Ngày 5/8, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết sau 10 ngày nhập viện, sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thị Diễm Thụy (33 tuổi, ngụ huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đã ổn định.
Người phụ nữ này bị bệnh động kinh, đang điều trị ngoại trú. Ngày 26/7, cô lên cơn co giật, ngã xuống ao nước bẩn gần nhà. Khi được đưa lên bờ, Thụy hôn mê, toàn thân tím tái, miệng và mũi dính đầy bùn đất.
Bệnh nhân Thụy được bác sĩ theo dõi sức khỏe tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: T.P. |
Sau 3 lần nội soi khí phế quản để rửa bùn đất, Thụy ngưng thở máy và được rút nội khí quản vào ngày 31/7.
Theo TS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp, nhiều trường hợp bị nhiễm trùng phổi do hít phải bùn đất. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp nặng, viêm phổi có sốc nhiễm khuẩn. Trường hợp nặng, bệnh nhân thường có biểu hiện tím tái, thở rít, co thắt thanh môn, thậm chí tử vong.
Nguyên tắc để giữ tính mạng cho bệnh nhân là giải phóng đường thở, cung cấp oxy. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là đưa nạn nhân ra khỏi nước, sơ cứu và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy để thông thoáng đường thở. Theo bác sĩ, đây là hành động sai, làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.