Chiều 26/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử nhóm khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản lần lượt xét hỏi 14 bị cáo có liên quan đến vụ đốt bãi xe của Công an Biên Hòa (Đồng Nai) và đặt bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Có biết hậu quả nếu bom xăng phát nổ giữa nhà ga sân bay?
Trong phần xét hỏi bị cáo Trương Tấn Phát, người cùng với Ngô Thụy Tường Vy thực hiện vụ đặt bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22/4, Phát khai cùng với Vy chở thùng bom xăng vào sân bay.
Ban đầu, theo kế hoạch sẽ đặt ở cột số 9 nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, lo lắng sẽ gây hậu quả lớn nên Phát đặt ở gần cột có thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26/12. Ảnh: CTV. |
Khi chủ tọa Phạm Lương Toản đặt câu hỏi: “Bị cáo có biết nếu đặt bom ở chỗ đông đúc như vậy sẽ gây hậu quả, đe dọa tính mạng của nhiều hành khách tại sân bay quốc tế không?”. Phát khai do lo sợ nguy hiểm đến tính mạng nhiều người nên đã tháo pin ra khỏi thiết bị điều khiển từ xa để quả bom không bị kích nổ.
Trong khi đó, Vy khai khi kích nổ quả bom thứ 2, cô nghĩ rằng thiết bị điều khiển từ xa trong quả bom không có pin. Tuy nhiên, quả này có pin đầy đủ nên đã phát nổ làm xăng bốc cháy ngùn ngụt, hành khách hoảng loạn bỏ chạy.
Ở phần cuối phiên xét hỏi, Tường Vy nói nếu biết hành vi sẽ bị truy tố với tội danh cao như vậy thì sẽ không bao giờ làm.
“Bị cáo biết mình đã sai, vì sự thiếu suy nghĩ mà có thể gây hậu quả nghiêm trọng”, Vy nói.
Bị cáo Đặng Hoàng Thiện thừa nhận hành vi đốt kho xe của Công an Biên Hòa và đặt bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Nguyễn Đức Sinh cũng khai nhận là người trực tiếp tham gia và phân công đồng bọn tổ chức đốt kho xe ở Biên Hòa. “Đốt kho xe là ý của Phạm Lisa để gây tiếng vang”, Sinh khai.
Dùng bom xăng tấn công đồn công an chỉ là... chém gió
Bị cáo Hùng Văn Vương khai các kế hoạch dùng bom xăng tấn công đồn công an, đồn biên phòng... chỉ là hành động chém gió trên Facebook chứ không phải là sự thật. Vương cũng khẳng định không hề nhận tiền của tổ chức nào để lên kế hoạch các vụ khủng bố.
Cũng như bị cáo Vương, Bùi Công Thành khai đã lôi kéo nhiều người vào các “nhóm hành động”.
Nhóm này dự kiến chế tạo bom khói, bom xăng phục vụ cho các hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, Thành khai: “Nói vậy thôi chứ chưa thực hiện”.
Nhóm khủng bố này cũng là thủ phạm của vụ cháy tại bãi tạm giữ xe công an TP Biên Hòa. Ảnh: Ngọc An. |
Bị cáo Trần Văn No cũng khai rằng các phát ngôn về kế hoạch đặt bom ở sân bay Tân Sơn Nhất "chỉ là chém gió" chứ không hề tham gia.
Trong khi đó, Trần Quốc Lượng khai đã nhận 13 triệu đồng từ Phạm Lisa qua tài khoản ngân hàng. Lượng đã dùng số tiền này để mua các mũi khoan, phương tiện để chế tạo súng bút dùng cho kế hoạch khủng bố.
Bị cáo đã gửi hai khẩu súng bút này qua Bến xe Miền Đông cho người không rõ tên nhưng 2 tuần sau lại nhận được gói hàng. Tiếp đó, Lượng tìm cách bán súng bút cho một người trên Facebook.
Trong khi đó, các bị cáo Nguyễn Thị Chung, Vũ Mộng Phong, Thái Hàn Phong tiếp tục phủ nhận việc tham gia vào các “nhóm hành động” với vai trò đồng phạm của Thiện và Sinh.
Phiên tòa xét xử các bị cáo tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ 26 đến 29/12. Sáng 27/12, phiên tòa sẽ diễn ra với phần tranh luận giữa các bên.
Theo cáo trạng, Đào Minh Quân là người cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài.
Năm 2016, Quân móc nối với Phạm Lisa lôi kéo nhiều người trong và ngoài nước thông qua mạng xã hội, thành lập các "nhóm hành động" để thực hiện các vụ khủng bố.
Giữa tháng 4, Phạm Lisa chuyển cho Thiện cùng đồng phạm gần 12 triệu đồng rồi chỉ đạo nhóm này mua vật liệu chế tạo bom xăng, kích nổ bằng điều khiển từ xa với mục đích gây cháy nổ sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp lễ 30/4.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Sinh, Thiện cùng 5 đồng phạm khác đã đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông số một của Công an TP Biên Hòa, phá hủy 320 chiếc xe, gây tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.