“Bắt đầu từ ngày mai, nhân viên phục vụ sẽ tạm nghỉ để tránh dịch. Thành thật xin lỗi vì không giúp được các bạn”, Nhã Vy (sinh năm 2000), sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành, cảm thấy bất lực khi đọc thông báo mới nhất từ người quản lý.
Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nơi Vy làm thêm đã nhiều lần thay đổi hình thức công việc của nhân viên từ cắt giảm ca làm đến nghỉ dài hạn. Vy và một số đồng nghiệp thuộc trường hợp thứ 2.
“Ngoài thấy hơi buồn thì điều mình lo hơn cả là thu nhập bị giảm hẳn một nửa. Nếu tính số ca đã làm trong tháng này chắc còn được 1 triệu đồng”, Vy nói với Zing.
Hàng loạt cửa hàng, quán ăn đóng cửa vì dịch. Ảnh: Gia Bảo. |
Cùng chung cảnh ngộ với Nhã Vy, Quỳnh Như (quận Tân Bình, TP.HCM), trợ giảng tiếng Anh, cũng mất đi mức lương hàng tháng. Từ khi có thông tin tránh tụ tập đông người, trung tâm của Như chuyển sang hình thức dạy trực tuyến và cho trợ giảng tạm nghỉ một thời gian.
Ngoài phụ cấp của bố mẹ thì số tiền làm thêm giúp Như tự lo chi phí đi lại, ăn uống và chi tiêu cá nhân.
“Tình hình này khiến mọi việc trở nên khắt khe và eo hẹp hơn trước rất nhiều. Lúc trước do được về nhà nên cũng không có ảnh hưởng mấy, nhưng lần này mình định ở lại thành phố nên các chi phí khiến mình đau đầu mỗi ngày”.
Chia sẻ với Zing, không ít bạn trẻ đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi đột ngột mất việc, giảm thu nhập do dịch. Trong thời điểm khó khăn, một số quyết định về quê, số khác tiếp tục theo dõi tình hình trước khi tìm việc mới.
Thu nhập “đóng băng”
Lê Thị Mai Anh (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM), gia sư, bị đẩy thu nhập về mức 0 vì các lớp của cô đều tạm nghỉ.
“Những lần trước bị ảnh hưởng nhưng mà không như đợt này. Các công việc của mình bị trì hoãn hết. Việc làm ăn của mẹ mình cũng bị tác động nghiêm trọng”, Mai Anh nói.
Nhờ có kỹ năng thiết kế đồ họa, nữ sinh định “thử sức” với lĩnh vực này trong khi tìm thêm một số lớp dạy trực tuyến trên mạng.
Tương tự hoàn cảnh của Mai Anh, Ngọc Ánh (20 tuổi, Đắk Lắk), nhân viên PG (viết tắt của Promotion Girl), bị hủy hàng loạt các sự kiện đã lên lịch từ trước.
Với thu nhập hàng tháng trên dưới 10 triệu đồng, Ánh có thể trang trải tiền phòng trọ, chi phí sinh hoạt và đỡ đần cho bố mẹ khá nhiều khoản tiền.
Câu chuyện mất việc, giảm thu nhập vì dịch không phải là chuyện của riêng Ngọc Ánh. Ảnh: NVCC. |
Song từ khi công việc bị đình trệ, mọi nguồn thu của Ánh bị cắt hoàn toàn. Ánh quyết định về quê với bố mẹ một thời gian để “lánh nạn”.
“Mình đã về quê học online và phụ giúp gia đình. Năm sau là mình tốt nghiệp. Do học ngành khách sạn nên mình cũng khá lo lắng với diễn biến dịch phức tạp thế này sẽ gây khó khăn cho vấn đề xin việc sau khi ra trường”, Ánh bày tỏ.
Rút kinh nghiệm
Sau lệnh cấm tập trung đông người của UBND TP.HCM, chương trình âm nhạc mà Phương Trinh (22 tuổi, quận 7, TP.HCM) tham gia tổ chức bị tạm dừng. Vì là freelancer (người làm việc tự do) nên lương của Trinh được tính theo dự án và nhận sau khi sự kiện kết thúc.
Trinh nói có những khoản tiền nhóm của cô đã phải ứng trước cho các bên khác. Vì thế, việc chương trình không diễn ra đúng như dự kiến đã mang đến nhiều khó khăn và vấn đề phát sinh cho ban tổ chức.
“Lực bất tòng tâm” nhưng Trinh không tỏ ra chán nản. “Đây là tình hình chung của cả nước rồi, tiêu cực cũng không giải quyết được gì. Việc cần làm bây giờ là theo dõi sát sao tin tức từ Bộ Y tế, nghỉ ngơi, khám phá thêm những cái mới. Cứ lạc quan là trong ‘cái khó ló cái khôn’ à”.
Nữ sinh cho hay từ đầu năm 2021 đến nay, cô đã dành dụm được một số tiền nho nhỏ, đủ để chi tiêu cơ bản trong mùa dịch nên cũng không quá lo lắng.
Việt Dũng (21 tuổi, sinh viên năm cuối ĐH Kinh Tế TP.HCM), photographer tự do, cho biết ngay khi UBND TP.HCM có lệnh cấm tụ đông người, tất cả lịch chụp kỷ yếu sắp tới đều bị hủy. Ngoài ra, kế hoạch chụp đám cưới, chân dung cũng bị dời cho đến khi dịch bệnh khởi sắc hơn.
Mức lương hàng tháng của Dũng rơi vào khoảng 20-25 triệu đồng. Số tiền này giúp anh trang trải toàn bộ tiền học phí, đầu tư thiết bị và các dự án cá nhân. Trước “làn sóng thứ 4”, Dũng ước tính thu nhập của mình sẽ bị ảnh hưởng khoảng 60%.
Lịch chụp bị hủy, Việt Dũng dành thời gian ở nhà để chăm sóc cây cảnh, học thêm kiến thức mới. Ảnh: NVCC. |
Theo quan sát của Dũng, các bạn bè, đồng nghiệp trong ngành này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều người làm việc trong các khu vui chơi, rạp phim, quán ăn đều phải nghỉ việc hết.
Tuy nhiên có chút hụt hẫng, Dũng cũng không quá lo lắng vì đã có kinh nghiệm từ những đợt trước. Chàng trai 21 tuổi cho hay thay vì hoang mang, hoảng sợ, mọi người nên thích nghi với vấn đề và nhìn nó bằng tinh thần tích cực hơn.
“Những lần nghỉ dịch thế này, mình lại có nhiều thời gian ở nhà hơn để trò chuyện với gia đình, chăm sóc thú cưng và cây cảnh. Do không bị cuốn vào công việc, mình tự nghiên cứu, học được nhiều thứ hay ho trong nhiếp ảnh”.