Đầu năm 2016, Bộ GD&ĐT có Tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện sự sắp xếp các cấp học, bậc học, mức độ liên quan và liên thông giữa chúng với nhau. Đây là cơ sở để xây dựng chương trình sách giáo khoa, hệ thống bằng cấp và hoạt động giáo dục, không đơn thuần là sự sơ đồ hóa các cấp học, bậc học.
Theo khung cơ cấu do Bộ GD&ĐT đề xuất, giáo dục cơ bản sẽ gồm 5 năm học tiểu học và 4 năm THCS. Trong 9 năm này, học sinh sẽ học chung một chương trình, được trang bị những kiến thức cơ bản nhất.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. |
Ở 3 năm THPT, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính gồm: Định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Mỗi luồng sẽ có một chương trình học riêng, học sinh có quyền chọn một trong 3 luồng này.
Học sinh học hết THCS cũng có thể bắt đầu học các trường nghề sơ cấp hoặc trung cấp nếu muốn tham gia thị trường lao động sớm. Như vậy, đến hết năm lớp 9, học sinh phải đủ nhận thức để xác định được mình nên đi theo định hướng nghề nghiệp nào trong tương lai.
Cũng theo khung cơ cấu này, thời gian đào tạo ở bậc đại học cũng được đề xuất giảm xuống còn từ 3 - 4 năm, trong khi thời gian đào tạo tiến sĩ được tăng lên bằng với đào tạo đại học.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với chương trình học cơ bản kéo dài 9 năm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tính tới việc chia luồng, cho phép học sinh tự chọn chương trình học theo năng khiếu và sở thích ngay từ bậc THCS (giống cơ cấu giáo dục của Singapore và Đức). Theo đó, ngay ở bậc THCS đã có các môn học tự chọn bên cạnh những môn bắt buộc như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, xu hướng chủ đạo tại các nước trên thế giới vẫn là dạy giáo dục cơ bản trong 9 năm. Đây là thời gian cần thiết để các em tiếp cận kiến thức nền tảng của tất cả các lĩnh vực khác nhau.
Việc tham khảo mô hình giáo dục ở các nước phải căn cứ trên mục tiêu và điều kiện cụ thể của Việt Nam, bao gồm điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Việt Nam để tránh gây ra quá nhiều xáo trộn khi thay đổi.
Đề xuất khung cơ cấu mới của Bộ GD&ĐT xuất phát từ thực tế cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành tại Việt Nam đang bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ. Chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Bằng cấp giáo dục của Việt Nam ở một số bậc học vẫn chưa được nhiều nước công nhận.