Sáng 19/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Theo thông báo trước đó của chủ tọa Trần Minh Châu, tòa ngừng nhận đơn của các bị hại đến hết trưa 16/12. Các bị hại chưa kịp nộp đơn và tài liệu liên quan, nếu thấy cần thiết, nộp đơn ra tòa án để giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác.
Ngoài ra, đối với các bị hại yêu cầu được nhận lại đất, tòa sẽ xem xét yêu cầu này, nếu đủ điều kiện nhận đất, HĐXX sẽ xem xét yêu cầu; nếu không đủ điều kiện, tòa sẽ xem xét bác yêu cầu này, bị hại tự chịu trách nhiệm về các yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, sáng nay, khoảng hơn 100 bị hại đến tòa xếp hàng nộp đơn. Một số bị hại cho rằng họ không theo dõi và không nhận được thông báo nên không biết thời hạn nộp đơn đến HĐXX. Nhiều người tỏ vẻ lo lắng, lo sợ không nộp đơn thì sẽ không được tòa xem xét cho họ được nhận lại số tiền đã đầu tư vào Alibaba.
Các bị hại đến tòa nộp đơn sáng 19/12. Ảnh: Dương Trang. |
Có mặt tại tòa, chị Lê Hoàng Y. (46 tuổi, ngụ Đồng Nai) bật khóc khi cho biết chị mua 3 lô đất thuộc 3 dự án khác nhau của Alibaba và đứng tên chung với nhân viên của công ty này để hưởng chiết khấu. "Do không theo dõi nên tôi không nắm được thời hạn nộp đơn. Hôm qua, nhân viên Alibaba gọi cho tôi bảo mang hồ sơ lên tòa trình báo thì tôi mới biết", chị Y. lo lắng.
Hôm 17/12, trước khi kết thúc phần xét hỏi các bị hại, trình bày trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho biết những tài sản hiện có của Alibaba đủ để trả tiền cho khách hàng như đã cam kết. Bị cáo mong khách hàng bình tĩnh chờ tòa xem xét, nếu đầy đủ hồ sơ giấy tờ thì sẽ được nhận lại toàn bộ tiền...
"Quý vị cứ đối chiếu hồ sơ để giữ quyền lợi cho mình theo đúng giao dịch dân sự công ty đã cam kết. Alibaba sẽ trả toàn bộ số tiền gốc và lãi theo hợp đồng cho các bị hại. Ngoài ra, công ty sẽ khắc phục số tiền mà khách hàng phải bỏ ra để đóng lãi ngân hàng trong thời gian qua", Luyện nói.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo cáo buộc, nguồn tiền mua đất nông nghiệp của Nguyễn Thái Luyện được huy động từ khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật. Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền, hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Luận tội sáng 19/12, đại diện VKS nhận định bị cáo Luyện rao bán cái mình không có, lừa dối người mua hàng bằng thủ đoạn lập hệ thống các tổ chức công ty để che giấu hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại. Đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân; đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh năm tù 16-18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo là đồng phạm của Luyện bị VKS đề nghị từ mức án từ 12-20 năm tù về cùng tội danh trên. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực bị VKS đề nghị mức án 30 năm tù về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị phạt từ 5-6 năm tù về tội Rửa tiền.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.