Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Nhiều F0 mệt mỏi, kiệt sức vì phải chiến đấu với di chứng hậu Covid-19

Không có tiền sử bị các bệnh nền, sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng nhiều F0 vẫn gặp phải những di chứng đáng sợ hậu Covid-19. Cuộc chiến với kẻ thù vô hình khiến họ mệt mỏi.

di chung hau Covid-19 anh 1

Khi dịch Covid-19 xuất hiện, giới khoa học và người dân toàn cầu lo lắng trước bị lây nhiễm. Sự bí ẩn của chủng virus kỳ lạ khiến các chuyên gia sức khỏe tập trung tìm cách cứu chữa những F0 nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong xuống thấp nhất.

Những ngày đen tối tạm qua đi, giờ đây, chúng ta lựa chọn chung sống với đại dịch. Song, áp lực với người khỏi bệnh và hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu vẫn chưa dừng lại. Họ tiếp tục phải sống chung với hội chứng Long Covid, hàng loạt triệu chứng bí ẩn không thể giải thích lý do.

Cuộc chiến với kẻ thù vô hình

Huyết áp cao không lý do là triệu chứng phổ biến nhiều F0 gặp phải hậu Covid-19. Lindsay Polega, 28 tuổi, luật sư từ St.Petersburg, Florida, Mỹ, không tiền sử mắc bất kỳ bệnh nào trước khi nhiễm nCoV.

Theo Washington Post, cô từng là vận động viên bơi lội thời còn trung học, luôn có thói quen bơi, tập thể dục hơn một giờ mỗi ngày. Nhưng sau hai lần mắc Covid-19 (lần một vào đầu năm 2020 và lần hai vào mùa xuân năm 2021), Lindsay bất ngờ khi biết bản thân bị tăng huyết áp, dẫn tới ngực đau từng cơn. Cả người cô run rẩy và yếu ớt.

Trong những lần huyết áp tăng vọt, có lúc, chỉ số lên tới 210/153 mmHg, cao hơn nhiều so với mức thông thường 120/80 mmHg. Cũng vì điều này, Lindsay đã bị ngất và phải nhập viện cấp cứu khi đang trong lớp học Pilates nhẹ. Lần khác, tình huống tương tự lại xảy ra khi cô đang đi bộ.

Cô được giới thiệu tới gặp bác sĩ chuyên khoa về nội tiết, miễn dịch, tim mạch, thần kinh. Tại một phòng khám, bác sĩ đặt giả thuyết nguyên nhân gây ra hàng loạt tình trạng này của Lindsay có thể do tuyến thượng thận.

di chung hau Covid-19 anh 2

Đau tim, huyết áp cao, nhịp tim nhanh bất thường là những triệu chứng không thể giải thích ở nhiều F0 khỏi bệnh. Ảnh: Freepik.

Các nhà khoa học đã ghi nhận nCoV có thể nhắm tới các tuyến thượng thận - nơi sản xuất hormone giúp điều chỉnh huyết áp cho hoạt động hàng ngày. Lindsay được kê thuốc huyết áp loại nặng eplerenone, thường được sử dụng cho những bệnh nhân sau cơn đau tim. Nó giúp thuyên giảm nhưng không thể loại bỏ các cơn đau.

Phần đáng sợ nhất với Lindsay đó chính là tác dụng phụ mà eplerenone gây ra. Nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng thuốc này khiến con chào đời bị nhẹ cân và gặp hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác.

Lindsay và bạn trai mới cùng nhau mua nhà, chuẩn bị lập gia đình, có con. Những việc đang xảy ra như cú đánh mạnh vào cô.

“Nó là sự đánh đổi rất lớn. Căn bệnh đã lấy đi điều quý giá nhất của tôi - tương lai của tôi”, cô tâm sự, mệt mỏi vì phải chiến đấu với kẻ thù vô hình mang tên di chứng hậu Covid-19.

“Thoắt ẩn thoắt hiện”

Trong số tất cả triệu chứng của Long Covid-19, tình trạng gây khó chịu nhất là nhịp tim thất thường và chậm không rõ nguyên nhân.

Tiffany Brakefield, dược sĩ, 36 tuổi, ở Bonita Springs, Florida, Mỹ, mắc bệnh vào tháng 6/2020. Hậu Covid-19, cô đối mặt tình trạng nhịp tim đập liên hồi bất ngờ, đến nỗi, cô phải ngồi sụp xuống để ổn định hơi thở.

“Tôi cảm thấy mình sắp ngã xuống. Và tất cả điều tôi có thể làm là đợi trái tim bình tĩnh trở lại”, Tiffany chia sẻ. Các bác sĩ đã cho cô dùng thuốc trợ tim metoprolol, nhưng triệu chứng vẫn không thuyên giảm.

Rick Templeton, giảng viên đại học 52 tuổi ở Lynchburg, Virginia, Mỹ, cũng có cảm nhận tương tự. Ông bị tức ngực, kèm theo nhịp tim nhanh. Nó xuất hiện trong 5-6 tháng sau khi ông mắc Covid-19 vào tháng 9/2020. Sau đó, tình trạng này biến mất. Các bác sĩ không biết nguyên nhân và các xét nghiệm cũng không thể phát hiện điểm bất thường. Bản thân Rick lo lắng không biết liệu tình trạng này có quay trở lại hay không và nó có thể khiến sức khỏe của ông tồi tệ đến mức nào.

Rajpal, bác sĩ tim mạch ở bang Ohio, cho hay phần lớn ca khám di chứng hậu Covid-19 mà ông tiếp nhận đều báo cáo về tình trạng tim đập nhanh bất thường hoặc có những vấn đề về tim. Triệu chứng phổ biến là khó thở, tức ngực, nhịp tim nhanh. Song, khi các bác sĩ còn đang tìm hiểu chuyện gì xảy ra thì chúng biến mất.

Theo David Goff, Giám đốc khoa Tim mạch của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, các triệu chứng này rất giống với hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) - rối loạn ảnh hưởng lưu lượng máu. Ở những người này, hệ thống thần kinh không thể tự điều chỉnh các yếu tố như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi, thân nhiệt. Đây đều là những yếu tố mà ở người bình thường, hệ thống thần kinh vốn tự kiểm soát rất tốt.

Ông cho biết nhịp tim không ổn định với nhiều F0 khỏi Covid-19 "có thể khá nghiêm trọng và trở thành suy nhược, gây trở ngại cho họ trong các hoạt động bình thường hàng ngày”. Các bác sĩ có thể sử dụng thuốc huyết áp để cố gắng ổn định nhịp tim nhưng không thể chữa trị dứt điểm.

di chung hau Covid-19 anh 3

Ngay cả những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19. Ảnh: Freepik.

Câu hỏi bỏ ngỏ

Vào tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã khảo sát các bệnh nhân, nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế, nhân viên của mình để đi đến định nghĩa chính thức về tình trạng nhiều người vẫn gặp phải các triệu chứng Covid-19 dù đã khỏi bệnh.

Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, song, cũng có nhiều triệu chứng khác và thường ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Tình trạng này có thể xuất hiện sau đợt mắc Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.

Bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về Long Covid, cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan triệu chứng hậu Covid-19.

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe David Systrom, Bệnh viện Brigham and Women ở Boston, Mỹ, đặt giả thuyết tổn thương mạch máu có thể là nguyên nhân gây ra hàng loạt triệu chứng phổ biến của hội chứng Long Covid. Một trong số đó là tình trạng mệt mỏi mà đa số F0 gặp phải.

Ông David và cộng sự đã tìm 20 người gặp khó khăn khi tập thể dục. 10 người từng là F0, số còn lại không bị nhiễm virus. Ông đưa ống thông vào tĩnh mạch của họ để kiểm tra trước khi họ đạp xe trong nhà và bắt đầu đo.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chest vào tháng 1, vị chuyên gia phát hiện những F0 mắc hội chứng Long Covid có chức năng phổi hoàn toàn bình thường. Khi tập thể dục cường độ cao, mức độ oxy của họ vẫn rất ổn định ngay cả khi bị hụt hơi. Song, điều bất thường chính là một số động mạch, tĩnh mạch dường như không thể vận chuyển oxy đến, đi từ các cơ.

Ông đặt ra giả thuyết điều này có thể do trục trặc trong hệ thống thần kinh tự trị của cơ thể. Hệ thống điều khiển các hành động không tự chủ như tốc độ tim đập hoặc sự mở rộng hoặc thu hẹp của các mạch máu.

“Khi tập thể dục, nó hoạt động như cảnh sát giao thông phân phối lưu lượng máu đến các cơ từ hệ thống cơ quan như thận và ruột. Nhưng khi hệ thống bị rối loạn chức năng, kết quả là việc hút oxy không đầy đủ, khiến người bệnh có cảm giác kiệt sức”, ông giải thích.

Theo bác sĩ tim mạch Nicole Bhave, Michigan Medicine: “Virus này thực sự đã đánh gục mọi người. Ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng từ vài tuần đến vài tháng. Đó là thách thức khiến chúng ta khó phân biệt đâu là cơ thể bạn đang dần hồi phục, đâu là vấn đề bệnh lý mới”.

GS Ziyad Al-Aly, Đại học Washington, phát hiện 4% F0 khỏi Covid-19 gặp di chứng về tim mạch, làm tăng nguy cơ bị các bệnh về tim, đột quỵ. Ông nhấn mạnh những hậu quả tim mạch nghiêm trọng về lâu dài khi mắc Covid-19 và tầm quan trọng của vaccine trong việc ngăn ngừa gặp tổn thương tim ở F0. Vị chuyên gia cho rằng giới chức Mỹ và toàn cầu vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho những gì sắp xảy ra xung quanh triệu chứng hậu Covid-19 bí ẩn.

Tác hại có thể xuất hiện ở một số F0 là nam giới

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Hong Kong (Trung Quốc) phát hiện chuột bị nhiễm nCoV bị teo tinh hoàn và tổn thương cơ quan này rất nặng.

Nghiên cứu mới: Ăn nhiều rau không giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ

Nhóm chuyên gia Đại học Oxford, Anh, phát hiện ăn nhiều rau xanh không giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, đột quỵ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần duy trì lối sống, bữa ăn lành mạnh.

Dịch Covid-19

Minh Khôi

Bạn có thể quan tâm