Nhiều người biết tia cực tím (UV), hay bức xạ cực tím, có nhiều tác hại đối với cơ thể con người. Phần lớn tia UV bị hấp thụ và bức xạ ngược lại bởi tầng ozone trong khí quyển, sự bảo vệ của của Trái Đất. Tuy nhiên, ngày nay môi trường ngày càng bị ô nhiễm, cùng với hiệu ứng nhà kính làm cho Trái Đất nóng lên từng ngày, tầng ozone bị suy giảm nghiêm trọng.
Vì vậy, bạn cần có những hiểu biết nhất định về tia UV và các tác hại của nó để có biện pháp cần thiết bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Tia UV là gì?
Tia cực tím, hay còn gọi là bức xạ cực tím, là các tia vô hình, một phần của năng lượng đến từ mặt trời, có thể đốt cháy da và gây ung thư da. Bức xạ UV được tạo thành từ 3 loại tia - tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC).
Hầu hết tia UV con người tiếp xúc đều bắt nguồn từ mặt trời. Tuy nhiên, khoảng 10% ánh sáng mặt trời là tia UV, và chỉ 1/3 trong số này là có khả năng thâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất. UVC là loại tia cực tím nguy hiểm nhất nhưng nó không thể xuyên qua tầng ozone của bầu khí quyển. Do đó, nó không gây ra mối đe dọa nào với sự sống của con người, động vật hoặc thực vật trên Trái Đất. Các tia bức xạ cực tím phổ rộng - bao gồm tia UVA và UVB - là những chất gây hại mạnh nhất cho sinh vật trên Trái Đất.
Trong số những tia UV có thể đến được Trái Đất, 95% là tia UVA và 5% là tia UVB. UVA yếu hơn UVB nhưng nó đi sâu vào da hơn. Nhiều nghiên cứu cũng chấp nhận rằng cả UVA và UVB đều gây ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính. Vì lý do này, người ta thường khuyến nghị sử dụng kem chống nắng để ngăn chặn cả 2 loại bức xạ này.
Sự tác động của 3 loại tia UV đối với Trái Đất. Ảnh: Blockislandorganic. |
Tia bức xạ UVA và UVB gây ra tác hại gì?
Tia UVB thường ảnh hưởng đến lớp ngoài của da, gây tổn thương da. Nó có thể dẫn đến một số loại ung thư da như ung thư tế bào hắc tố, ung thư biểu mô tế bào đáy và vảy. Tia UVA có cường độ thấp hơn nhiều so với tia UVB nhưng có khả năng tiếp cận vào các lớp sâu hơn của da khoảng 50 lần và gây tổn thương nhiều hơn so với tia UVB.
Các ảnh hưởng cấp tính của UVA và UVB thường ngắn và có thể phục hồi được như cháy nắng và sạm da. Các ảnh hưởng lâu dài của tia UV nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều, có thể đe dọa tính mạng, bao gồm quá trình lão hóa của da, ức chế hệ thống miễn dịch, tổn thương mắt và ung thư da.
Sự xâm nhập của tia UV đối với làn da của con người. Ảnh: Bocavoice. |
Chỉ số tia UV phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Độ cao của mặt trời: Mặt trời càng đứng bóng, mức độ bức xạ UV càng lớn. Bức xa UV thay đổi theo thời gian trong ngày và trong năm, với mức tối đa vào khoảng giữa trưa trong những tháng mùa hè. Trong ngày, tia UV thường cao nhất vào gần buổi trưa và đầu giờ chiều (từ 10h sáng đến 16h chiều), đặc biệt là vào cuối mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu. Vì vậy, mức độ tia UV thay đổi trong suốt cả ngày, thấp hơn vào buổi sáng, cực đại vào giữa ngày và giảm dần khi mặt trời lặn.
Độ che phủ của mây: Bức xạ UV cao nhất khi trời quang đãng. Tuy nhiên, ngay cả khi trời có mây, bức xạ UV vẫn ở mức cao do sự tán xạ tia UV bởi các phân tử nước và hạt mịn trong tầng khí quyển. Bóng râm của các đám mây hầu như không làm giảm ảnh hưởng của tia UV. Vì vậy, tia UV vẫn có thể gây hại cho da và mắt, ngay cả vào mùa đông và những ngày nhiều mây hoặc mưa.
Độ cao so với mực nước biển: Càng ở trên cao so với mực nước biển, tầng khí quyển càng lọc được ít bức xạ UV. Với mỗi 1.000 m tăng cao so với mực nước biển, mức độ UV tăng khoảng 10-12%.
Phụ thuộc vào vĩ độ: Càng gần xích đạo, bức xạ UV càng cao. Ở càng xa vị trí này, nguy cơ càng ít hơn.
Sự phản xạ của bề mặt: Bức xạ UV có thể "bật" ngược lại khi tiếp xúc với các bề mặt phản chiếu bao gồm nước, cát và tuyết. Tuyết có thể phản xạ tới 80% lượng bức xạ UV, cát khô ở bãi biển phản xạ khoảng 15% và nước biển khoảng 25%. Vì vậy, những vận động viên bơi lội, trượt tuyết, người đi câu cá hoặc tắm biển có thể bị tác động bởi lượng tia UV tăng cao từ cả bên trên và bên dưới.
Phụ thuộc vào tầng ozone: Ozone hấp thụ một phần bức xạ UV trong ánh sáng mặt trời chiếu xuống Trái Đất. Lượng ozone càng lớn, bộ lọc bảo vệ được cung cấp bởi khí quyển càng tăng. Sự suy giảm tầng ozone có khả năng làm trầm trọng thêm các ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với bức xạ UV. Khi tầng ozone trở nên mỏng hơn, con người sẽ tiếp xúc với mức độ bức xạ UV cao hơn, đặc biệt là tia UVB.
Chỉ số tia UV như thế nào là nguy hiểm?
Chỉ số tia UV dự đoán cường độ bức xạ tia UV vào buổi trưa và được tính theo thang điểm từ 1 đến 11+.
Thang điểm từ 1 đến 11+ chỉ ra mức độ nguy hiểm của chỉ số tia UV. Ảnh: WHO. |
- Chỉ số tia UV 0-2,9: Chỉ số này cho thấy lượng bức xạ mặt trời trong ngày rất thấp. Bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các tác hại của tia UV hơn. Hầu hết mọi người có thể ở dưới ánh nắng mặt trời khoảng 1 giờ trong thời gian cao điểm (từ 10h sáng đến 16h chiều) mà không bị cháy nắng.
Nhiệt độ có ảnh hưởng đến chỉ số tia UV hay không?
Phổ bức xạ nhận được trên Trái Đất từ mặt trời bao gồm bức xạ hồng ngoại, bức xạ nhìn thấy được và tia cực tím. Phổ ánh sáng dao động từ màu tím đến đỏ. Màu tím là tia UV, tiếp xúc quá mức có thể gây hại cho con người. Ở đầu bên kia của phổ ánh sáng, màu đỏ là hồng ngoại (bức xạ nhiệt), đây là bức xạ tạo ra sự ấm áp.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng bức xạ nhiệt và tia cực tím là giống nhau. Trên thực tế, chúng đại diện cho các khu vực khác nhau của quang phổ và được phân phối từ mặt trời theo các tỷ lệ khác nhau.
Bảng quang phổ điện từ phân biệt tia cực tím và tia hồng ngoai. Ảnh: Myuv. |
Vì vậy, nhiệt độ ngoài trời không ảnh hưởng đến mức độ bức xạ UV. Chỉ số tia UV có thể cao vào một ngày mát mẻ hoặc thậm chí lại thấp vào một ngày nóng, đặc biệt nếu bầu trời trong xanh. Khi bầu trời có các đám mây mỏng và gió nhẹ, bạn thấy mát mẻ hơn nhưng những loại mây này không làm giảm bớt lượng UV.
Và có những ngày khi trời nóng, da của chúng ta có cảm giác như bị bỏng, nhưng thực tế, sức nóng mà bạn cảm nhận là bức xạ nhiệt hồng ngoại không gây cháy nắng. Tia UV gây hại là vô hình và không thể cảm nhận được.