Nhiều nhà hoạt động tại xứ củ sâm nhận định hành động đe dọa, bêu xấu những người nhiễm Covid-19 và cố gắng kiểm soát quá mức cuộc sống cá nhân của nhân viên là vi phạm nhân quyền, theo Korea Times.
Một số chính quyền trung ương và địa phương nước này cũng đang bị cáo buộc lạm quyền khi lên kế hoạch khiển trách công chức nếu họ bị nhiễm Covid-19 sau khi không tuân thủ hướng dẫn không tham gia các cuộc họp, sự kiện, bữa trưa hoặc bữa tối không cần thiết.
Ngày 16/11, một quản lý của công ty DB Financial Investment đã gửi tin nhắn đe dọa tới tất cả nhân viên công ty sau khi một nhân viên được xác nhận mắc Covid-19.
"Không thể kỷ luật hay trừng phạt cô ấy chỉ vì cô ấy bị nhiễm bệnh, nhưng chúng tôi sẽ thể hiện sự tác động thông qua hoạt động quản lý nhân sự như đánh giá tiêu cực tùy theo cách cô ấy bị nhiễm bệnh", ông viết.
Vị quản lý cũng lưu ý rằng nhiều nhân viên khác đã tự cách ly do tiếp xúc với nữ nhân viên mắc bệnh, có nghĩa là việc này gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc ở công ty.
Nhiều công ty Hàn Quốc bị chỉ trích vì đe dọa phạt nhân viên mắc Covid-19. Ảnh: AFP. |
Sau phản ứng dữ dội từ nhân viên, DB Financial Investment tuyên bố tin nhắn đó chỉ nhằm khuyến khích nhân viên tuân thủ các quy tắc cách ly để tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, công ty cho biết nữ nhân viên kia sẽ sớm trở lại làm việc sau khi khỏi bệnh mà không gặp phải bất lợi nào.
Vào tháng 2, trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh, Dongwon Home Food và Kyongnam Bank cũng gửi email và tin nhắn cho nhân viên, nói rằng họ sẽ bị khiển trách nếu nhiễm bệnh.
“Thông báo gần đây của công ty nói rằng chúng tôi nên điền vào bảng câu hỏi mỗi ngày liên quan đến Covid-19 và công ty sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chúng tôi điền bất kỳ thông tin sai lệch nào”, Lee, nhân viên văn phòng 36 tuổi ở Seoul, cho biết.
"Thật khó chịu khi đọc thông báo vì nó như là lời cảnh báo ngầm rằng nhân viên sẽ bị trừng phạt nếu nhiễm virus", Jo, nhân viên 29 tuổi tại một công ty nhà nước, nói.
Các nhà hoạt động lo ngại việc đe dọa kỷ luật chỉ khiến nhiều người giấu các triệu chứng bệnh hơn. Ảnh: AFP. |
Jo cho biết đồng nghiệp của cô cũng phản đối mạnh mẽ lời đe dọa khiển trách những người vi phạm quy tắc kiểm dịch và bị nhiễm Covid-19.
“Các thông báo nói rằng tất cả cuộc họp riêng tư đều bị hạn chế, nhưng các tiêu chí thế nào là 'riêng tư' lại rất mơ hồ. Vì vậy, chúng tôi không chắc liệu mình có thể tổ chức các cuộc họp với khách hàng hoặc đồng nghiệp hay không”, Jo cho hay.
Nhiều nhà hoạt động nhận định các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội rất quan trọng trong thời điểm này. Tuy nhiên, việc các công ty kiểm soát cuộc sống riêng tư của nhân viên thông qua đe dọa đánh giá nhân sự tiêu cực và xử lý kỷ luật là quá đáng.
Cũng có lo ngại rằng những thông báo dọa nạt sẽ chỉ khiến nhiều người che giấu triệu chứng bệnh để tránh bị phạt và phân biệt đối xử mà thôi.
“Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch kéo dài này. Phương pháp đe dọa như vậy gây hại nhiều hơn lợi và không giúp ích gì cho công việc kiểm dịch", Kim Seok-ho, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, nói.