Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều bệnh nhân mắc cúm nặng, nguy kịch tính mạng

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết biến chủng mới của cúm có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, làm bệnh diễn biến nặng ở phổi và có nguy cơ gây tử vong.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết do biến đổi khí hậu, bộ mặt dịch tễ của bệnh cúm ở nước ta thay đổi rất nhiều. Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, thu đông, đông xuân, nhưng hiện nay, nó xuất hiện quanh năm và có thể gây ra đại dịch trên phạm vi toàn cầu.

Đặc biệt, biến chủng mới của cúm có thể dẫn tới diễn biến bệnh nặng ở phổi, nguy cơ gây tử vong.

Benh cum anh 1
Nhiều bệnh nhân mắc cúm nặng, đang được điều trị. Ảnh: NN.

Theo GS Kính, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gần đây, nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị cúm, trong đó có các trường hợp nặng, chủ yếu là cúm A/H1N1.

Hiện, 4 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 rất nặng, có ca tổn thương phổi nghiêm trọng, 2 phổi trắng xóa, phải chạy ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (một kỹ thuật hỗ trợ điều trị suy hô hấp cấp nặng tốt nhất trên thế giới hiện nay).

Một bệnh nhân là thai phụ ở tuần 31 mắc cúm A, đang được điều trị tích cực. Tuy nhiên, diễn biến bệnh của thai phụ rất nhanh, suy hô hấp và suy đa phủ tạng. Các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân chạy ECMO để cứu tính mạng.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng cảnh báo thời điểm này, số bệnh nhi đến khám về cúm và sởi đều tăng. Khoa đang điều trị cho 30 trẻ mắc cúm và 30 trẻ mắc sởi, đa số đều có biến chứng viêm phổi.

Bác sĩ Thiện Hải nhận định các bệnh nhi cúm có điểm bất thường hơn là thời gian sốt của trẻ kéo dài đến 7-8 ngày, trong khi trước đó, trẻ thường chỉ sốt 3-4 ngày.

Theo chuyên gia, thời tiết như hiện nay nóng lạnh bất thường, cùng độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, đặc biệt là virus cúm, sởi… Cách phòng tránh tốt nhất cho trẻ là tiêm phòng vắc xin sởi và cúm, đồng thời, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng, tránh xa nơi đông người, vốn có nguồn lây lớn.

Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng nhiễm cúm nhưng không đến viện, khám tại phòng tư, bác sĩ chẩn đoán nhầm viêm họng cấp, sau đó chỉ định uống kháng sinh (tình trạng này khá phổ biến). Thậm chí, phụ huynh tự mua thuốc cho con điều trị ở nhà, khi bị nặng mới đưa tới bệnh viện với biến chứng viêm phổi.

GS Kính cho hay vấn đề đáng báo động hiện nay trên thế giới là virus cúm đã kháng lại các thuốc chống cúm được sử dụng từ lâu như Tamiflu. Tại Trung Quốc, Tamiflu đã kháng với tỷ lệ rất cao, phải dùng thuốc điều trị cúm khác. Còn tại Việt Nam, qua nghiên cứu dịch tễ học và điều trị trên lâm sàng, thuốc Tamiflu tại Việt Nam có tỷ lệ kháng 10%-15% nên vẫn được sử dụng để điều trị.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6 giờ/lần để giảm nguy cơ co giật, cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, súc họng. Cha mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể. Điều này rất quan trọng đối với trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Dấu hiệu phân biệt bệnh cúm và cảm lạnh Cúm và cảm lạnh có nhiều triệu chứng tương tự nhau như ho, sốt, nghẹt mũi ở mức độ khác nhau. Nhiều người thường nhầm lẫn chúng, dẫn đến điều trị sai cách, lâu khỏi bệnh.

Bé gái gốc Việt 7 tuổi tử vong vì bệnh cúm

Các bác sĩ kêu gọi mọi người nên tiêm phòng cúm mỗi năm sau khi một bé gái người Mỹ gốc Việt tử vong vì bệnh cúm.

Mẹ và song thai tử vong vì mắc cúm A/H1N1

Một phụ nữ (31 tuổi, quê Thanh Hóa) và song thai (24 tuần tuổi) đã tử vong do gặp biến chứng quá nặng khi mắc cúm mùa.


Minh Tuệ

Bạn có thể quan tâm