![]() |
Hai ca ghép thận được thực hiện song song, mang lại sự sống cho hai bệnh nhân suy thận mạn. Ảnh: BVCC. |
Đầu tháng 3, anh C.G.C. (34 tuổi, dân tộc Nùng) được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do đa chấn thương vùng đầu, cổ, ngực sau tai nạn lao động.
Kết quả chụp MSCT não cho thấy anh bị chấn thương sọ não nặng với nhiều tổn thương nghiêm trọng như tụ máu dưới liềm não, tụ máu màng cứng hai bên, xuất huyết dưới nhện, phù não lan tỏa, gãy lún xương trán, thái dương…
Dù được hồi sức tích cực, anh C. tiếp tục ngưng tim thêm ba lần. Sau các nỗ lực cứu chữa, bệnh nhân được chẩn đoán chết não theo đúng quy trình chuyên môn của Bộ Y tế.
Nhiều cuộc đời hồi sinh
Giữa nỗi đau mất mát, gia đình anh C. quyết định hiến tạng gồm tim, gan và hai quả thận để cứu sống những người khác. Trong đó, gan trái được ghép cho bệnh nhân tại TP.HCM, gan phải được ghép cho người bệnh ở Hà Nội và tim được chuyển đến Huế.
Hai quả thận của anh C. được ghép cho chị B.K.L. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) và anh H.T. (Cà Mau), đều là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo ba lần mỗi tuần. Những buổi lọc máu triền miên khiến cả hai thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, mất ngủ, nhưng vẫn gắng gượng vì con cái và hy vọng sống còn.
"Trước đây, tôi là trụ cột gia đình nhưng từ khi chạy thận, vợ phải gánh vác tất cả. Mệt mỏi, phù nề sau mỗi buổi lọc máu, tôi không thể đi công tác xa. Vợ từng muốn hiến thận nhưng không thể vì bị sạn thận. Tôi đã chấp nhận sống chung với bệnh cho đến khi nhận tin có người hiến tạng", anh T. chia sẻ.
Đầu tháng 3, cả hai nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông báo có người hiến thận cùng nhóm máu. Sau khi hoàn tất xét nghiệm lâm sàng và được xác nhận tương thích, hai ca ghép được tiến hành vào ngày 2/3. Đúng 13h, các y bác sĩ cúi đầu tri ân người hiến tạng. Đến 17h30, hai ca ghép được thực hiện song song và thành công, bắt đầu cho hành trình sống mới.
![]() |
Nghĩa cử cao đẹp của người hiến và gia đình đã hồi sinh nhiều cuộc đời. Ảnh: BVCC. |
Một tháng sau, dưới sự theo dõi sát sao của đội ngũ bác sĩ khoa Ngoại thận - Tiết niệu, cả chị L. và anh T. đã phục hồi sức khỏe, có thể tự ăn uống, đi lại, sinh hoạt bình thường.
Các chỉ số sinh hóa như creatinine huyết thanh, hệ số thanh thải, khả năng bài tiết nước tiểu đều ổn định. Không có dấu hiệu thải ghép cấp, thận ghép thích nghi hoàn toàn với cơ thể người nhận. Cuối tháng 3, sau khi sức khỏe ổn định, chị L. và anh T. được xuất viện.
“Tôi không thể diễn tả hết lòng biết ơn với người hiến tạng và đội ngũ y tế. Nhờ nghĩa cử ấy, tôi không còn phải chịu đựng những đợt lọc máu đau đớn. Tôi mong được thắp một nén nhang tri ân người đã hiến thận cho tôi”, chị L. xúc động chia sẻ.
Việt Nam có 90.000 người đang phải chạy thận
Đây là các ca ghép thận được Bệnh viện Nhân dân Gia Định thực hiện trở lại sau hơn 20 năm. Trước đó, vào năm 2002, bệnh viện từng ghi dấu ấn khi là đơn vị đa khoa đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP.HCM thực hiện thành công 4 ca ghép tạng từ người cho chết não – một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển kỹ thuật ghép tạng của đơn vị này.
Theo TS.BS Mai Phan Tường Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hai ca ghép không chỉ mở ra cơ hội sống mới cho hai người bệnh mà còn khẳng định năng lực chuyên môn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị y tế.
PGS.TS Thái Minh Sâm, nguyên Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam đang có những bước phát triển đáng kể. Nếu trong giai đoạn 1992–2002, cả nước chỉ thực hiện khoảng 1.000 ca ghép tạng thì riêng năm 2024, con số này đã vượt mốc 1.000 ca, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng.
Riêng ghép thận, Việt Nam đã thực hiện hơn 8.500 ca. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Hiện cả nước có khoảng 90.000 bệnh nhân đang phải chạy thận, lọc máu, nhưng mỗi năm chỉ có vài trăm trường hợp được ghép tạng.
Đáng chú ý, 95% số ca ghép tạng vẫn phụ thuộc vào người cho sống. Trong khi một người chết não có thể hiến tối đa đến 8 tạng, tỷ lệ hiến từ người chết não tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 5%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển, nơi tỷ lệ này có thể lên đến hơn 50%.
“Điều này xuất phát từ tâm nguyện 'chết toàn thây' của người Việt. Trong khi việc hiến tạng từ người chết não, chết tim đã có thể giúp được rất nhiều người, chi phí ghép tạng chỉ bằng một nửa so với điều trị bảo tồn, chất lượng sống của người bệnh sau ghép cũng cải thiện đáng kể", PGS Minh Sâm nhấn mạnh.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.