Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, đã cấm bán các sản phẩm in hình chú mèo nằm trên ghế lười vì cho rằng những hình ảnh này cổ xúy văn hóa lười biếng của những người trẻ, theo Sixth Tone.
RHR Shanghai Adoption Home, một cơ sở nhận nuôi động vật bị bỏ rơi ở thành phố Thượng Hải, cho biết vào ngày 17/8, Taobao đã gỡ toàn bộ sản phẩm in hình chú mèo lười trong dự án gây quỹ của họ.
Sản phẩm áo "mèo lười" bị Taobao gỡ trên nền tảng của mình. Ảnh: Internet City. |
Cấm bán áo hình mèo lười
Cơ sở này đăng tải bức ảnh chụp màn hình cho thấy Taobao cho rằng các sản phẩm vi phạm “trật tự công cộng và đạo đức” cùng nhiều quy tắc của nền tảng này, yêu cầu RHR ngừng bán “áo mèo lười”.
Các sản phẩm bị cấm bao gồm túi vải, móc chìa khóa và áo phông có in hình hai chú mèo lấy cảm hứng từ những con mèo bị bỏ rơi được tổ chức giúp đỡ.
Các hình ảnh khắc họa một chú mèo ngả lưng trong chiếc ghế lười với chiếc đùi gà trên tay, chú mèo còn lại nằm trên ghế dài và cầm máy chơi điện tử. Điểm đặc biệt là tất cả các sản phẩm đều in chữ Hán “tang ping” (nằm nghỉ) và “bai lan” (mặc kệ sự đời).
Hình ảnh 2 chú mèo trên các sản phẩm của trung tâm. Ảnh: @RHR上海领养之家. |
Bất chấp lệnh cấm từ Taobao, cơ sở này vẫn tổ chức buổi gây quỹ trực tiếp trên Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quố - và thậm chí tận dụng danh tiếng từ vụ việc.
“Chúng tôi coi việc 'nằm nghỉ' là điều tích cực. Chẳng ai có thể phấn đấu làm việc mọi lúc mọi nơi. Chúng ta đều có thể nghỉ ngơi thật tốt trước khi bắt đầu, và điều chỉnh bản thân để sẵn sàng chiến đấu”, trung tâm cứu trợ cho biết.
Mọi sản phẩm có từ khóa liên quan đều đã bị xóa sổ khỏi Taobao. Đại diện nền tảng này từ chối trả lời câu hỏi từ báo chí.
Trào lưu "buông xuôi"
Trào lưu “buông xuôi” bắt đầu rộ lên ở Trung Quốc từ năm 2021 nhằm phản đối văn hóa làm việc cạnh tranh cũng như kì vọng của xã hội vào người trẻ. "Bai lan", một cụm từ trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc từ đầu năm 2022, có nghĩa là “mặc kệ sự đời” thay vì chủ động khắc phục khó khăn.
Một trong những người ủng hộ đầu tiên của trào lưu này là một nam công nhân nhà máy. Thanh niên này chia sẻ trên blog của mình cách sống tiết kiệm, chỉ ăn mì gói qua ngày và không ra khỏi nhà.
Thực tế có ít người làm được như anh, nhưng nhiều người trẻ đã lấy đó làm nguồn cảm hứng để cho phép bản thân thả lỏng hơn.
Trào lưu này có sức lan tỏa mãnh liệt khi tỷ lệ của thanh niên Trung Quốc không có việc làm ngày càng gia tăng.
Số liệu vào tháng 7 cho thấy có tới 19,9% thanh niên thành thị trong độ tuổi từ 16 tới 24 thất nghiệp. Đây là con số cao nhất kể từ khi tỷ lệ này đạt kỷ lục vào năm 2018, và là tháng thứ 4 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số người trẻ thất nghiệp cao chưa từng thấy.
Người trẻ Trung Quốc chuộng lối sống "buông xuôi" khi tỷ lệ thất nghiệp đạt kỷ lục. Ảnh: The Guardian. |
Trước tâm lý "bình chân như vại" của người trẻ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên án trào lưu này, động viên thanh niên nỗ lực hơn.
He Junke, một quan chức tại Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo tháng 4 rằng hầu hết thanh niên nước này đang làm việc chăm chỉ. Trào lưu này chỉ là là “một trò đùa để giảm bớt áp lực và cách để họ thể hiện cảm xúc”.
Người mua hàng lại có cái nhìn nhẹ nhàng hơn. Zhang Sisi, một giám đốc marketing 33 tuổi, đã mua hai chiếc áo trung tâm cứu trợ với giá khoảng 200 nhân dân tệ (tương đương 29 USD) vào tháng 7/2022.
"Hai từ đó gợi lên cảm giác thư giãn và tôi chủ yếu mặc áo phông ở nhà thôi. Phải thừa nhận là tất cả chúng ta ngày nay đều đang phải gánh rất nhiều áp lực", anh chia sẻ.