thấy bớt căng thẳng.
Các thành viên lại đến một điểm sụt khác tạo thành một khu rừng nhỏ lọt thỏm trong hang. Ở đây cây cao nhưng mảnh, nhiều bụi phong lan vắt vẻo lưng chừng rất đẹp. Đoàn lại tiếp tục băng rừng đến điểm cắm trại thứ ba và bắt đầu cho chuyến lội sình đến cuối hang.
Đoạn lội sình là một khe hẹp giữa hai vách núi tạo thành hình chữ V. Đến cuối hang, tất cả tắt hết đèn đội đầu để cảm nhận Bức tường Việt Nam. Đó là nơi cao nhất nên trong vùng tối đặc quánh, phải một lúc sau chúng tôi mới từ từ cảm nhận được một vùng tím thẫm trên đầu.
Ở đây thiên nhiên lại tưởng thưởng cho chúng tôi một hố bùn không quá sâu và cũng không cạn, đủ lý tưởng cho trò trượt bùn. Nhìn các bạn Tây cố gắng trượt theo kiểu trượt tuyết thích mê tơi, nhưng không phải dễ dàng để có được những cú lượn tuyệt đẹp.
Tôi cũng thử sau rất nhiều phút chần chừ. Cảm giác trên cả tuyệt vời, cuối cùng tôi cũng hoàn thành xuất sắc cú trượt xuống hố… bằng mông và trèo lên như một con thằn lằn leo cột mỡ.
Chúng tôi trở lại trại 3 ăn tối, nghỉ ngơi. Cả người mỏi nhừ từ từng thớ cơ đến các đốt xương vì bất cứ chỗ nào trên cơ thể có thể vận dụng để đu, bám, đeo, bấu víu đều phải sử dụng cho bằng hết trong ngày thứ ba này, và như thế, kỹ năng di chuyển trong động cũng nâng cao đáng kể.
Những giới hạn của thách thức dường như đã được đẩy lùi và tôi cảm nhận rõ rệt mình đã thôi bớt sợ hãi. Tôi đã có một giấc ngủ ngon đến sáng.
Ngày thứ tư
Hôm nay được xem là ngày dài nhất bởi chúng tôi phải đi một mạch liên tục trở về lại hang Én - cộng dồn quãng đường của hai ngày vừa qua.
Nếu như quãng đường đi qua khó khăn bao nhiêu thì khi về cũng… y chang như vậy. Tuy nhiên, đến hôm nay thì các kỹ năng di chuyển trong động của chúng tôi cũng đã tăng lên đáng kể.
Đoạn đường toàn đá lởm chởm, cheo leo. |
Chúng tôi cứ thế đi miết, chỗ nào có thể nghỉ thì dừng lại vài phút rồi lại tiếp tục ngay để các bắp cơ còn chưa kịp phát hiện ra và lên tiếng phản đối.
Khoảng 17h, đoàn về lại trại 1 ở hang Én. Ai nấy vứt vội ba lô xuống rồi lao ngay ra dòng nước mát rượi. Ở đây, chúng tôi gặp đoàn làm phim của Đài truyền hình ABC - Mỹ đang tổ chức việc truyền hình trực tiếp cho chương trình Good Morning America. Họ vào đây từ ngày 8/5 để chuẩn bị cho ngày phát sóng 13/5.
Phải công nhận đó là một sự chuẩn bị kỳ công bậc nhất tôi từng được biết bởi để đưa hệ thống ánh sáng, thiết bị vào đây không hề là chuyện dễ dàng.
Ngày thứ năm
Chúng tôi xuất phát khá sớm để tranh thủ chạy ra xem chiếc máy bay trực thăng Mi-17 chở thiết bị, cô MC xinh đẹp của chương trình Good Morning America và quan trọng là gặp được anh Hồ Khanh - người phát hiện ra hang động này từ năm 1990 nhưng mãi đến năm 2009 mới chính thức được công bố, và ngay lập tức được đưa vào kiểm soát chặt chẽ bởi UNESCO và Hiệp hội Hang động quốc tế.
Chúng tôi lại xuyên rừng trở về, vẫn con đường lúc đi nhưng giờ địa hình ngược lại nên mọi người gần như không thể nhấc nổi chân, cố bò lên sườn núi ở độ dốc gần như thẳng đứng. Người ướt đẫm mồ hôi và chúng tôi cứ thế bước đi, không thể nói được với nhau câu nào.
Ra tới bìa rừng, ai nấy thực sự thở phào nhẹ nhõm. Vậy là mình đã được an toàn trở về! Lên xe, chúng tôi lại tíu tít nói với nhau về những trải nghiệm, về những tấm hình chụp được. Sáu ngày qua đủ để chúng tôi trở nên thân thiết nhiều mặc dù thành viên trong đoàn đến từ nhiều quốc gia khác nhau.