Photophone dần trở thành nghề nghiệp, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người. Ảnh minh hoạ: Thụy Trang. |
"Cạnh tranh kém lành mạnh" là nhận định của Phong Trường (28 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhiếp ảnh gia chuyên chụp sự kiện, về dịch vụ photophone (chụp ảnh thuê bằng điện thoại).
Nghề nghiệp này đã tồn tại khoảng vài năm, nhưng ngày càng trở nên phổ biến gần đây. Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Threads, có thể dễ dàng bắt gặp các bài đăng và bình luận quảng bá dịch vụ này, với mức giá chỉ từ vài chục nghìn đồng cho mỗi bộ ảnh.
Phần lớn "photophoner", từ dùng để chỉ người hành nghề chụp ảnh bằng điện thoại, quảng cáo rằng họ dùng iPhone để chụp hình. Ngoài ra, họ cung cấp thêm dịch vụ chụp bằng máy ảnh compact, thậm chí máy ảnh chuyên nghiệp, kèm chỉnh sửa ảnh với mức giá nhỉnh hơn không đáng kể.
Dịch vụ chụp hình điện thoại nở rộ trong năm nay. Ảnh minh hoạ: NVCC. |
“Người chụp chỉ lấy mức phí 200.000 đồng/giờ có thể xem là phá giá. Mức giá đó chỉ hợp lý khi chỉ chụp và giao ảnh, không bao gồm các dịch vụ khác”, anh chia sẻ.
Theo Phong Trường, việc photophoner đưa ra mức giá rẻ như vậy buộc một số nhiếp ảnh gia hạ giá dịch vụ để cạnh tranh, từ đó dễ dàng dẫn đến sự sụt giảm về chất lượng sản phẩm.
Anh cũng nhận định rằng nhiều khách hàng hiện nay “thấy giá rẻ là ham” mà chưa hiểu rõ giá trị của dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp.
“Về lâu dài, việc hạ giá sẽ kéo theo chất lượng dịch vụ đi xuống”, anh lo ngại.
Khi dịch vụ chụp hình bằng điện thoại nở rộ trong năm nay, nhiều bạn trẻ hiện có thể kiếm cả chục triệu đồng mỗi tháng nhờ làm photophoner. Tuy nhiên, một số nhiếp ảnh gia lại cho rằng xu hướng photophone đang phá giá thị trường, chỉ là trào lưu “sớm nở tối tàn”, khó tồn tại lâu dài.
Photophone không thể thay thế máy ảnh
Làm việc trong lĩnh vực nhiếp ảnh gần 10 năm, Duy Anh (29 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lần đầu nhận thấy điện thoại có thể trở thành thiết bị chụp hình thu phí, tạo thành một loại hình dịch vụ mới mang tên photophone.
Chuyên cung cấp gói chụp chân dung, cá nhân, nhiếp ảnh gia này thừa nhận mất khách khi photophone nở rộ trong năm nay. Mức giá 100.000-200.000 đồng/buổi chụp hình điện thoại chỉ bằng 1/10 chi phí chụp máy ảnh.
“Đây là mức phá giá thị trường. Để so sánh về giá, chúng tôi không thể cạnh tranh”, Duy Anh khẳng định.
Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia đến từ Hà Nội cũng nhận định rằng photophone khó tồn tại lâu dài, chỉ là trào lưu nhất thời. Khách hàng lựa chọn dịch vụ chụp hình điện thoại thường là cá nhân, không yêu cầu nhiều về chất lượng ảnh, chỉ cần lưu giữ khoảnh khắc đời thường.
Vì không đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhóm khách này dễ dàng thay đổi người chụp, không trung thành với một photophoner, thậm chí có thể nhờ bạn bè hoặc đặt máy tự chụp.
Duy Anh cho biết số lượng lớp học chụp hình điện thoại chỉ kéo dài 1-2 buổi ngày càng gia tăng, trang bị kỹ năng tự lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ cho nhiều người.
“Nhưng điều tương tự không thể xảy ra với chụp hình bằng máy ảnh”, anh khẳng định.
Nam Vũ khẳng định photophone khó thay thế chụp hình bằng máy ảnh. |
Đồng tình với Duy Anh, nhiếp ảnh gia Nam Vũ (28 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng khẳng định rằng photophone không có khả năng thay thế chụp hình máy ảnh. Độ phân giải, chất lượng hình ảnh thấp từ điện thoại khó phục vụ nhu cầu in ấn.
Do đó, xu hướng dịch vụ này không phù hợp với khách hàng doanh nghiệp, có nhu cầu chụp hình quảng cáo, thương mại.
Về vấn đề giá thành, Nam Vũ nhận định rằng “tiền nào của nấy”. Chụp hình bằng máy ảnh đem lại sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, sự sáng tạo và công sức của người cầm máy hơn.
“Khách hàng cần hình ảnh có độ phân giải cao để phục vụ mục đích cá nhân (cưới, hỏi, sinh nhật) hay công việc (truyền thông, quảng cáo) đều ưu tiên chọn chụp hình máy ảnh. Đây là điều không cần bàn cãi”, Nam Vũ nói.
Photophone vẫn có thể thành nghề mới
Dù khẳng định rằng photophone không thể thay thế chụp hình máy ảnh, Nam Vũ, chủ một studio ảnh ở quận Đống Đa, vẫn chỉ ra một số ưu điểm của loại hình dịch vụ này.
Thứ nhất, khâu chụp và hậu kỳ bằng điện thoại chắc chắn nhanh chóng, tiện lợi hơn, do thiết bị này tương đối thân thiện, dễ sử dụng. Vì vậy, dịch vụ này phù hợp với khách hàng cần sản phẩm gấp, không yêu cầu chất lượng cao.
Thứ hai, chụp hình bằng điện thoại cũng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí địa điểm tại một số hàng, quán thu phí máy ảnh.
Thứ ba, màu sắc ảnh chụp từ điện thoại tương đối thân thiện, quen mắt với đa số, vì thế phù hợp với các bài đăng hàng ngày, ảnh feedback.
Với những ưu thế trên, photophone vẫn có khả năng tồn tại song song với chụp hình bằng máy ảnh, nhưng hướng đến đối tượng khách hàng khác và phục vụ nhu cầu khác.
Phước Khánh cho rằng chụp hình bằng điện thoại có thể thành nghề mới. |
Theo Nam Vũ, sự nở rộ của trào lưu này không phải nỗi lo lớn đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, song cũng đòi hỏi những người cầm máy ảnh cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao kỹ năng, trau dồi kiến thức, tích cực đổi mới và sáng tạo.
Tương tự Nam Vũ, Phước Khánh (30 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), chủ studio tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), cũng có cái nhìn cởi mở về trào lưu photophone. Là người có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chụp ảnh và quay phim chuyên nghiệp, anh cho rằng mỗi loại hình dịch vụ đều có phân khúc khách hàng riêng.
Photophone hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, cần ảnh nhanh, đẹp để đăng tải trên mạng xã hội. Trong khi đó, các nhiếp ảnh gia và studio chuyên nghiệp phục vụ những khách hàng có yêu cầu cao hơn về chất lượng, độ phân giải và concept.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phước Khánh cho rằng “ngành nào cũng cần sự cạnh tranh, cạnh tranh để phát triển chứ không để triệt hạ nhau”.
Theo anh, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể học hỏi từ photophoner về cách nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trẻ, sự sáng tạo trong ý tưởng và cách tiếp cận khách hàng mới.
Ngược lại, chủ studio cũng khuyến khích các photophoner trau dồi kỹ năng, nâng cao tay nghề, thể hiện cá tính riêng và đầu tư hơn vào chất lượng sản phẩm để khẳng định vị thế trên thị trường.
“Giống như việc chơi game từ một hoạt động giải trí đã trở thành một nghề nghiệp được công nhận, photophone cũng có thể phát triển thành thị trường chuyên nghiệp và có chỗ đứng riêng”, Khánh chia sẻ.
Anh cũng cho rằng những cá nhân cung cấp dịch vụ chụp hình bằng điện thoại hoàn toàn có thể kiếm được vài chục triệu đồng/tháng nếu biết cách tổ chức công việc, tiết kiệm thời gian, nâng cao tay nghề và mở rộng mạng lưới khách hàng.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.