Lệnh mới nhằm ngăn chặn những kẻ trục lợi từ tình trạng thiếu hụt khẩu trang trên toàn Nhật Bản, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3, theo Japan Today.
Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho biết việc bán lại khẩu trang bằng giá khi mua hoặc ở mức thấp hơn vẫn được phép, nhấn mạnh rằng lệnh này không đồng nghĩa việc ngăn mọi người phân phối mặt hàng này cho gia đình, bạn bè.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người tiêu dùng bình quân có thể mua được khẩu trang”, quan chức này nói.
Lệnh mới này sẽ được thực thi thông qua việc sửa đổi luật về các biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định điều kiện sống của người dân - được ban hành năm 1973.
Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang ra đường giữa dịch virus corona. Ảnh: Kyodo. |
Trong khi các sản phẩm khác như chất khử trùng và tã lót có thể được thêm vào nếu cần thiết, chính phủ có kế hoạch dỡ bỏ lệnh này sau khi nhu cầu mua bán khẩu trang trở lại bình thường.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã yêu cầu các công ty thương mại điện tử tạm thời ngừng đấu giá khẩu trang trực tuyến từ 14/3. Tuy nhiên, động thái này không đủ sức răn đe.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ tăng nguồn cung cấp khẩu trang lên đến 600 triệu chiếc/tháng, đặc biệt tập trung phân phối cho các cơ sở y tế.
Trong khi đó, các nhà sản xuất phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng đột ngột do cảnh tượng phổ biến gần đây là các kệ bày bán khẩu trang tại nhiều nhà thuốc và siêu thị đều trống trơn.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi mặt hàng này được bán với giá cắt cổ thông qua các trang web thương mại điện tử như Rakuten và Mercari.
Gần đây, Hiroyuki Morota (53 tuổi) - thành viên của hội đồng tỉnh Shizuoka - thừa nhận từ ngày 4/2, ông đã kiếm lời 8,9 triệu yen khi bán 2.000 khẩu trang (giá từ 30.000-170.000 yen/chiếc) thông qua các cuộc đấu giá trực tuyến. Sau đó, quan chức này phải lên tiếng xin lỗi.
Hiện chưa rõ ông Morota có bị buộc tội theo lệnh mới hay không bởi người này điều hành một công ty thương mại và có thể không được phân loại là người bán lại khẩu trang.