Người dùng mạng xã hội Trung Quốc những ngày gần đây dậy sóng vì trò đùa “lẩu dầu ớt đỏ”. Các bài đăng so sánh các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt nắng nóng kỷ lục như Tứ Xuyên, Trùng Khánh với nồi lẩu - món ăn nổi tiếng của hai vùng này.
Một chủ đề trên Weibo có tên “Người dân ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh sắp khóc” đã trở thành một trong những tìm kiếm hàng đầu trên nền tảng này, đạt 600 triệu lượt xem và 137.000 bình luận vào ngày 25/8.
Những bình luận giễu cợt và châm chọc có thể kể đến như "Chẳng biết là chảo lửa hay nồi lẩu dầu ớt đỏ nữa", hay "Trái tim của mùa hè nằm ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh".
Nhiều dân mạng Trung Quốc lấy đợt nắng nóng kỷ lục làm đề tài trêu chọc. Ảnh minh họa: Reuters. |
Trước những trò đùa thiếu tế nhị, một số tờ báo của Trung Quốc như China Youth Daily đăng tải các bài xã luận để nhắc nhở mọi người rằng đợt nắng nóng là một thảm họa tự nhiên và chỉ trích "trò đùa thảm họa” từ cộng đồng mạng.
“Trò đùa này không hề hài hước khi chúng ta đang thực sự phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên. Những khó khăn mà người dân Tứ Xuyên và Trùng Khánh đang trải qua lớn hơn những gì ta có thể tưởng tượng”, tờ China Youth Daily cho biết trong một bài bình luận hôm thứ 24/8.
Các bài báo cho rằng sự phổ biến của trò đùa này cho thấy thái độ thờ ơ với nỗi bất hạnh của người khác.
“Thực sự đáng báo động khi người ta lôi thiên tai ra làm trò đùa để giải trí. Việc này có thể dẫn tới việc mọi người mất đi khả năng đồng cảm và suy nghĩ”, tờ Workers’ Daily viết cùng ngày.
Tạp chí hàng tuần Sanlian Life Week cũng thực hiện một cuộc thăm dò trực tuyến trên Weibo về trò đùa này. Phần lớn người dùng đưa ra ý kiến: “Việc đùa cợt làm mất đi tính nghiêm trọng của sự việc và không chừa chỗ cho các cuộc thảo luận sâu sắc”.
Người dân đi bộ dưới đáy sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử ở thành phố Trùng Khánh vào ngày 25/8. Ảnh: AFP. |
Các đợt nắng nóng và hạn hán xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới vào mùa hè này.
Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 6 thập kỷ. Nhiệt độ cao kéo dài suốt hơn 2 tháng cũng khiến cho sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng và cản trở tăng trưởng cây trồng.
Nhiệt độ cao kỷ lục trong khoảng thời gian kéo dài khiến cho các sông và hồ lớn tại nước này dần khô cạn và làm gián đoạn nguồn cung điện.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh, cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn cùng do mất điện, bởi thủy điện chiếm khoảng 80% sản lượng điện của khu vực. Một số khu vực ở Tứ Xuyên và ít nhất 4 huyện ở Trùng Khánh đã xảy ra các vụ cháy rừng.