Sau bài đăng về người phụ nữ 29 tuổi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa làm quản gia, bảo mẫu, cộng đồng mạng Trung Quốc dấy lên làn sóng tranh cãi mạnh mẽ. Một số người cho rằng lựa chọn của người phụ nữ này khiến công sức học tập phí hoài, không đẳng cấp, chỉ dành cho những cử nhân ít trình độ.
Đây không phải lần đầu tiên cử nhân các trường danh tiếng lựa chọn công việc như vậy. Nó cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường việc làm tại đất nước tỷ dân.
Bị chỉ trích vì đi ngược thang giá trị của số đông
Theo SCMP, hồ sơ được đăng tải trên mạng bởi công ty quản lý việc làm Your Trust Home Service. Người phụ nữ tên Li Jing, 29 tuổi, quê Nam Kinh và muốn làm quản gia cho một nhà phù hợp với mức lương 35.000 nhân dân tệ (hơn 126 triệu đồng)/tháng.
Trong bảng lý lịch, Jing từng lấy bằng cử nhân của Đại học Thanh Hoa - ngôi trường danh tiếng, được ví như Học viện Công nghệ Massachusetts tại Trung Quốc, theo Vice. Đại học này là nơi nhiều nhà khoa học, kỹ sư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn từng theo học. Theo QS World University Rankings năm 2020, trường xếp thứ 15 thế giới.
Bản lý lịch gây tranh cãi của Li Jing. Ảnh: SCMP. |
Bản lý lịch cũng cho biết Jing có kinh nghiệm làm giúp việc, bảo mẫu từ năm 2016. Những người chủ trước đó của cô đều là khách hàng giàu có, sống tại một số khu dân cư đắt đỏ của Thượng Hải. Trong hồ sơ, Jing tự giới thiệu bản thân thành thạo tiếng Anh, được học ngoại ngữ từ khi còn nhỏ.
Những thông tin này được đăng tải trên mạng đã dấy lên làn sóng tranh cãi mạnh mẽ. Nhiều người chỉ trích, gọi hành động của Li Jing là sự lãng phí.
“Xin hãy nhớ những đại học danh tiếng nhất đào tạo ra nhân tài có sứ mệnh cải thiện, thay đổi đất nước và mang lại lợi ích cho tất cả người dân. Làm gia sư cho một gia đình chẳng phải quá lãng phí tài năng hay không?”, SCMP dẫn bình luận của một tài khoản trên Weibo.
Để đủ điều kiện vào những ngôi trường danh giá như Đại học Thanh Hoa, học sinh Trung Quốc phải trải qua nhiều năm học tập căng thẳng. Kỳ thi đại học gaokao trở thành cơn ác mộng, sự kiện trọng đại của không chỉ thế hệ học sinh mà còn phụ huynh, giáo viên. Hai đại học nổi tiếng khó thi vào nhất của Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Theo báo cáo của Đại học Thanh Hoa năm 2020, hầu hết sinh viên tốt nghiệp từ cơ sở giáo dục này đều làm việc trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, giáo dục. Thang giá trị trong xã hội Trung Quốc mặc định cho rằng cử nhân của trường phải làm những công việc có địa vị tốt, lương cao.
Vì vậy, khi một số sinh viên tốt nghiệp chọn trở thành quản gia hoặc bảo mẫu - những công việc vốn bị coi nhẹ, ít được đánh giá cao - đã khiến nhiều người so sánh, đặt lên bàn cân để bàn luận liệu đây có phải lựa chọn lãng phí tài năng.
Để vào các trường đại học danh tiếng, các sinh viên phải vượt qua kỳ thi gaokao đầy khắt khe và khốc liệt. Vì vậy, không ít người cho rằng lựa chọn làm bảo mẫu của Li Jing là lãng phí tài năng. Ảnh: CNN. |
Ngày 27/5, đại diện công ty đăng tải bản lý lịch trên xác nhận trình độ học vấn của Li Jing được họ tra cứu trên hệ thống và thông tin tìm kiếm việc làm cũng là sự thật. Theo người này, thực tế, trong ngành dịch vụ gia đình, Li Jing được xếp vào nhóm “nhân sự cấp cao”. Họ thường làm gia sư, quản gia, không phải các công việc tay chân như nhiều người vẫn nghĩ về giúp việc truyền thống.
Ngoài công việc bảo mẫu, gia sư cho những gia đình giàu có, nhiều sinh viên khác tốt nghiệp đại học danh tiếng và lựa chọn trái ngành, trái nghề. Tờ China Youth Daily từng đưa tin một số cử nhân đại học top đầu làm công việc chăn nuôi ở các trang trại nuôi lợn.
Bên cạnh việc chỉ trích, mức lương của Li Jing cũng được đem ra bàn luận sôi nổi. “Cô ấy không phải bảo mẫu bình thường, về cơ bản, nghề nghiệp của cô ấy là giáo viên tư nhân. Hãy nhìn vào mức lương của cô ấy đi. Nó cao đến mức tương đương quản lý cấp cao của các doanh nghiệp. Tôi ghen tị với Li Jing”, The Paper trích một bình luận.
“Những người gọi lựa chọn của Li Jing là sự lãng phí có sẵn sàng trả tiền để thuê cô ấy công việc nào có mức lương cao như vậy không?”, một tài khoản phản đối quan điểm chỉ trích Jing.
Số khác lại cho rằng chúng ta không nên đánh giá năng lực hoặc hạ thấp một con người chỉ vì công việc của họ, nhất là khi thị trường lao động rất cạnh tranh. “Đó chỉ là lựa chọn của mỗi người, chúng ta không thể đánh giá nghề họ chọn là thấp kém hay cao quý”, một bình luận trên WeChat nhận được nhiều ủng hộ.
Tốt nghiệp đại học danh tiếng, nhiều người nhận chỉ trích khi lựa chọn các công việc trái ngành, bị cho là "kém sang". Ảnh: Quartz. |
Xu hướng mới tại Trung Quốc trước thị trường việc làm khốc liệt
Tại Trung Quốc, hai tỷ phú Lục Bộ Hiên và Trần Sinh - cử nhân Đại học Bắc Kinh - cũng từng tạm cất bằng đại học để bán thịt lợn. Vì vậy, theo Vice, một số nhà bình luận cho rằng việc cử nhân đại học theo đuổi công việc “kém sang” hơn với mức lương cao là điều hiển nhiên, nhất là khi thị trường việc làm tại đất nước tỷ dân ngày càng khắt khe.
Cuối tháng 3, SCMP dẫn một báo cáo cho thấy Trung Quốc đang có 15 triệu lao động ở thành thị, gồm 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, sẽ gia nhập thị trường việc làm trong năm nay. Đây là con số cao kỷ lục, gây áp lực với đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Zhang Jinan, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, cho biết tình hình việc làm năm 2021 tại nước này đầy thách thức vì nền kinh tế còn rất nhiều bất ổn, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn chưa thể đẩy lùi hoàn toàn.
Một cuộc khảo sát năm 2020 của trang tuyển dụng Zhaopin cho thấy sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa có mức lương trung bình hàng tháng là 2.780 USD, cao nhất trong số các cử nhân tại Trung Quốc. Hầu hết công việc trong các doanh nghiệp trả lương cao đều yêu cầu bằng cấp sau đại học, tức trình độ thạc sĩ, tiến sĩ…
Tuy nhiên, mức lương của sinh viên tốt nghiệp đều không cao như nhiều người mong đợi. Theo công ty tư vấn Mycos (trụ sở ở Bắc Kinh), mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên tốt nghiệp đại học khóa 2018 và khóa 2019 lần lượt là 4.624 và 5.440 nhân dân tệ (tương đương 722 USD và 850 USD).
Để thu hút những sinh viên tốt nghiệp, nhiều công ty chăn nuôi gia súc đưa ra mức lương trong năm hấp dẫn: 120.000 - 200.000 nhân dân tệ cho người bằng cử nhân (khoảng 18.738 USD - 31.231 USD); 180.000 - 300.000 nhân dân tệ với nhân viên có bằng thạc sĩ (28.108 USD - 46.847 USD) và ít nhất 300.000 nhân dân tệ cho người có bằng tiến sĩ.
Mức lương quản gia cho giới siêu giàu, thượng lưu ở Trung Quốc được xếp vào hàng cao trong thị trường. Ảnh: NY Times. |
Sự xuất hiện của quản gia ưu tú cũng cho thấy bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội. Người nghèo vẫn vật lộn để leo lên bậc thang xã hội qua công việc vất vả, đồng lương ít ỏi. Trong khi đó, giới siêu giàu, tỷ phú có được những cử nhân tài năng, xuất chúng làm quản gia, dạy tiếng Anh cho con cái họ khi chúng mới biết đi.
Your Trust Home Service là được xem là chợ việc làm phổ biến ở Trung Quốc dành cho giới thượng lưu. Trả lời tờ Southern Metropolis, tổ chức này cho biết khách hàng giàu có rất thích tuyển người có trình độ, học vấn cao để làm gia sư, bảo mẫu hoặc quản gia. Các quản gia ưu tú chịu trách nhiệm quản lý giúp việc khác trong gia đình, tổ chức những bữa tiệc đẳng cấp quốc tế, khắt khe, chỉn chu.
"Lương tháng của những người quản gia cấp cao nằm ở mức 15.000 - 50.000 nhân dân tệ/tháng. Những người có trình độ như Li có thể đạt mức lương 600.000 nhân dân tệ/năm", vị quản lý nói.
Theo The Paper, người này cũng tiết lộ những ứng viên tài năng như Li Jing rất hiếm nhưng cô không phải trường hợp duy nhất: “Chúng tôi có những bảo mẫu từng lấy bằng thạc sĩ, tốt nghiệp từ những đại học hàng đầu ở nước ngoài”.
Vị quản lý của Your Trust Home Service cũng tiết lộ một loạt lý lịch hấp dẫn khác. Điển hình, một phụ nữ tự giới thiệu họ là chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận quốc tế và kinh nghiệm massage trị liệu cho trẻ em. Kỹ năng của người này còn có nấu bào ngư, vây cá mập, tổ chức tiệc hạng sang, lái những ôtô đắt đỏ như Rolls-Royce, Mercedes-Benz và BMW.