Theo Sohu.com, Lâm Lệ (tên đã được thay đổi), 34 tuổi, là một nhân viên bán hàng trong hệ thống NuSkin trong nhiều năm. Hồi cuối tháng 2, cô chia sẻ với chồng bị sốt cao vài ngày và rất mệt mỏi. Chồng cô, Tô Vĩ, khuyên vợ đến bệnh viện để khám và điều trị. Tuy nhiên, Lâm Lệ nhất định không chịu đi và khẳng định rằng cô đang uống nước ép để giải độc và sẽ khỏi bệnh.
Đến sáng 1/3, Tô Vĩ đang làm việc ở xa gọi video cho vợ nói chuyện thì thấy sức khỏe cô giảm sút và không có tinh thần nên nhất quyết khuyên cô đi bệnh viện. Lần này cô không từ chối cũng không đồng ý, có lẽ cô quá mệt để nói ra bất cứ lời nào. Dự cảm điều chẳng lành anh mua vé máy bay về Bắc Kinh ngay sáng hôm đó, không quên gọi điện cho bố mẹ đẻ của Lâm lên ngay với con gái để chăm sóc cô.
Cô Lâm tử vong vì uống nước ép thay vì đi bệnh viện. Ảnh: Sohu. |
Bố mẹ cô cũng bắt tuyến xe cao tốc gần nhất đi Bắc Kinh, dọc đường còn cúi gập người xin những người xếp hàng phía trước nhường cho ông bà lên xe.
Khi được đưa đến bệnh viện ở địa phương, các bác sĩ không dám tiếp nhận bệnh nhân do tình trạng của Lâm Lệ đã quá nặng. Chuyển lên bệnh viện lớn hơn, ngay lập tức cô được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt ICU. Bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe của cô đang ở mức cực kỳ nguy cấp.
Cô Lâm sốt cao, ho ra máu, các chỉ số sinh tồn cực thấp, có dấu hiệu suy đa tạng. Khám lâm sàng cho thấy kết quả toàn bộ phổi của cô bị viêm nặng, nhiều dịch.
Do tình trạng bệnh quá nghiêm trọng và bệnh nhân chậm trễ trong việc đến bệnh viện điều trị biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng suy đa phủ tạng. Lâm Lệ tử vong lúc 0h30 phút ngày 2/3. Bố mẹ của Lâm đến trễ, chỉ kịp nhìn thấy thi thể bất động của con gái trong nhà xác.
Nguyên nhân cái chết của Lâm và sự chậm trễ trong việc điều trị khiến bác sĩ đặc biệt lưu tâm. Từ việc bị cảm cúm thông thường tại sao bệnh nhân có thể nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi và suy đa tạng?
Tô Vĩ cho biết trước đây vài năm vợ mình có tham gia hệ thống bán hàng đa cấp của công ty NuSkin và thường xuyên sử dụng sản phẩm. Thậm chí, cô còn nghe các cấp trên trong hệ thống nói rằng có bệnh không nên đi bệnh viện, chỉ nên ở nhà và uống nước ép G3 - một loại nước ép bổ trợ của NuSkin là có thể khỏi bệnh. Cơ thể sốt cao là do G3 đang phát huy tác dụng và thải độc khỏi cơ thể.
Loại nước ép được cho là thần kỳ có thể chữa khỏi bệnh. Ảnh: Sohu.com |
Vì vậy, trong những ngày sốt cao cô không uống thuốc, không ăn cơm chỉ uống duy nhất loại nước ép này. Nó được NuSkin tung hô là thần dược cho cơ thể, được chiết xuất từ “loại quả từ thiên đường” hay còn gọi là quả gấc, giúp hồi phục sức khỏe, giảm béo, thải độc....
Theo Bộ Y tế Trung Quốc loại nước ép G3 của NuSkin được đăng ký ở hạng mục “thực phẩm bổ trợ” chứ không phải thực phẩm chức năng, nó cũng không hề có tác dụng chữa bệnh thần kỳ như Lâm vẫn nói.
Theo chia sẻ của người chồng, từ khi tham gia vào NuSkin Lâm thường xuyên bỏ bê gia đình để tham gia các hoạt động của công ty và mua về rất nhiều sản phẩm. Hàng ngày khi vừa tỉnh giấc Lâm đã uống nước ép kèm theo 16 viên nang thực phẩm chức năng thay cho việc ăn sáng bình thường, thậm chí cô và một số chị em trong hệ thống còn đi tuyên truyền rằng sử dụng các sản phẩm của NuSkin còn giúp thanh lọc cơ thể và chữa ung thư.
Bác sĩ cho rằng cách của Lâm hoàn toàn không khoa học và y học không hề cổ vũ điều đó. Thậm chí, nếu lạm dụng trong thời gian dài, sức khỏe của người dùng sẽ bị ảnh hưởng. Cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận liệu NuSkin có phải là nguyên nhân gây ra cái chết của Tô Lâm hay không nhưng sự tin tưởng dành cho G3 đã làm cho Lâm chận trễ trong việc điều trị và trả giá bàng chính sinh mạng của mình.
Vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho những phụ nữ tin tưởng và sử dụng quá độ các loại thực phẩm chức năng thay cho thực phẩm thông thường.