Căn bệnh nguy hiểm bị lãng quên
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Quy Nhơn và cộng sự đã có báo cáo về bệnh giun chỉ. Bác sĩ Chương cho biết, bệnh giun chỉ bạch huyết hay còn được gọi là bệnh phù chân voi, là một bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Quá trình nhiễm bệnh xảy ra khi ấu trùng filarial được làn truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt.
Bệnh nhân bị giun chỉ tấn công điều trị tại Viện Sốt rét và Ký sinh trùng trung ương. |
Khi muỗi nhiễm ký sinh trùng đốt người lành, ký sinh trùng được lắng đọng trên da, từ đó xâm nhập vào cơ thể. Sau đó ấu trùng di chuyển đến mạch bạch huyết từ đó chúng phát triển thành giun trưởng thành trong hệ bạch huyết con người. Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ thời thơ ấu, nhưng sự đau đớn, biến dạng thường xảy ra ở giai đoạn sau này, gây ra tàn tật vĩnh viễn.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là phù chân voi và tiểu dưỡng chấp, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và công việc của họ. Việc chân bị biến dạng đã ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khó hòa nhập cộng đồng.
Giun trưởng thành xâm nhập sâu vào trong hệ bạch huyết và làm rối loạn hệ thống miễn dịch. Chúng sống và tồn tại trong cơ thể từ 6-8 năm và trong suốt thời gian sống, chúng sản sinh hàng triệu ấu trùng giun chỉ lưu thông trong máu và được muỗi hút khi đốt người bệnh.
Sau khi phát triển trong cơ thể muỗi nhiều ngày, ấu trùng đi qua da khi muỗi đốt người, di chuyển đến các hạch bạch huyết và phát triển thành giun chỉ trưởng thành ở các mạch bạch huyết.
Giun chỉ bạch huyết được lây truyền qua các loài muỗi khác nhau như muỗi Culex, phân bố rộng rãi qua các khu vực đô thị và bán đô thị; Anophelesphân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn, rừng núi và loài Aedes phân bố chủ yếu ở hòn đảo đặc hữu ở Thái Bình Dương.
Nhiễm giun chỉ bạch huyết có thể dẫn đến các tình trạng không có triệu chứng, biểu hiện cấp tính và kéo dài mãn tính. Đa số các trường hợp ở giai đoạn đầu của bệnh là không có triệu chứng, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh biểu hiện ra bên ngoài. Các trường hợp nhiễm mà không có triệu chứng này vẫn gây tổn thương cho hệ thống bạch huyết và các thận cũng như làm thay đổi hệ thống miễn dịch của cơ thể nghiêm trọng.
Bệnh giun chỉ ở Việt Nam
Theo nghiên cứu của Viện Sốt rét và Ký sinh trùng trung ương từ năm 1976 đến năm 2000, các cuộc điều tra tỷ lệ mắc giun chỉ bạch huyết đã được tiến hành trong 10 huyện của Việt Nam với tỷ lệ mắc phù voi ở miền Bắc là 2,5%. Ở miền Trung của Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết được phát hiện tại 20 huyện là từ 0,39 - 13,3%. Tất cả đều nhiễm W.bancrofti.
Sau năm 2000, Việt Nam tiến hành điều tra tại 145 huyện của 50/52 tỉnh có 77 trường hợp dương tính /115.741 người được xét nghiệm trong 12 quận, huyện. Tỷ lệ có ấu trùng giun chỉ bạch huyết là rất thấp hoặc 0 (%). Trong 12 quận, huyện phát hiện ấu trùng giun chỉ bạch huyết chỉ có 6 huyện là tỷ lệ > 1 % , 6 huyện này được lựa chọn vào dự án loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam.
Bệnh giun chỉ tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên đã phát hiện thấy nhiều vùng miền trung Trung Bộ có bệnh giun chỉ bạch huyết. Bệnh thường khu trú thành từng điểm nhỏ, từng thôn, xã.
Ở vùng đồng bằng Bắc bộ đa số là B.malayi (80-95%), chủ yếu ở vùng trồng lúa nước như ở vùng châu thổ sông Hồng, 4 tỉnh trọng tâm là Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình.
Miền Nam là W.bancrofti, ở các tỉnh Nam trung bộ bệnh tìm thấy ở các tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa.
Tỉ lệ ở vùng đồng bằng mắc 1-3%, vùng trung du 1-2%, vùng miền núi hiếm gặp 0-1% nhưng phân bố rất không đều. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ, bệnh nhiễm cao ở lứa tuổi 30-40.
Phòng bệnh giun chỉ bằng các biện pháp vệ sinh môi trường: Xây dựng nhà ở cao ráo sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế muỗi vào nhà. Lấp bớt ao tù, vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh để làm giảm sự sinh sản của muỗi, thả cá ở các ao bèo để diệt bọ gậy (cá rô phi, chép lai, bảy màu, săn sắt...).
Vệ sinh cá nhân: Mặc quần áo kín khi lao động ban đêm nhất là vùng có nghề thủ công như làm chiếu, nằm màn tránh muỗi đốt. Phát hiện và điều trị người có bệnh. Thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống bệnh giun chỉ bằng uống DEC 1 tháng 1 đợt 3 ngày, mỗi ngày 6mg/kg điều trị cho mọi người lớn hơn 6 tuổi trong vài năm.