Ngày 10/11, nghị trường Quốc hội "nóng" với phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế liên quan vấn đề loạn giá xét nghiệm. Trong khi trước đó một ngày, Bộ Y tế đã ban hành thông tư áp giá tối đa có thể thanh toán cho các xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế.
Thông tư ban hành với mức giá tối đa 109.700 đồng với test nhanh và 734.000 đồng với xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp.
Các bệnh viện điều chỉnh giá xét nghiệm
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện quận 1 (TP.HCM) cho biết, hiện mức giá xét nghiệm nhanh tại đơn vị này có sự thay đổi.
Trước đó, giá test nhanh tại Bệnh viện quận 1 là 83.000 đồng. Sau khi có thông tư mới, đơn vị này thu thêm 16.400 đồng/test là giá dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, tiền lương) của đơn vị theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Như vậy, giá hiện tại của Bệnh viện quận 1 là 99.400 đồng.
Tuy nhiên, bác sĩ Tâm cho biết thời gian tới, bệnh viện đã mua được loại kit test của Hàn Quốc, có mức giá thấp hơn, chỉ khoảng 65.000 đồng. Do đó, sắp tới, Bệnh viện quận 1 thu mức giá test nhanh là 81.400 đồng, vẫn thấp hơn giá thấp hơn mức giá quy định của Bộ Y tế.
"Chúng tôi muốn tìm kiếm và sử dụng loại test tốt nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Mức giá xét nghiệm cao hay thấp tùy vào chi phí mua đầu vào, sau đó cộng thêm 16.400 đồng theo giá dịch vụ của Bộ Y tế", bác sĩ Tâm nói.
Shipper xếp hàng chờ test nhanh tại quận Gò Vấp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bệnh viện quận 1 (TP.HCM) là một trong những cơ sở y tế thu chi phí xét nghiệm rẻ tại thành phố. Do đó, mỗi ngày, đơn vị này khoảng 1.000 lượt người đến xét nghiệm. Đa số là xét nghiệm theo yêu cầu để về quê, làm việc, shipper và một số ít bệnh viện dùng để sàng lọc người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phó giám đốc Bệnh viện 11, cho biết giá xét nghiệm nhanh tại đơn vị này đã được điều chỉnh từ 126.000 đồng xuống còn 81.400 đồng.
"Trong giai đoạn dịch cao điểm, chúng tôi lo ngại test nhanh có tỷ lệ dương tính giả nên dùng loại kit test tốt của Abbott và lấy giá 126.000 đồng. Bệnh viện đã hết gói thầu này và mua của hãng khác có giá thành rẻ hơn. Giá xét nghiệm của chúng tôi phụ thuộc loại kit test mua vào. Test kit mới cũng là loại tốt do Đức sản xuất", bác sĩ Vân nói với Zing.
Theo đại diện Bệnh viện quận 11, đơn vị này thu giá xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế nên không bị lỗ mặc dù mức chi phí này thấp hơn quy định giá tối đa của Bộ Y tế.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết sau khi quy định mới của Bộ Y tế được ban hành, bệnh viện đã chủ động thay đổi mức giá test nhanh, từ 120.000 đồng trước đây xuống còn 109.700 đồng.
Ngày 28/10, Sở Y tế TP.HCM công khai giá xét nghiệm tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là 124.000 đồng. Sau thông tư của Bộ Y tế, đại diện bệnh viện cho biết đã điều chỉnh lại chi phí test nhanh theo đúng giá áp của Bộ Y tế.
Giá xét nghiệm ở Tân Sơn Nhất giảm
Trao đổi với Zing, đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết đơn vị này vừa điều chỉnh lại mức giá xét nghiệm test nhanh và rRT-PCR tại 2 cơ sở ở TP.HCM, Hà Nội và sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, ngày 19/7, đơn vị này triển khai dịch vụ xét nghiệm tại Tân Sơn Nhất. Chi phí xét nghiệm lúc này tại bệnh viện là 350.000 đồng/test nhanh. Tại sân bay, giá xét nghiệm nhanh là 540.000 đồng, xét nghiệm rRT-PCR là 1,69 triệu đồng/mẫu/người, rRT-PCR mẫu gộp 5 người là 3,95 triệu đồng/mẫu gộp.
Giải thích về mức giá này, đại diện bệnh viện cho biết đây là thời điểm tháng 6-7, giá kit test cao, khan hiếm, bệnh viện mua kit của Mỹ, giá mua vào có thời điểm gần 200.000 đồng/bộ, chưa bao gồm các chi phí phát sinh.
Khu vực xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: BVCC. |
Đến tháng 10, khi giá kit test giảm hơn do nguồn cung trên thị trường tăng, bệnh viện này giảm giá xét nghiệm nhanh tại bệnh viện xuống còn 250.000 đồng/test và 440.000 đồng/test tại sân bay.
Từ ngày 17/11, Bệnh viện giảm giá lần thứ 2 do lượng hành khách tăng, giá kit test đầu vào giảm. Hiện giá test nhanh tại bệnh viện là 200.000 đồng/mẫu/người, xét nghiệm rRT-PCR là 1.100.000 đồng/mẫu/người.
Tại Tân Sơn Nhất, giá test nhanh mới 285.000 đồng/mẫu/người, xét nghiệm rRT-PCR là 1.220.000 đồng/mẫu/người.
"Chỉ khoảng một tuần gần đây, chúng tôi được hơn 100 khách/ngày tại sân bay. Mấy tháng trước rất đìu hiu, có ngày không có khách dù đã có chuyến bay, ngày được vài người nhưng bệnh viện cố gắng duy trì ê-kíp", đại diện bệnh viện trần tình.
Giám đốc một bệnh viện tư nhân khác cho biết đơn vị này không thay đổi mức giá xét nghiệm như đã niêm yết trước đó là 250.000 đồng/test nhanh/người, bởi quy định của Bộ Y tế không áp dụng với cơ sở y tế tư nhân.
Thông tư của Bộ Y tế được áp dụng cho thanh toán khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, giá trần cho bệnh viện công lập. Còn với cơ sở y tế tư nhân vẫn áp dụng theo hình thức thực thanh thực chi, được quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai giá.
Theo khảo sát của Zing, một số cơ sở y tế tư nhân đã chủ động giảm giá test nhanh so với bảng giá Sở Y tế TP.HCM niêm yết trước đó. Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) giảm giá từ 800.000 đồng xuống còn 700.000 đồng/test/người.
Bệnh viện Đa khoa Đức Khang giữ nguyên giá test nhanh là 238.000 đồng (xét nghiệm theo yêu cầu) và 198.000 đồng khi test cho người đến khám bệnh.
Ngược lại, theo bảng niêm yết của Sở Y tế TP.HCM, giá test nhanh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là 238.000 đồng, trong khi đó, bệnh viện này đang thu giá 338.000 đồng/test/người đối với xét nghiệm theo yêu cầu.
Trong tại buổi chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần có thông tư quy định giá trần và yêu cầu các cơ sở tư nhân chấp hành để đảm bảo quyền lợi cho người dân và Bộ Y tế, sở y tế phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Trao đổi lại, Bộ trưởng Y tế cho hay không áp dụng hình thức quản lý giá đối với các đơn vị y tế tư nhân. Giá do các đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng niêm yết công khai.
"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu để cùng các đơn vị đưa ra hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Giải thích về tình trạng “loạn giá”, ông Long cho hay trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cũng cao hơn.
Bộ trưởng trần tình do quá bận bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị đã nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Bộ đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu này.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.